DU LỊCH
06:40 17-10-2015Sự nhầm lẫn nguy hiểm trong quảng bá du lịch Việt
Thời gian gần đây, ngành Du lịch tồn tại tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong vấn đề quảng bá du lịch, hình ảnh đất nước. Sự lầm lẫn của cơ quan, công ty du lịch, bên đối tác đã gây hiểu lầm về hình ảnh, đất nước Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch Việt.
Chợ nổi Cái Bè ở Thái Lan, Lăng Bác ở miền Nam
Sảnh ga đi quốc tế sân bay quốc tế Yangon (Myanmar) đang đặt một tấm bảng lớn với dòng chữ “Visit VietNam” (tạm dịch “Hãy đến tham quan Việt Nam”). Ngày 12/10/2015, Bologger Nguyễn Ngọc Long đi du lịch Myanmar đã phát hiện biển quảng bá du lịch Việt Nam có hàng loạt chi tiết không chính xác, thẩm mỹ kém khiến anh và các du khách Việt không khỏi bức xúc. Điều tệ hại là bản đồ không có Hoàng Sa và Trường Sa.
Chia sẻ trên trang cá nhân, anh Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Ở biển quảng cáo này, Hạ Long được đưa vào Thanh Hóa, Nha Trang đưa ra Đà Nẵng, TP.HCM đẩy ra tận vùng biên giới..., tùm lum hết cả!”. Thêm nữa, những hình ảnh đại diện quảng bá du lịch các địa phương cũng mắc lỗi nghiêm trọng như đặt hình Lăng Bác kề bên TP.HCM.
Việc sắp đặt bố cục này dễ làm người ngoài hiểu nhầm là hình Lăng Bác minh họa cho TP.HCM. Đại diện Hãng hàng không Việt Nam đã yêu cầu công ty quản lý sân bay Yangon thay bản đồ trên tấm bảng này.
Hình ảnh quảng bá du lịch nhầm lẫn tại sảnh ga sân bay quốc tế Yangon (Myanmar) được Blogger Nguyễn Ngọc Long phát hiện.
Việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không phải là hiếm gặp trong việc quảng bá hình ảnh, du lịch Việt Nam. Cuối tháng 8 vừa qua, một trang web đã quảng bá về chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) trong bài viết “Chợ nổi Cái Bè - Điểm du lịch độc đáo của miền Tây Nam bộ”. Điều đáng nói là hình ảnh “chợ nổi Cái Bè” lại được minh họa bằng bức ảnh… chợ nổi Damnoen Saduak và Khet Taling Chan của Thái Lan và chợ nổi Nam Kalimantan của Indonesia. Trước đó vào tháng 2/2014, trong bài viết “Tiền Giang giới thiệu về Tiền Giang”, hình ảnh minh họa sông nước Tiền Giang cũng là hình ảnh chợ nổi Damnoen Saduak.
Tháng 3/2013, thực hiện chương trình xúc tiến du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp với Vietnam Airlines và 26 doanh nghiệp lữ hành tham dự Hội chợ ITB-Berlin 2013. Một gian hàng Du lịch Việt Nam tại hội chợ ở Đức đã quảng bá hình ảnh… Lạc Sơn Đại Phật ở tận Trung Quốc (!).
Sự lầm lẫn, cẩu thả của cơ quan, công ty du lịch, bên đối tác trong việc sử dụng hình ảnh trong các bài viết, sự kiện quảng bá du lịch gây hiểu lầm về hình ảnh, đất nước Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch Việt.
Nhạt nhòa quảng bá
Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt đã có các chương trình giới thiệu trong và ngoài nước trên nhiều phương tiện nhưng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đều đề cập đến những khó khăn của mình khi quảng bá du lịch tại thị trường nước ngoài. Họ đều cần có clip giới thiệu vùng miền, danh lam thắng cảnh của đất nước song không có hình ảnh đẹp để chiếu và minh họa tăng phần thuyết phục.
Các clip hiện có gần như chỉ đơn thuần là tài liệu giới thiệu những điểm đến chứ chưa đủ sức đảm nhiệm vai trò quảng bá. Ngoài ra, sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền, thiếu tính liên kết.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, nghiên cứu thị trường còn thụ động, yếu kém. Việc xúc tiến của ngành Du lịch chỉ đơn giản là đăng ký hội chợ, kêu gọi các doanh nghiệp đăng ký rồi sau đó cử đoàn đi khảo sát và trưng bày tại hội chợ, cùng lắm là tổ chức vài cuộc hội thảo và mời vài công ty du lịch nước ngoài vào du khảo.
Chưa kể tới việc so với các nước trong khu vực, kinh phí Nhà nước đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến còn rất hạn chế. Chính phủ nước ta mỗi năm đầu tư xúc tiến du lịch với ngân sách khoảng 50 tỉ đồng (tương đương 2,5 triệu USD). So với các nước khác trong khu vực, số tiền này quá nhỏ, như Malaysia đầu tư 80 triệu USD/năm, Thái Lan 70 triệu USD/năm, Singapore gần 60 triệu USD/năm.
Ít tiền, ít nhiệt tình thế nên việc quảng bá chưa tạo được hiệu ứng kích cầu du lịch Việt Nam ở các thị trường quốc tế, hình ảnh du lịch Việt vẫn còn nhạt nhòa trên bản đồ du lịch thế giới, âu cũng là điều dễ hiểu!
Theo Báo Pháp Luật Việt Nam
Tin liên quan
- Ai nói đi Phú Quốc là đắt đỏ, dưới đây là những trải nghiệm như người bản địa chỉ tốn chưa tới 100.000 đồng/người
- Sốc chưa: Bay từ TP.HCM đi Bangkok chỉ từ 18.000 đồng
- Hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam chính thức cất cánh ra thế giới
- Vietnam Airlines nối lại 3 đường bay thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc