clock

SỰ KIỆN

06:11 20-10-2018

The Guide Awards 2017-2018: "Chìa khóa" công nghệ trong phát triển du lịch

Liên hoan Các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần thứ 19 được Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 19/10/2018 tại Lotte Center Hà Nội...

Liên hoan Các doanh nghiệp trong ngành du lịch (The Guide Awards) lần thứ 19 được Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vào ngày 19/10/2018 tại Lotte Center Hà Nội, với chủ đề "Ngành công nghiệp không khói trong kỷ nguyên Công nghệ và Chuyển đổi kỹ thuật số".

Trong sự kiện thường niên của Thời báo Kinh tế Việt Nam năm nay, 110 đơn vị có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2017- 2018 sẽ được vinh danh, đặc biệt là các doanh nghiệp có những đầu tư, đột phá trong áp dụng công nghệ. Những đơn vị này nằm trong các nhóm dịch vụ bao gồm: khách sạn và căn hộ dịch vụ, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và dịch vụ, đại lý lữ hành và vận chuyển du lịch.

Đặt ra mối quan tâm hàng đầu về phát triển du lịch với sự thúc đẩy áp dụng công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số, The Guide Awards năm nay tạo cơ hội cho các đơn vị kinh doanh du lịch và các nhà hoạch định chính sách cùng gặp gỡ, giao lưu và trao đổi về sự phát triển mũi nhọn của ngành du lịch với "chìa khóa" là công nghệ.

Ngành du lịch cất cánh nhờ công nghệ

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đón xấp xỉ 11,7 triệu lượt du khách quốc tế và 62,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 22, 9% và 20% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu từ du lịch đạt 451.200 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Rõ ràng, ngành "công nghiệp không khói" mang về một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua việc tham khảo thông tin điểm đến trên mạng Internet chiếm đến 71%. Ngoài ra, lượng du khách quốc tế đặt và mua dịch vụ trên mạng cho chuyến đi đến Việt Nam chiếm 64%. Không chỉ du khách quốc tế mà khách trong nước cũng có tới 88% tra cứu thông tin du lịch qua mạng, theo khảo sát năm 2017 của Q & Me, một dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam. Còn theo Google Trends, từ khóa "du lịch" được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây tại Việt Nam. Các thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm nhiều liên quan đến kinh nghiệm đi du lịch, địa điểm, nhà hàng, khách sạn...

Nhận định tầm quan trọng của ngành du lịch cùng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg vào năm 2017 xác định đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh, tăng cường năng lực tiếp cận các công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số nhằm tạo ra những bước phát triển đột phá cho du lịch Việt Nam.

Du lịch thông minh được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin - truyền thông, qua đó, bảo đảm sự tương tác giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch. Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch, để tồn tại, thích nghi và phát triển các doanh nghiệp du lịch buộc phải "nâng cấp", tăng năng lực cạnh tranh bằng việc ứng dụng những giải pháp công nghệ các sản phẩm du lịch cũng như hoạt động kinh doanh.

Công nghệ đang phát triển với tốc độ rất nhanh trong ngành du lịch và khách sạn. Nhiều công ty lữ hành, khách sạn đã giới thiệu sản phẩm phong phú kèm thông tin cụ thể về thời điểm, giá cả, dịch vụ và cung cấp các phương thức thanh toán điện tử trên các trang web của mình. "Sự thích nghi với kết nối xã hội thông qua công nghệ thông minh, áp dụng công nghệ vào hệ thống vận hành và quản lý là phương cách tốt nhất để cải thiện dịch vụ và mang tới sự hài lòng của du khách", ông Nicolas Josi, Tổng Giám đốc khách sạn Môvenpick Hotel Hanoi, một trong những đơn vị đoạt giải The Guide Award năm nay cho biết.

Xu hướng đặt phòng khách sạn trực tuyến nở rộ những năm gần đây và người dùng chuyển từ máy tính bảng sang điện thoại thông minh, theo nhận định của nhiều nhà quản lý khách sạn. Đa số khách hàng đặt phòng trực tiếp qua các kênh đại lý du lịch trực tuyến (OTA) như booking.com, agoda.com và expedia.com. Trên thế giới, ước tính mỗi năm, tỉ lệ bình quân khách đặt qua các kênh OTA tăng khoảng 20%.

Trong bối cảnh mới, một số khách sạn đã ra mắt ứng dụng đặt phòng riêng như tập đoàn AccorHotels. Thông qua việc sử dụng app, khách sạn cũng có thể thu thập được thông tin của khách hàng được bảo mật hoàn toàn, để chăm sóc hậu mãi. "Trước kia, mỗi khách sạn Accor sử dụng kênh riêng của mình để quảng bá và giúp khách hàng đặt chỗ, gây phức tạp và gây khó khăn cho họ. Ứng dụng riêng của AccorHotels là một bước tiến thực sự trong tiếp thị kỹ thuật số của chúng tôi", ông Remi Faubel, Tổng quản lý Khách sạn Novotel Nha Trang chia sẻ.

Ngoài ra, các khách sạn cũng triển khai các phần mềm chăm sóc khách hàng mới. Mới đây, Môvenpick Hotel Hanoi là khách sạn đầu tiên ở Việt Nam triển khai nền tảng điều hành khách sạn "Opera Cloud V9". Nền tảng giúp phân tích nhu cầu của khách hàng, bao gồm cả xu hướng lưu trú, nắm được thói quen của khách, khuyến khích khách hàng tới các lần tiếp theo bằng cách đưa ra những ưu đãi đặt chỗ trực tiếp cho khách hàng. Hệ thống mới này có thể cung cấp thông tin chi tiết quan trọng về kinh doanh thông minh cho các nhóm quản lý doanh thu và tiếp thị thúc đẩy ra quyết định từ trung tâm.

Trong khi đó, khách sạn Alana Nha Trang đang triển khai phần mềm chăm sóc khách hàng được thực hiện qua một chiếc điện thoại giao cho khách khi nhận phòng. Điện thoại có các chức năng dịch thuật về ngôn ngữ, giúp trao đổi với khách hàng về dịch vụ mà họ cần như ăn uống, phòng nghỉ, giặt ủi.... 

"Đây là một xu thế mới trong thời buổi chuyển đổi kỹ thuật số giúp khách sạn giảm tải áp lực lên nhân viên của mình bằng cách chuyển phần giao tiếp của khách hàng lên phần mềm. Tôi tin rằng phần mềm này sẽ rất hữu ích cho các khách sạn trong tương lai gần. Hiện chúng tôi đang triển khai phần mềm này và khi thực hiện thành công sẽ cùng các khách sạn khác ở Nha Trang triển khai đồng loạt, với hy vọng nâng cao được hình ảnh của Nha Trang về mặt dịch vụ", ông Nguyễn Duy Khôi, Giám đốc kinh doanh Alana cho biết.

Cùng với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang tạo ra hàng loạt thay đổi với các dự án áp dụng công nghệ trong du lịch, tạo nên một hình ảnh Việt Nam đầy mới mẻ, hiện đại trong thời gian gần đây.

Điển hình là chương trình thị thực điện tử thí điểm trong hai năm cho công dân 46 quốc gia vào đầu năm 2017 đã thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách và các nhà đầu tư, đặc biệt những người đến từ châu Âu và Mỹ. Khoảng một triệu người đã truy cập trang thông tin cấp thị thực điện tử, gần 100.000 người được cấp thị thực điện tử tính đến cuối năm 2017 và số lượng người đăng ký tăng mỗi tháng, theo số liệu của Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Trước thành công của chương trình, Chính phủ đang xem xét tiếp tục thí điểm chương trình thêm 2 năm kể từ ngày 1/2/2019.

Việt Nam là một "thiên đường Wi-Fi"

Một sự đầu tư công nghệ vào du lịch được đánh giá cao nữa là các dự án cung cấp Wi-Fi miễn phí tại các điểm du lịch. Sau khi Phố cổ Hội An tiên phong trong việc cài đặt Wi-Fi miễn phí tại 350 điểm xung quanh phố cổ vào năm 2012 được đón nhận nồng nhiệt, thu hút thêm nhiều khách du lịch đến Hội An, một loạt các tỉnh, thành khác cũng thực hiện phát Wi-Fi miễn phí, như Đà Nẵng, Hạ Long, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Lạt, Tp.HCM, Vũng Tàu và Cần Thơ... Việt Nam được mô tả như là một "thiên đường Wi-Fi" từ nhiều du khách trên các trang web du lịch, khi họ phải trả phí Wi-Fi tại các điểm đến nổi tiếng thế giới như Paris và Rome.

Bên cạnh đó, quảng bá du lịch bằng kỹ thuật số cũng được nhiều nơi đầu tư khi ngày càng có nhiều các trang thông tin điện tử về các điểm đến nổi tiếng với các ngôn ngữ khác nhau và công nghệ thực tế ảo (VR), cung cấp cho du khách thông tin cần thiết và du khách khám phá điểm đến trong môi trường 3D với nhiều góc độ trước khi đến. Nhiều trang thông tin mới bằng tiếng Anh tại https://www.vietnam.travel của Tổng cục Du lịch Việt Nam với tour du lịch ảo 360 độ tại các di sản UNESCO, cung cấp thông tin về thủ tục xin thị thực, các điểm đến, chương trình khuyến mãi của các khách sạn và công ty du lịch trong nước cùng các sự kiện văn hóa và lễ hội diễn ra trong năm; http://tourism.hanoi.gov.vn và của ứng dụng hoankiem360.vn, hoankiem360.com, hoankiem360.com.vn và hoankiem.net.vn của Hà Nội, www.quangbinh-tourism.com của Quảng Bình, www.tuvandulichninhbinh.com.vn của Ninh Bình, ứng dụng Du lịch Sapa và gần đây là cổng thông tin trực tuyến về du lịch nha khoa tại Việt Nam https://dentaltourism.vn.

Hà Nội trở thành tâm điểm trong quảng bá du lịch trực tuyến năm nay. Di sản UNESCO Hoàng thành Thăng Long đã ra mắt ứng dụng tham quan, gồm các minh họa và video bằng tiếng Việt, Anh và Nhật. Đồng thời, Văn Miếu- Quốc Tử Giám cũng giới thiệu hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh tự động bằng 8 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật, Thái và Trung Quốc. Nhà hát lớn Hà Nội cũng ra mắt công trình tham quan ảo năm ngoái với 15 phút, ở chế độ tự động với các cảnh quay độc đáo tựa như một bữa tiệc thị giác cho du khách.

Cùng với các cổng thông tin điện tử, các ứng dụng cho điện thoại thông minh về giao thông cũng được ra mắt để hỗ trợ khách truy cập tham gia vào mạng lưới giao thông dày đặc của Việt Nam, như ứng dụng "TTGT Tp.Hồ Chí Minh" cập nhật lưu lượng giao thông, tốc độ của xe, các điểm tắc nghẽn giao thông hoặc xảy ra tai nạn và gợi ý các tuyến đường nhanh nhất hay ứng dụng xe buýt bằng tiếng Việt và tiếng Anh là Timbuyt, Danabus và BusMap của Hà Nội, Đà Nẵng, và Tp.HCM, hoạt động như Uber và Grab, cung cấp chi tiết các tuyến đường, điểm đến, khoảng cách, thời gian đi lại, số lần chuyển tuyến và thời gian chờ giữa các chuyến xe buýt, giúp người dùng chọn tuyến đường và bến xe buýt gần nhất.

Năm nay, ngành đường sắt Việt Nam cũng thử nghiệm hệ thống soát vé tự động tại các ga tàu lớn ở Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng, cho phép hành khách quét vé in hoặc vé điện tử tại các cổng tự động để lên tàu.

Một lĩnh vực cũng được đầu tư gần đây là hệ thống thanh toán điện tử, cho phép du khách đặt trước và thanh toán các chuyến bay, khách sạn và các gói tour ở bất kỳ nơi đâu. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific vừa cung cấp phương thức thanh toán qua công nghệ QR code, an toàn, tiết kiệm thời gian mua vé máy bay chỉ còn tính bằng giây. Đường sắt Việt Nam cũng đang cộng tác với MoMo, một công ty khởi nghiệp ví điện tử liên kết với 14 ngân hàng, ra mắt một dịch vụ mới cho phép người dùng điện thoại di động mua vé tàu trực tuyến qua ứng dụng điện thoại di động chỉ mất từ 2 đến 5 phút.

"Việt Nam hiện đang đi sau một số nước khác trong khu vực, nhưng chúng ta đang bắt kịp rất nhanh, công nghệ cũng đang thay đổi hàng ngày, tôi nghĩ rằng chỉ khoảng 12 đến 18 tháng nữa, chúng ta sẽ đuổi kịp Singapore và Kuala Lumpur", ông Lucke Benbow, Tổng giám đốc Centara Sandy Beach Resort tại Đà Nẵng chia sẻ.

 

Lê Diễm/ Vneconomy