clock

Trong Nước

08:50 05-05-2023

Thành phố trực thuộc Trung ương có mật độ dân số thấp nhất

Năm 2021, mật độ dân số của Việt Nam là 297 người/km2. Trong đó, TP. HCM có mật độ dân số cao nhất cả nước, đạt 4.375 người/km2.

Theo Niên giám thống kê, dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,5 triệu người, tăng 923,5 nghìn người, tương đương tăng 0,95% so với năm 2020. Trong đó, dân số thành thị 36,6 triệu người, chiếm 37,1%; dân số nông thôn 61,9 triệu người, chiếm 62,9%; nam 49,1 triệu người, chiếm 49,8%; nữ 49,4 triệu người, chiếm 50,2%.

Năm 2021, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, tương ứng là 1.091 người/km2 và 778 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 136 người/km2 và 111 người/km2.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mật độ dân số cao nhất 4.375 người/km2 (diện tích hơn 2.095 km2; dân số 9,17 triệu người). Mật độ dân số của thành phố Hồ Chí Minh hiện cao gấp 14,73 lần cả nước (297 người/km2).

Bên cạnh đó, các thành phố trực thuộc Trung ương còn lại có mật độ dân số lần lượt là Hà Nội (2.480 người/km2), Hải Phòng (1.358 người/km2), Đà Nẵng (931 người/km2) và Cần Thơ (866 người/km2).

Thành phố trực thuộc Trung ương có mật độ dân số thấp nhất - Ảnh 1.

Mật độ dân số của 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Như vậy, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương có mật độ dân số thấp nhất. Tính theo 63 tỉnh, thành, mật độ dân số của Cần thơ xếp thứ 13, thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Cần Thơ, Cần Thơ là đô thị lớn, có vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có 9 đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Diện tích tự nhiên 1.389,60 km², dân số 1,235 triệu người. Là đô thị lớn, phát triển khá về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; có vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Dân cư thành thị chiếm 51,2%; nông thôn chiếm 48,8%; dân cư nông nghiệp chiếm 64,50%; phi nông nghiệp chiếm 35,50%. Mật độ dân số trong đó nội thành khoảng 1.745 người/km²; ngoại thành khoảng 568 người/km².

Một trong những lý do khiến mật độ dân số của Cần Thơ thuộc nhóm đầu cả nước là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh tại nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dân số TP Cần Thơ có sự dịch chuyển từ nông thôn về thành thị và từ miền Tây Nam bộ về miền Đông Nam bộ.

Xét về khía cạnh đóng góp kinh tế, tính đến nay, Cần Thơ có 5/9 nhóm ngành có tính dẫn dắt công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long như sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; hóa chất, hóa dược; cơ khí, sản xuất kim loại; dệt may, da giày…

 

Với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trục hành lang TPHCM - Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng), Cần Thơ đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 9,88%, quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 105.000 tỷ đồng, tăng 13.698 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 84 triệu đồng.

Cần Thơ là địa phương có tốc độ tăng GRDP đứng thứ 6 so với cả nước; xếp thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Lần đầu tiên thành phố có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số từ trước cho đến nay, đây là tín hiệu khả quan cho thấy tình hình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế của Cần Thơ duy trì ở mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,81%; tổng mức mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,17%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,57%; …

Theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố tập trung khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển kinh tế. Dự thảo chương trình thực hiện Nghị quyết số 29, Cần Thơ đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 cơ bản đạt được các tiêu chí phát triển công nghiệp, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của người dân thành phố được nâng cao.

Cùng với đó, Cần Thơ xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ… Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.