clock

Doanh Nghiệp

08:56 25-03-2021

Tạp chí Hoa Kỳ: Việt Nam chắc chắn sẽ là ngôi sao sáng trong thương mại PPE toàn cầu 2020

Theo Forbes (Hoa Kỳ), đại dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hộ cá nhân (PPE) trong khu vực sản xuất tại Việt Nam. Đơn đặt hàng đến từ khắp nơi trên thế giới đã thúc đẩy ngành công nghiệp may mặc - lĩnh vực quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, loạt các nhà sản xuất cũng phải dời cơ sở để đáp ứng nhu cầu các mặt hàng PPE.

Bộ Công thương cho biết, trong năm 2020, Việt Nam có hơn 6.000 nhà máy may mặc và nhà máy dệt, với khoảng 3 triệu công nhân. Thời gian đầu, Chính phủ đã hạn chế xuất khẩu hàng hóa, điển hình như khẩu trang, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

Song ngay khi các hạn chế được gỡ bỏ hồi tháng 3 năm ngoái, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các nhà sản xuất Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,2 tỷ khẩu trang sang khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và xung quanh châu Á tính đến tháng 12/2020.

Khi đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp, ngành may mặc của Việt Nam đã chứng kiến số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Năm 2020 đã đánh dấu cột mốc lần đầu tiên trong 25 năm, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm.

Vietnam Goods and Exports (VGE) là một trong những công ty chuyển từ sản xuất hàng may mặc sang sản xuất khẩu trang vải. Anh Trần - Founder VGE cho biết ông đã quyết định chuyển đổi vào đầu năm 2020 bởi nhu cầu về khẩu trang vải của VGE tăng mạnh.

"Mặc dù vaccine hiện đã được triển khai, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh vẫn khuyến nghị người dân đeo khẩu trang bởi việc triển khai vaccine vẫn còn chậm và còn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng", Founder VGE nhấn mạnh.

"Nếu vaccine có hiệu quả, nhu cầu về khẩu trang sẽ có thể giảm mạnh vào gần cuối năm 2021. Tuy nhiên, từ bây giờ đến lúc ấy, đây vẫn sẽ là ngành công nghiệp khổng lồ có khả năng bùng nổ chỉ trong một sớm một chiều. Nhu cầu đã tăng vô cùng nhanh chóng ngay từ những giai đoạn đầu".

Việt Nam luôn đạt được những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc và các sản phẩm công nghệ thấp như thiết bị bảo hộ cá nhân, chẳng hạn như khẩu trang, áo khoác bảo hộ, nước rửa tay...

Anh Trần khẳng định: "Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành ngôi sao sáng trong thương mại PPE toàn cầu 2020, bởi trước đó hầu hết PPE được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ".

Theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp dệt may sản xuất PPE của Việt Nam đang có những dấu hiệu rất lạc quan, đặc biệt trong phân khúc khẩu trang vải. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải trước đó cũng cho hay, Việt Nam có khả năng trở thành một trong những nhà sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Đồng thời, năng lực sản xuất sẽ tăng lên đáng kể.

"Điều quan trọng là cần phải nâng cao ý thức người tiêu dùng về khẩu trang vải và khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng khẩu trang vải, thay vì khẩu trang y tế", ông Hải nhận định.

Sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất PPE đã giúp thúc đẩy hoạt động của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Tuy vậy, nhu cầu trên toàn cầu ngày càng tăng cũng đặt ra những thách thức riêng về năng lực sản xuất.

Giám đốc điều hành NKC Holdings, ông Sonny Subedi đã bị mắc kẹt tại Việt Nam khi biên giới các nước đóng cửa. Ban đầu, ông chuyển hướng sản xuất PPE và bắt đầu bằng việc nhập khẩu mặt nạ N95 vào Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam kiểm soát virus hiệu quả đã khiến các nhà máy địa phương của NKC sớm dư thừa nguồn cung, dẫn đến việc doanh nghiệp bắt đầu bán cho người tiêu dùng quốc tế.

Ông Sonny Subedi kết luận: "Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước vẫn không có khả năng đáp ứng nhu cầu về sản phẩm".