clock

CEO Việt

12:06 10-09-2015

TGĐ Manulife Việt Nam: Đam mê và có mục tiêu rõ ràng

Sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Canada và cuộc đời của Paul George Nguyễn gắn liền với ngành bảo hiểm khi 25 năm qua ông đã làm việc ở nhiều quốc gia và cuối cùng chọn Việt Nam làm điểm dừng chân. Cuộc sống thăng trầm đã cho ông những trải nghiệm quý giá để từ đó càng yêu thương mảnh đất quê hương và mong muốn được gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn...

Mục tiêu từ vị trí thứ 3

Paul George Nguyễn là một trong số hiếm hoi các chuyên gia định phí chỉ định tại Việt Nam. Nhận vị trí đứng đầu Manulife Việt Nam từ tháng 5/2014, Paul George Nguyễn chân thành chia sẻ rằng còn quá sớm để hứa hẹn về tương lai, nhưng đón nhận niềm tin và sự ủng hộ mà Ban lãnh đạo Tập đoàn Manulife trao cho, ông đang nỗ lực hết mình để đưa Manulife Việt Nam tiến lên phía trước.

* Ông đánh giá thế nào về thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Việt Nam hiện nay?

- Thị trường BHNT Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Sự góp mặt của nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đã thúc đẩy thị trường BHNT Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực trên nền tảng cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Mặc dù kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại trong thời gian gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn cao so với hầu hết các nước khác, dự kiến khoảng 6% trong năm 2014. Theo tôi, cơ hội phát triển trong dài hạn vẫn rất lớn.

Manulife hiện có mặt tại 7 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và trong số đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực. Tuy nhiên, là quốc gia đông dân trong khu vực nhưng Việt Nam lại có số người tham gia bảo hiểm thấp nhất, chỉ khoảng 5 - 6% dân số. Và đây cũng là cơ hội cho sự phát triển của thị trường BHNT Việt Nam.

* Trong thị trường tiềm năng ấy, Manulife Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào dưới sự lãnh đạo của ông?

- Trọng tâm phát triển của Manulife trong thời gian tới sẽ tập trung mọi ưu tiên vào khách hàng - "khách hàng là trung tâm". Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo đội ngũ đại lý chuyên nghiệp, giúp họ nhận biết nhu cầu của khách hàng và tìm ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu ấy.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển danh mục sản phẩm, mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn đồng thời với việc đa dạng hóa và phát triển kênh phân phối. Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành công ty BHNT được khách hàng tin cậy nhất và luôn hiện diện trong tâm trí khách hàng khi họ có nhu cầu lập kế hoạch tài chính để bảo vệ bản thân và gia đình.

Cùng với kinh doanh, chúng tôi cũng tích cực tham gia và đóng góp cho các hoạt động xã hội - từ thiện. Chúng tôi tâm niệm, hiệu quả trong kinh doanh không chỉ thể hiện qua vị trí của thương hiệu trên thị trường mà còn thông qua những đóng góp thiết thực cho cộng đồng nơi công ty đang hoạt động.

Vì vậy, tại Manulife Việt Nam, nhân viên và lực lượng đại lý của chúng tôi luôn nỗ lực cùng nhau để chia sẻ và đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

* Nhận trọng trách mới ở một công ty mới có là thử thách đối với ông? Nếu có thì ông sẽ làm gì để vượt qua?

- Manulife là một tập đoàn tài chính đa quốc gia với hơn 100 năm kinh nghiệm tại nhiều thị trường khác nhau, nên tôi tin mình sẽ có được sự hỗ trợ đắc lực từ cấp trên và những đồng sự để tiếp tục kế thừa sự thành công của Tập đoàn, đồng thời tạo nên những bước tiến mới cho Manulife Việt Nam.

Hiện nay, Manulife đang ở vị trí thứ 3 trên thị trường BHNT tại Việt Nam, nhưng có một khoảng cách khá xa so với 2 vị trí đầu bảng. Vì vậy, mục tiêu tôi đặt ra là không ngừng cùng Manulife vượt lên chính mình và thu hẹp khoảng cách này.

Manulife Việt Nam cần phải đạt sự tăng trưởng bền vững, thế nên tôi không cho phép bản thân tự bằng lòng với những gì hiện có, với vị trí đang đảm nhiệm mà phải luôn tìm tòi, sáng tạo để vượt lên chính mình.

Như đã chia sẻ, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành công ty BHNT được khách hàng tin cậy nhất, luôn hiện diện trong tâm trí khách hàng khi họ có nhu cầu lập kế hoạch tài chính để bảo vệ bản thân và gia đình.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng để chiếm được lòng tin của khách hàng, chúng tôi phải không ngừng nỗ lực cải tiến chất lượng dịch vụ, sáng tạo sản phẩm hướng đến nhu cầu thiết thực của khách hàng và xây dựng đội ngũ đại lý chuyên nghiệp, đặt lợi ích của khách hàng vào vị trí trung tâm.

Những trăn trở

Trước khi trở về Việt Nam vào năm 2010, Paul George Nguyễn đã từng làm cho nhiều công ty bảo hiểm ở Mỹ, Canada, Hồng Kông, Indonesia... Ông cũng đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau, bắt đầu từ một nhân viên bình thường rồi lên đến tổng giám đốc như hiện nay.

Paul George Nguyễn đã trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn khi những ngày mới rời trường đại học, ông phải vừa làm việc ở công ty bảo hiểm, vừa đi giao hàng vào ban đêm để có thể trang trải cuộc sống nơi xứ người.

Vậy nhưng trong hoàn cảnh đó, chính ý chí mạnh mẽ đã giúp ông hoàn tất nhiều khóa học để trở thành chuyên viên định phí chỉ định quốc tế - một chứng chỉ mà đến bây giờ số người làm bảo hiểm Việt Nam có được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

* Từng làm việc ở nhiều nước, ông thấy thị trường BHNT Việt Nam có gì khác so với các nước? Kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam, theo ông, có dễ dàng không?

- Thị trường BHNT Việt Nam còn quá non trẻ so với các nước phát triển có lịch sử BHNT hằng trăm năm như Anh, Mỹ, Nhật... Vì còn quá non trẻ nên các công ty BHNT vừa lo kinh doanh, vừa phải nỗ lực rất nhiều để tự giới thiệu về mình cho khách hàng, đồng thời xây dựng một đội ngũ nhân lực có chuyên môn.

Làm thế nào để khách hàng hiểu BHNT là gì, sản phẩm BHNT mang lại lợi ích gì, vì sao cần phải tham gia BHNT... là những công việc mà hầu hết các công ty BHNT ở Việt Nam phải làm hằng ngày.

Và không chỉ riêng Manulife Việt Nam hay cá nhân tôi mà bất cứ công ty BHNT nào cũng như các giám đốc điều hành đều có chung khó khăn cơ bản là làm sao để người dân có suy nghĩ tích cực về BHNT. Quan trọng hơn là làm thế nào để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công ty, cho thị trường nếu không tính đến những yếu tố khác như công nghệ, tiềm lực tài chính, danh tiếng công ty...

* Ông vừa nói đến việc đào tạo nguồn nhân lực, một yếu tố quan trọng nhất của ngành BHNT. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đại lý bảo hiểm chưa được coi là một nghề và cũng chưa ai nghĩ sẽ theo nghề này suốt đời. Điều này có là thách thức cho "người mới" ở Manulife Việt Nam như ông?

- Đây là trăn trở không chỉ của riêng tôi mà của rất nhiều người gắn bó và có tâm đối với ngành BHNT. Có thể dễ dàng nhìn thấy tại Việt Nam hiện nay, đại lý là kênh phân phối chủ yếu của các công ty bảo hiểm. Đó chính là nguyên nhân và động lực để chúng tôi liên tục thực hiện các chương trình huấn luyện và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý và giúp họ phát triển với nghề.

Hiện tại, Manulife có lực lượng đại lý chuyên nghiệp với hơn 14.000 người, và đội ngũ MDRT (Million Dollars Round Table - Bàn tròn các nhà triệu phú) lớn nhất thị trường với gần 300 thành viên. Một trong những thế mạnh của chúng tôi là chương trình huấn luyện toàn diện với thông tin, kiến thức và kỹ năng được cập nhật, bổ sung thường xuyên.

Hơn thế nữa, tại Manulife, chính sách tưởng thưởng công bằng cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy các đại lý nỗ lực đạt được kết quả kinh doanh vượt trội. Những điều này là nền tảng cơ bản giúp đại lý sớm thành công trong nghề nghiệp và đạt được điều họ mong muốn.

* Bên cạnh kênh đại lý thì các kênh bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) vốn rất mạnh ở các nước phát triển nhưng ở Việt Nam vẫn đang là "ẩn số”. Tuy nhiên, hình như Manulife Việt Nam đang khá thành công ở kênh phân phối này?

- Bảo hiểm liên kết ngân hàng hiện là một trong hai kênh chủ chốt của các công ty BHNT tại các nước phát triển và Việt Nam đang nằm trong xu hướng này. Chúng tôi đã hợp tác với nhiều đối tác ngân hàng uy tín tại Việt Nam như ANZ, Techcombank... để tăng cường tiếp cận khách hàng thông qua nhiều sản phẩm đa dạng.

Chiến lược này đang thu được kết quả khả quan và đó cũng là cơ sở để chúng tôi tự tin tiếp tục mở rộng kênh phân phối này trong thời gian tới với các đối tác ngân hàng khác.

Dấu ấn quê hương

Paul George Nguyễn từng trải qua nhiều cơ cực nên ông hiểu và cảm thông với những người kém may mắn. Ông luôn tin tưởng vào sự phát triển của nhân viên cũng là những đồng sự của mình bởi hơn ai hết, ông hiểu rằng chỉ có tin tưởng, tạo cơ hội cho họ thì họ sẽ có động lực phấn đấu.

* Manulife Việt Nam cũng được biết đến với chương trình bảo hiểm dành cho vùng nông thôn. Có phải vì đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống mà ông đồng cảm và luôn muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn?

- Thật ra đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Mỗi khi đưa ra một sản phẩm mới tôi đều nghĩ đến những người có hoàn cảnh khó khăn và làm sao để hỗ trợ họ nhiều nhất. Nhưng với chương trình bảo hiểm vi mô của Maunulife Việt Nam thì không phải tôi xây dựng mà đã có trước đó khá lâu.

Năm 2009, Manulife Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình này nhằm hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng tài chính cho hàng trăm ngàn phụ nữ nghèo tại các vùng nông thôn. Sản phẩm giúp họ có được sự bảo vệ về mặt tài chính trước các rủi ro tai nạn và bệnh tật với mức phí bảo hiểm rất thấp (chỉ với 1.000 đồng/ngày).

Sau gần 6 năm thực hiện đã có 140 ngàn người tại 17 tỉnh, thành tham gia và 1.600 trường hợp được chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Tuy không phải là người khởi xướng nhưng tôi cũng tự hào vì Manulife là công ty BHNT duy nhất triển khai sản phẩm này.

* Đã có 25 năm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, hẳn ông phải đam mê công việc này lắm?

- Theo tôi, để thành công trong bất cứ công việc nào, ngoài kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng thì niềm đam mê và có mục tiêu rõ ràng cho sự nghiệp là điều không thể thiếu. Đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang trên hành trình theo đuổi sự nghiệp mơ ước của mình.

Mỗi người đều có mục tiêu khác nhau và con đường để đạt được mục tiêu cũng khác nhau. Từ kinh nghiệm của chính mình, tôi thấy để có được sự thành công trong sự nghiệp thì ngoài ý chí mạnh mẽ và một ước mơ lớn, sự nỗ lực không ngừng để vượt qua các trở ngại còn cần có sự hỗ trợ của những người có tấm lòng và cùng chí hướng.

* Và ông cũng đã dành tấm lòng cũng như hỗ trợ nhân viên của Maunulife Việt Nam hết mình?

- Tôi nghĩ phải tạo mọi cơ hội để nhân viên thể hiện mình và vươn lên. Người Việt mình rất giỏi, tôi luôn muốn tạo cơ hội để họ chứng minh khả năng và khẳng định mình trong môi trường làm việc của các công ty đa quốc gia.

Và khi mọi người cùng phấn đấu thì không chỉ người được hỗ trợ tiến lên phía trước mà cả những người hỗ trợ cũng vươn lên và như vậy công ty sẽ phát triển. Trong một tập thể có sự đồng lòng như thế thì không gì không thể đạt được.

* Vị trí càng cao thì áp lực cũng càng lớn. Vậy những lúc mệt mỏi, ông tìm nguồn vui ở đâu?

- Tôi chơi với chim khuyên. Đến nhà tôi bạn có thể nhìn thấy mấy chục chú chim vành khuyên đủ màu sắc. Đó là tôi đã giảm số lượng rồi vì không còn nhiều thời gian cho chúng.

Hồi còn ở Indonesia, tôi nuôi cả trăm chú chim vành khuyên mà khi đến thăm nhà, bất cứ người khách nào cũng thích thú. Những lúc mệt mỏi, chỉ cần nghe chúng hót líu lo là tinh thần phấn chấn ngay. Những hôm về muộn, chim vành khuyên đã ngủ thì tôi mang chúng ra ngắm.

Tôi còn có một thú vui khác là đạp xe ngắm phố. Những ngày cuối tuần, nếu rảnh rang tôi lại đạp xe vòng quanh Sài Gòn để nhìn ngắm cuộc sống thường ngày một cách gần gũi và sống động hơn...

* Vậy thời gian nào ông dành cho gia đình?

- Gần như tất cả các ngày cuối tuần, nếu như không bận đi công tác. Tôi mới về Việt Nam chưa đến 5 năm, bạn bè không có nhiều nên hầu như thời gian ngoài giờ làm việc tôi đều dành cho vợ và ba con.

Tôi chơi đùa cùng con, dạy chúng học và làm tất cả những gì mà một ông bố yêu con có thể làm được cho con mình. Do vậy, những người quen biết vẫn thường nói vui tôi là "người đàn ông của gia đình".

* Cảm ơn ông đã chia sẻ và chúc ông thành công trên chặng đường mới!

HỒNG NGA thực hiện/DNSG