clock

Trong Nước

05:49 30-09-2015

Tăng 12 bậc, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn “bét” Đông Nam Á

Việt Nam xếp hạng thứ 56 trên tổng số 144 nền kinh tế. Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI 2014-2015) đạt 4,3/7.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2015-2016. Như thường lệ, bản báo cáo vẫn dựa trên những số liệu thống kê được công bố, và những khảo sát ý kiến chuyên gia. 
Trong báo cáo năm nay, Việt Nam xếp hạng thứ 56 trên tổng số 144 nền kinh tế. Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu (GCI 2014-2015) đạt 4,3/7 (thang điểm từ 1-7, với 7 là điểm cao nhất).
Chỉ số GCI của Việt Nam năm nay có sự cải thiện so với các năm trước đó (đạt 4,3/7 điểm), thứ bậc trên bảng xếp hạng đã có sự cải thiện năm thứ 3 liên tiếp, từ vị trí 68/144 năm 2014, 70/148 năm 2013 và 75/144 năm 2012, sau khi tụt hạng các năm trước đó (vị trí 65/142 năm 2011 và 59/139 năm 2010).
Theo WEF lấy số liệu GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2013 tại hơn 1.900 USD/người/năm. Với mức này (dưới 2.000 USD), WEF cho điểm và xếp hạng GCI theo 3 nhóm yếu tố với trọng số tương ứng: Các yếu tố cơ bản (60%), các yếu tố nâng cao hiệu quả (35%), và các yếu tố sáng tạo (5%). 
Ba nhóm này bao gồm 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh quốc gia sau đây:
- Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế (4,3/7 điểm): Thứ bậc nhóm này trong bảng xếp hạng giảm 8 bậc từ 79 xuống 87. Đáng chú ý, môi trường kinh doanh vĩ mô giảm từ vị trí 75/144 xuống 118/140. 
- Các yếu tố nâng cao hiệu quả của nền kinh tế (3,8/7 điểm): Các trụ cột trong nhóm yếu tố này không có nhiều sự thay đổi so với năm trước đó, cải thiện rõ nhất là hoạt động đào tạo và bồi dưỡng lao động, tăng từ 4,53 điểm trong năm ngoái lên 4,7 điểm trong năm nay.
- Các yếu tố sáng tạo của nền kinh tế (3,4/7 điểm): Thứ bậc của nhóm này đã bị sụt từ 98/144 xuống vị trí 115/140.
Trong sơ đồ này, năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều điểm "lõm", như Sự sẵn sàng về công nghệ, Sức sáng tạo, Các thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phát triển của thị trường tài chính và Giáo dục - đào tạo bậc cao.
Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số Năng lực Cạnh tranh GCI của Việt Nam hiện đứng sau 5 quốc gia gồm: Singapore (xếp hạng 2/140), Malaysia (18/140), Thái Lan (32/140), Indonesia (37/140) và Philippines (47/140). Cả 5 quốc gia đều lọt top 70.  
Nhìn chung, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tiếp tục có sự cải thiện trong thứ hạng. Ngược lại, các quốc gia Nam Á tiếp tục để mất vị thế.  
“Báo cáo cho thấy các dấu hiệu đáng ngại về một ‘trạng thái bình thường’ mới, trong đó kinh tế và tăng trưởng sản lượng trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao làm xói mòn sức cạnh tranh, khiến thế giới trở nên mong manh trước một đợt khủng hoảng có thể ập tới”, WEF cho biết. 
Trong đó, các thị trường mới nổi phát đi những dấu hiệu tiêu cực nhất, với nhiều nền kinh tế giảm thứ hạng trong năm nay, Ấn Độ là ngoại lệ. 
Top 11 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới trong năm 2015-2016 lần lượt là Thụy Sỹ (5,8 điểm); Singapore – 5,7; Mỹ - 5,6; Đức – 5,5;  Hà Lan – 5,5; Nhật Bản – 5,5; Hong Kong – 5,5; Phần Lan – 5,5; Thụy Điển – 5,4; Anh – 5,4; Nauy – 5,4.
 
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu được thực hiện thường niên, đánh giá các quốc gia theo 12 tiêu chí, trong đó có cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, độ hiệu quả của thị trường lao động, trình độ công nghệ và mức độ đột phá. Mục tiêu của WEF là vẽ ra bức tranh toàn cảnh về yếu tố thúc đẩy cạnh tranh, năng suất và sự thịnh vượng tại các quốc gia.  

 

Thảo Mai/ Bizlive