clock

Tài Chính

01:21 31-05-2019

Sức ép trả nợ tăng, có thời điểm phải vay đến 40.000 tỷ/tháng để trả nợ

Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ mỗi tháng, ông Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.

Thảo luận tại hội trường ngày 30/5, ông Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, ông ghi nhận những kết quả nổi bật như 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội trước đó cho thấy, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững.

Vì mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững, nên theo ông Hàm, quý I/2019, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Đáng lưu ý, ông Hàm chỉ ra sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Theo đó, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ mỗi tháng.

Trong phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Trần Tất Thế, đoàn Hà Nam ghi nhận năm 2018, chúng ta đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 7,08%, thu ngân sách vượt dự toán, các khu vực kinh tế phát triển tương đối đồng đều. Sang quý I/2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.Cũng đánh giá về vấn đề thu, chi ngân sách, đại biểu Hoàng Văn Hùng, đoàn Thái Nguyên nhận xét, kết quả thu ngân sách còn thiếu bền vững, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh giảm, chi đầu tư phát triển tiến độ giải ngân chậm dẫn đến nguồn lực đầu tư công tồn dư lớn trong khi cần vốn đầu tư, thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo ông Thế, dù thu ngân sách tăng nhưng chủ yếu do khai thác tài nguyên và giá dầu tăng, không phải thu từ sản xuất kinh doanh, bởi vậy, đây là những con số không bền vững.

Vị đại biểu này cũng cho biết năm 2020 chúng ta phải trả nợ đến hạn. “Với tình hình này, chúng ta có thể phải vay để trả nợ”, ông Thế nói.

Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội trước đó cho biết, đối với năm 2020, nghĩa vụ trả nợ gốc khoảng 166.000 tỷ đồng, đỉnh nợ rơi vào tháng 10/2020 với khối lượng đáo hạn gốc khoảng 40,5 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng trái phiếu chính phủ ngoại tệ là 1.000 triệu USD (khoảng 23 nghìn tỷ đồng), tháng 11/2020 là 21,3 nghìn tỷ đồng.

Đối với năm 2021, nghĩa vụ trả nợ gốc là 204,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoản 700 triệu USD trái phiếu ngoại tệ (khoảng 16 nghìn tỷ đồng), đỉnh nợ không cao như năm 2020, tuy nhiên, từ tháng 2 đến tháng 6/2021 và tháng 12/2021, mỗi tháng đáo hạn từ 21-27 nghìn tỷ đồng.

 
 

theo Bizlive