clock

Công Nghệ

12:50 13-10-2015

Steve Jobs đã khôn khéo lừa cựu CEO HP một vố đau như thế nào?

Cựu CEO HP, bà Carly Fiorina luôn tỏ ra tự hào về tình bạn khăng khít với vị cố thuyền trưởng Steve Jobs của Apple. Tuy nhiên, khi lật lại quá khứ, người ta bỗng nhận ra rằng Steve Jobs đã từng chơi 1 vố đau với HP chỉ nhờ chiếc iPod.

Bà Carly Fiorina giới thiệu chiếc iPod màu xanh nhạt tại CES 2004.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Steven Levy trên Medium.

Hiện đang là ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa nhằm tranh cử cho vị trí Tổng thống Mỹ, Carly Fiorina đang nhận được nhiều sự chú ý từ dư luận khi là đại diện duy nhất của giới công nghệ trong cuộc chạy đua gay gắt này. Mũi dùi tranh luận lúc này đang hướng vào bà Carly Fiorina khi cho rằng, việc từng đảm nhận chức vụ CEO củaHP là khía cạnh duy nhất giúp bà lọt vào hàng ngũ ứng viên sáng giá tranh cử chức Tổng thống.

Các nhà nghiên cứu công nghiệp cũng nhận định, bà thực sự không đủ năng lực để duy trì vị trí của mình tại HP. Sau 6 năm tại vị, ngay khi bị hội đồng quản trị bác bỏ vai trò CEO vào năm 2005, giá cổ phiếu của HP đã bất ngờ tăng tới 7%. Sau đó, bà Fiorina cũng đã “tiếp đất an toàn” với khoản tiền hỗ trợ thôi việc trị giá 40 triệu USD.

Vậy bà đã chen chân vào vị trí hiện tại bằng cách nào? Có thể nói, đó là nhờ Steve Jobsđã từng đứng về phía Fiorina trong lúc bà đang khó khăn nhất. Mới đây, trong một buổi tranh luận đang khá căng thẳng, bà đã lựa một thời khắc vàng để lật “quân bài Steve Jobs” đắt giá khi chia sẻ một câu chuyện về vị cố CEO của Apple. Bà kể lại, Steve Jobs từng gọi điện cho bà để động viên khi bà bị sa thải. Ông nói rằng chính ông cũng từng bị “người cùng nhà” gạt ra khỏi bộ máy: "Tôi cũng thế, 2 lần liền", và bà cũng không cần cảm thấy quá tồi tệ về chuyện này. Bằng cách gắn mình với “vị thánh sáng tạo” của làng công nghệ hiện đại, Fiorina gần như đã ghi điểm tuyệt đối và giành phần thắng trong cuộc tranh luận.

Có lẽ bà Fiorina vẫn tưởng rằng Steve Jobs luôn là "người bạn tốt" của HP hoặc cố tình nghĩ như thế. Lật lại lịch sử, chúng ta hãy xem lại một tập phim đáng bị lãng quên của cả HP lẫn Fiorina, có sự góp mặt của "người bạn tốt" Steve Jobs.

Đó là câu chuyện về chiếc iPod của HP...

Bà Fiorina trong màn tranh luận cho chức Tổng thống Mỹ trên đài CNN.

Giao kèo với quỷ dữ

Chiếc máy nghe nhạc iPod huyền thoại vẫn luôn là một đứa con tinh thần đáng tự hào của Apple. Đây được coi là bước đột phá trong thời kỳ hưng thịnh nhất của máy nghe nhạc kỹ thuật số lúc bấy giờ, cho phép người dùng tận hưởng cả một “thư viện âm nhạc ngay trong túi xách”. Ra mắt vào năm 2001, chiếc iPod dần dần thu hút được sự chú ý từ đông đảo người yêu nhạc, và chính thức trở thành một hiện tượng đáng kinh ngạc trên toàn thế giới vào năm 2003.

Chính điều này đã dẫn tới sự xuất hiện của iPod 4G – kết quả của sự hợp tác sản xuất giữa Apple và HP với mục đích đôi bên cùng có lợi – ra mắt vào tháng 1/2004. Trên mặt lưng chiếc iPod 4G này, logo của HP được xuất hiện ngay bên dưới logo trái táo cắn dở của Apple. Điều quan trọng là, HP chấp nhận cho Apple cài sẵn iTunes vào trong các máy tính của hãng hiện giờ. Hàng triệu khách hàng của HP/Compaq sẽ ngay lập tức trở thành khách hàng của iTunes/Apple.

Nếu đó là một thỏa thuận bình thường, Apple có thể tốn đến hàng trăm triệu USD (thời đó, các công ty phần mềm luôn phải trả một khoản phí khổng lồ để có thể cài sẵn sản phẩm của họ trong máy do người dùng hay có xu hướng sử dụng phần mềm mặc định). Hơn thế, việc cài sẵn iTunes trên máy tính là cách để Apple lấn sân vào chính đất của Microsoft với Windows Media Store. Có thể nói, mỗi chiếc máy tính HP bán ra sẽ mang lại giá trị cho Apple nhiều hơn chính HP.

Đổi lại, HP sẽ được quyền bán iPod nhưng theo cách khác với Apple, vốn chỉ bán online và ngay trong Apple Store. HP quyết định sẽ bán theo hình thức phân phối tới các đại lý bán lẻ.

Thực chất, đây là thỏa thuận giữa Steve Jobs và Carly Fiorina chỉ 1 năm trước khi bà bị sa thải do tác động từ nhiều quyết định sai lầm trước đó, dẫn đến sự khủng hoảng cho công ty và khiến HP đánh mất vị trí dẫn đầu trong thị trường PC.

Khi HP hào hứng bán ra các sản phẩm iPod mà họ tin rằng sẽ "cháy hàng" trong thời gian ngắn thì Apple lại tung ra các mẫu iPod được cải tiến mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ngay lập tức, hàng trăm nghìn chiếc iPod HP đang sở hữu bỗng trở thành đồ vứt đi. Fiorina dường như đã quên mất thêm vào điều khoản cho phép đôi bên cùng được bán những chiếc iPod mẫu mã mới nhất trên thị trường. Vài tháng sau đó, HP mới nhận ra điều này và ra mắt những mẫu mã mới, nhưng lúc đó thì đã quá muộn.

Liên hoàn kế

Nếu chưa kể đến cuốn sách tôi viết về iPod xuất bản năm 2007, chính bản thân tôi cũng từng có cơ hội trực tiếp phỏng vấn Fiorina khi bà giới thiệu chiếc iPod cộp mác HP tại Triển lãm điện tử CES 2004. Công bằng mà nói, đây là một sự cứu vãn khá thảm hại trong triều đại của bà. Mặc dù phương châm của HP là phát minh và sáng tạo, tuy nhiên, tại sự kiện công nghệ lớn nhất thế giới hồi đó, HP lại tự hào tuyên bố với cả thế giới rằng họ đang bán một phát minh... của người khác.

Bà Fiorina từng giới thiệu chiếc iPod màu xanh nhạt của HTC trước khi Steve Jobs biến nó trở thành một... âm mưu thôn tính có hệ thống.

Thế nhưng, trong cuộc phỏng vấn với tôi vào tháng 1/2005, khi không còn ánh đèn sân khấu, Fiorina lại không tiếc lời khoe khoang về chiếc iPod như thể đây chính là một đột phá về công nghệ của công ty bà. Bà nói rằng Apple đã chọn HP làm nơi “gửi vàng”: “Bởi HP là một công ty chuyên về các phát minh sáng tạo, nên tôi tin rằng sự sáng tạo đã chảy sẵn trong máu của mỗi người chúng tôi. Đó chính là lý do tại sao Apple đã tìm đến HP để đề nghị một thỏa thuận hợp tác”.

Vậy tại sao HP lại đi bán sản phẩm của người khác? Bà mô tả chiến lược phát triển của HP là một “sự phát triển có trọng tâm”. Dù vậy, HP vẫn không đủ khả năng bán lẻ hàng nghìn chiếc máy. Điều quan trọng là, trong khi HP đang vật lộn với doanh số bán hàng không mấy khả quan, Apple đã bán sạch các sản phẩm iPod qua mọi hình thức phân phối.

Từng đưa ra nhiều quyết định sai lầm, Carly Fiorina là vị CEO ít được đánh giá cao của tập đoàn máy tính HP.

Đến thời điểm CES 2004, bà Fiorina tiết lộ HP sẽ sản xuất một mẫu iPod mới hoàn toàn khác biệt so với Apple. Theo đó, iPod của HP sẽ có màu xanh dương nhạt và tự tin đây chính là chi tiết giúp HP ghi điểm. Tôi bỗng thầm so sánh những lời quảng cáo trên mây này với phong cách kiệm lời và để sản phẩm lên tiếng của Steve Jobs. Trong tích tắc, những câu văn màu mè của Fiorina trở nên thật sáo rỗng. Khi lắng nghe tôi thuật lại câu chuyện qua điện thoại, Steve Jobs vẫn rất điềm tĩnh đáp lại trước thông tin HP chuẩn bị sản xuất iPod màu xanh: “Hãy chờ xem”. Ngắn gọn, sắc lạnh và đầy kiêu hãnh y như những sản phẩm của ông.

Thực tế, khi xuất hiện trên thị trường khoảng 7 tháng sau đó, thật tréo ngoe khi chiếc iPod của HP lại có màu… trắng xám giống hệt iPod của Apple. Điểm khác biệt duy nhất ở mẫu iPod này là phần logo HP ở đằng sau máy, ngay bên dưới logo quả táo cắn dở quen thuộc của Apple. Nỗ lực này cũng không giúp Fiorina được nhiều và bà bị sa thải vào tháng 2/2005, không lâu sau khi ra mắt chiếc iPod HP. Đương nhiên, thỏa thuận với Apple cũng bị hủy bỏ ngay tháng 7 năm đó.

Thế nhưng, điều khoản mà chính Fiorina đã ký với Jobs trước đó đã khiến HP không thể bán một sản phẩm nào khác cạnh tranh với iPod cho tới tận tháng 8/2006. Và đến tháng 1 năm đó, hãng nãy vẫn phải bán hết số máy tính cài sẵn iTunes (sau đó, HP ký với dịch vụ âm nhạc Rhapsody và đồng chủ tịch của Rhapsody, Rob Glaser cũng phải công nhận rằng Apple đã chơi một vố quá đau với HP).

Mẫu iPod 4G - sản phẩm hợp tác của Apple và HP.

Steve Jobs - "cáo già" làng công nghệ

Tóm lại, “người bạn tốt” Steve Jobs của Fiorina quả là một bộ óc thiên tài trong thiết lập quan hệ với các công ty đối thủ nhằm từng bước giúp Apple đi lên. Chỉ cần một lần nhún nhường “nhờ vả” HP, Steve Jobs đã thành công khi phóng 1 mũi tên trúng… n cái đích: Tận dụng được mạng lưới khách hàng rộng lớn của HP và biến iTunes trở thành trình chơi nhạc mặc định trên hàng triệu máy tính HP mà không mất một đồng nào. Đồng thời, ông còn khiến một gã khổng lồ công nghệ lúc bấy giờ phải “muối mặt” công nhận Apple là một công ty sáng chế đại tài.

Và sau tất cả, ông chẳng phải mất gì cả ngoài vài phút gọi điện cho Carly Fiorina chia sẻ nỗi buồn… sa thải như những người đồng cảnh ngộ.

 

Theo Trí thức trẻ/GenK