clock

Trong Nước

14:36 29-01-2016

Tết này, có những bản làng dân tộc 'văn minh' hơn hẳn người thành thị

Từ đám cưới cho đến kỵ giỗ, lễ Tết, người thôn Cu Pua (huyện Đăkrông, Quảng Trị) chỉ mời nhau ly nước trà.

Cả làng bỏ rượu

Bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, cách đây hơn chục năm, cả bản có 61 hộ và 278 nhân khẩu nhưng phải đến 70% dân số không biết chữ và cái đói nghèo dồn cả những đứa trẻ lên 8 phải lên nương kiếm cái ăn cùng cha mẹ.

Trong lúc buồn chán và mệt mỏi, các ông chồng và thanh niên túm tụm làm ngụm rượu để giải khuây và “ru ngủ” đi cái nặng nhọc trước mắt.

Người say bỏ bê công việc đã đành, đằng này vợ hoặc con cái lại phải cắt cử nhau “trông bố” và dìu ông về đến nhà.

Trụ cột gia đình không đủ bản lĩnh trước ma men của rượu, kinh tế cứ thế càng sa sút dẫn đến gia đình tan nát và những đứa trẻ lớn lên sớm lêu lổng, mắc các tệ nạn xã hội.

Lúc ấy già làng Hồ Ê Chuốp đã ra giới luật cấm rượu trong toàn bản, ai không nghe theo thì cô lập và ra lệnh mọi người không giúp đỡ họ lúc tối lửa tắt đèn.

Già làng cũng vận động một trường hợp điển hình - anh Hồ Ê Nót, một trong những người nghiện rượu có tiếng trong làng từ bỏ rượu bia.

Rất khó để một người nghiện rượu lâu năm có thể cai được. Tuy nhiên, đến một ngày, khi thấy đứa con thơ khóc ngặt nghẽo vì thiếu ăn trên căn nhà sàn, anh Nót sực tỉnh và hạ quyết tâm cai rượu.

Nót bỏ rượu, bỏ thuốc lá, phát triển kinh tế. Vừa là trưởng thôn, vừa là cán bộ y tế thôn bản, thấy cái lợi của việc bỏ rượu và thuốc lá nên anh Nót đi vận động, tuyên truyền để cả bản học theo. Trong gia đình, đám cưới của mấy người em, Hồ Ê Nót không dọn rượu bia, chỉ mời tiệc cà phê, trà và nước ngọt.

Dần dần, thấy anh Nót cai rượu kinh tế ngày một khấm khá, người dân trong thôn quyết định học theo. Đến nay, từ đám cưới cho đến kỵ giỗ, lễ Tết, người thôn Cu Pua (huyện Đăkrông, Quảng Trị) chỉ mời nhau ly nước trà. 

Thấy bệnh mới bỏ cũng chưa phải là quá muộn

Cũng câu chuyện rượu bia, làng của người H’mông, thôn 10, xã Cư Knia, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông, cái nôi của những sâu rượu ngay từ những buổi đầu di cư từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào lập nghiệp.

Làm kinh tế chẳng thấy đâu chỉ thấy nghề nấu rượu là khấm khá hơn cả!

Thời đó, trong làng cứ có cỗ bàn là những chum rượu vài lít ngâm đủ các loại cây thuốc quý hiếm bày trang trọng bên bàn ăn. Lâu dần, nó thành nét đặc trưng của người bản, người ta cứ gặp nhau là uống rượu, thậm chí người lạ thì dăm ba câu chuyện rồi cũng kéo thành bạn rượu rồi khề khà đến chiều.

Hình ảnh thường thấy trước năm 2000 khi bản chưa cấm rượu bia

Chợ chỉ cách 12km nhưng các ông chồng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới lướt khướt về, bởi say rồi thì bạ đâu là ngủ tỉnh lại đi, thèm lại uống lại ngủ đến mấy trận mới mò được đến nhà.

Chỉ riêng năm 1999, cả bản có 4 người chết dọc đường do ngộ độc rượu và trúng gió lạnh. "Bệnh" của làng đã vào giai đoạn cuối, nhưng vẫn còn cứu được.

Trưởng bản là Giàng A Loan, không đành nhìn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh nên ra “sắc lệnh” cấm rượu bia dưới mọi hình thức.

Để tránh “cắt cơn” đột ngột thì trưởng bản gia hạn cho thêm 6 tháng đối với người nghiện nặng và nếu ai tái phạm thì vui lòng dọn đi nơi khác hoặc phải sửa dọn đoạn đường xấu nhất trong bản để răn đe.

Từ năm 2000 đến nay: toàn “làng Mông” không còn ai uống rượu và dù ra khỏi làng họ cũng không hề chạm tới chén rượu cần, ông Hoàng Đình Tạo hiện là Chủ tịch xã Cư Knia xác nhận.

Đến những người vùng cao vốn nổi tiếng về rượu chè, thậm chí coi rượu là thứ thể hiện "bản lĩnh đàn ông" cũng đã nói không với rượu.

Dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, cả nước xảy ra 458 vụ tai nạn giao thông, làm chết 212 người và bị thương 481 người.

“90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra ở khu vực nông thôn. Phần đông người bị nạn đều có sử dụng rượu, bia và không đội mũ bảo hiểm” - ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết về tình hình TNGT trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Theo Trí Thức Trẻ