clock

Trong Nước

07:30 30-09-2015

Tăng trưởng GDP đạt đỉnh mới

Kinh tế 9 tháng đầu năm tăng trưởng 6,5% - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm, cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét hơn.

Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,57%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm 2015. Ảnh: Đức Thanh

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm đã tiếp tục cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét hơn.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2015 ước tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,17%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm…


 

“Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể, 9 tháng năm 2011, tăng trưởng GDP là 6,03%. Con số này của các năm từ 2012 đến 2014 lần lượt là 5,1%; 5,14% và 5,53%.

Và nếu như xét theo quý thì càng thấy rõ hơn sự hồi phục của nền kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng GDP đã có gia tốc khá lớn sau từng quý. Nếu như quý I/2015, tốc độ tăng trưởng chỉ là 6,12%, thì sang quý II tăng 6,47%, quý III tăng 6,81%.

Sau khi tính toán lại, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt tới 6,32%, cao hơn 0,04 điểm phần trăm so với con số ước tính trước đó là 6,28%.

Khi bình luận về tốc độ tăng trưởng này, ông Nguyễn Bích Lâm cũng đã nhắc tới những biến động của kinh tế thế giới trong 9 tháng qua, đặc biệt là việc dầu thô giảm giá liên tục và giảm ở mức sâu, cũng như những quan ngại về sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu với việc đồng nhân dân tệ giảm giá, hay thị trường tiền tệ và cổ phiếu tại các nền kinh tế mới nổi đang chịu nhiều áp lực do các dòng vốn đầu tư giảm đáng kể..., để khẳng định rằng, sự ổn định và hồi phục của nền kinh tế Việt Nam là rất đáng ghi nhận.

Liên quan vấn đề này, trong một đánh giá gần đây, Bloomberg đã cho rằng, Việt Nam đang giữ một vị trí nổi bật trong khu vực châu Á khi vẫn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Theo chuyên gia kinh tế Liam Carson thuộc Công ty Capital Economics có trụ sở tại London (Anh), thì trong bối cảnh không có nhiều thông tin tốt từ các nền kinh tế mới nổi, một điều đáng yên tâm là ít nhất vẫn có một vài thị trường đang tăng trưởng tích cực. “Đối với những thị trường mới nổi này (trong đó có Việt Nam - PV), giá hàng hóa cơ bản nhập khẩu giảm đã giúp tăng thu nhập. Giá lương thực - thực phẩm và năng lượng giảm đã hỗ trợ cho tiêu dùng”, ông Carson nhận định.

Sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế, theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ yếu là do sự phục hồi của khu vực công nghiệp - xây dựng. “Đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tăng cao hơn, trong khi với chi phí đầu vào giảm, đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia Cao Viết Sinh bình luận và đã nhắc tới con số tăng trưởng 9,57% của khu vực công nghiệp - xây dựng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 5,75%, cùng kỳ năm 2013 là 4,88% để chứng minh điều này.

Trong một kết quả khảo sát vừa được Tổng cục Thống kê công bố vào tuần trước về xu hướng sản xuất - kinh doanh ngành chế tạo - chế biến quý III/2015, có tới 79,3% doanh nghiệp được hỏi đánh giá khối lượng sản xuất quý III/2015 tăng lên và giữ ổn định so với quý II/2015. Và cùng với xu thế tăng lên của quý III, quý IV/2015 có tới 86,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định.

Trong khi đó, về đơn hàng sản xuất, quý III/2015 có 80,2% số doanh nghiệp khẳng định số lượng đơn hàng mới tăng lên và giữ ổn định. Cùng xu hướng đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới khả quan hơn trong quý IV/2015 tăng lên 87,3%. Còn với đơn hàng xuất khẩu, 80,2% doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu trong quý III/2015 tăng và ổn định; con số dự báo trong quý IV là 86,9%...

Những con số này đã cho thấy, khả năng nền kinh tế tiếp tục phục hồi trong quý IV là rất lớn. Thậm chí, đã có quan điểm cho rằng, đã đến lúc Việt Nam được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh việc giá dầu thế giới giảm mạnh, khiến giá dầu trong nước giảm, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, xem xét ở khía cạnh tích cực thì giá dầu giảm là cơ hội để hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ trong nước giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng xã hội. Và điều này đúng là đang diễn ra trong thực tế.

Với tăng trưởng GDP 9 tháng ở mức 6,5% thì chắc chắn, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vượt dự đoán và nhiều khả năng vượt con số 6,5%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,5% trong năm nay.

 

Nguyên Đức/ BaoDauTu