clock

Thị Trường

07:09 24-10-2015

Thế nào mới là thực phẩm sạch?

Một lần được vào tham quan nhà máy chế biến cá da trơn xuất khẩu ở miền Tây Nam Bộ cũng là lần đầu tận mắt chứng kiến con cá đưa qua xứ Tây phải làm sạch thế nào.

Con cá da trơn chạy từ đầu nhà máy (còn bơi trong thùng có oxy để thở) đến khâu cuối, tức là vào kho đông lạnh âm mấy chục độ, cũng chỉ mất đâu 30 phút. Nghe nói nếu thời gian chế biến kéo dài hơn, làm mất mấy chục phần trăm chất đạm, vitamin, chất khoáng là lô cá sẽ bị trả về. Mới nghe thôi đã thấy ấm ức rồi!

Bước chân vào nhà máy mới thấy nó sạch cỡ nào. Muốn vào tận phân xưởng chế biến phải mặc áo choàng như khi vào phòng mổ bệnh viện, lại vừa xoa, vừa xịt, vừa lội qua hồ nước khử trùng mới tiếp cận được dây chuyền công nhân đang làm việc.

Lòng ngậm ngùi nghĩ đến cũng là một đĩa cá trên bàn ăn thôi mà khách hàng châu Âu đặt ra bao nguyên tắc, rào cản bảo vệ con người, trong khi hàng triệu phụ nữ Việt Nam giờ tan sở vội vã đảo qua chợ chọn mua, mặc cả mấy lát cá nằm tơ hơ trên mủng tre, phơi bụi đường vài ba tiếng đồng hồ, nhiễm không biết bao nhiêu vi sinh có hại cho sức khỏe.

Lý lẽ biện hộ của các bà nội trợ đều là nấu chín lên rồi thì bao nhiêu vi trùng cũng chết hết, miễn sao con cá tương đối tươi, quan trọng nhất là giá rẻ, hợp với mức lương tối thiểu đang được cân nhắc nâng lên, kéo xuống. 

Nhưng bây giờ là thời đại toàn cầu, không phải thế giới phẳng trên mạng internet mà người Việt có điều kiện để đi ra ngoài, rồi so sánh. Trong khi chiều cao, cân nặng, sức khỏe của thanh niên Việt Nam chưa được cải thiện bao nhiêu, thì nhìn du khách Trung Quốc, Hàn Quốc qua lại trên khắp các con đường ở Đà Nẵng mà chạnh lòng. Phần lớn họ đều có chiều cao khá tốt, và cơ thể, tinh thần họ toát ra vẻ khỏe mạnh khác hẳn thanh niên Việt Nam.

Buổi chiều vào một siêu thị nhỏ quen thuộc nơi góc phố, có một điểm mới gây chú ý là siêu thị đã cố gắng dành một góc cho thực phẩm tươi sống với cá được làm sạch, tươi xanh, xếp ngay ngắn bên thơm, cà chua, hành, ngò, gợi cho các bà nội trợ làm việc theo giờ hành chính hay ca kíp, ít thời gian, thèm tô canh chua nấu vội.

Nhộng tươi, hến đãi sạch, thịt băm..., mỗi thứ đều có giá nhỉnh hơn chút xíu so với giá ở chợ buổi sáng sớm. Nhìn là biết nhân viên siêu thị phải dậy sớm "đón lõng" các loại tôm, cá tươi hạng nhất, mua về làm sạch, bỏ vào tủ có nhiệt độ bảo quản tốt, trang trí đẹp mắt để "rủ rê" các bà nội trợ tập thói quen sử dụng thực phẩm sạch.

Chợt thấy khoảng cách kinh khủng giữa con cá da trơn trong nhà máy xuất khẩu với lát cá phơi ngoài chợ, tự thấy không biết bao giờ người Việt mình mới chịu từ giã gánh cá chạy chợ buổi sớm của những người đàn bà tần tảo, chấp nhận con cá đắt lên một vài giá vì cõng thêm tiền mặt bằng, tiền bảo quản lạnh để bảo vệ sức khỏe.

Nhưng vấn đề không chỉ là do đồng lương eo hẹp và giá cả. Tại thành phố, nhiều người đã có thói quen đi siêu thị, nhưng vẫn còn một số khác vô cùng sai lầm khi cho rằng chỉ ở chợ - nơi đón nhận nguồn cung trực tiếp ở quê lên, mới có thực phẩm tốt.

Nào cá câu, rau vườn, nào heo cỏ, heo mọi hay gạo quê, nhưng cần suy nghĩ theo hướng đó là thứ hương đồng gió nội, không được kiểm chứng nguồn gốc, không nên khuyến khích sử dụng theo trào lưu.

Và thực phẩm "sạch" cần phải sạch cả ở khâu bảo quản chứ không chỉ ở quy trình nuôi trồng. Người Việt thường nghĩ gà, heo mới đưa ra từ lò giết mổ vẫn tốt hơn hàng đông lạnh, mà không biết rằng vì không được cấp đông đúng chuẩn nên đã mất đi bao nhiêu phần trăm đạm, vitamin...

Đến bao giờ người nội trợ mới ý thức được "sạch" là vô trùng chứ không phải chờ đến tiệt trùng mới là "sạch"? Hỏi luẩn quẩn thế vì cả xã hội lâu nay vẫn lúng túng với việc chọn "sữa tươi tiệt trùng" đồng nghĩa với khái niệm "sự nghiệp nuôi con cao to, khỏe đẹp" - giấc mơ của mọi gia đình.

THIÊN THANH/ DNSG