clock

Thị Trường

11:28 01-12-2022

Thị trường bất động sản cuối năm 2022: Phân khúc nào lên ngôi?

Dù thị trường đang gặp khó nhưng nhiều phân khúc bất động sản vẫn “sống khoẻ” nhờ hướng đến nhu cầu thực.

Chung cư tăng giá

Giữa lúc nhiều phân khúc bất động sản có xu hướng chững lại thì năm 2022 lại chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của căn hộ chung cư.

Theo dữ liệu mới nhất từ Batdongsan.com.vn, riêng tại Hà Nội, trong quý III/2022, số lượng căn hộ tiêu thụ đạt 3.624 căn. Đặc biệt, tỷ lệ hấp thụ căn hộ cao hơn so với nguồn cung căn hộ mới. Những con số này cho thấy, nhu cầu về nhà ở chưa có dấu hiệu chững lại và còn tiếp tục tăng.

Giá bán căn hộ chung cư cũng có xu hướng tăng. Tại Hà Nội, trong 3 tháng vừa qua, giá bán phân khúc bình dân tăng 7%, ở phân khúc trung cấp tăng 18% và chung cư cao cấp tăng 10%. Tại TP.HCM mức tăng thấp hơn đôi chút, chung cư bình dân giảm 1%, trung cấp tăng 4%, còn phân khúc cao cấp tăng 5%.

Nhu cầu căn hộ chung cư vẫn cao trong thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của ông Lê Đình Hảo - Giám đốc Khối kinh doanh của Batdongsan.com.vn, giá của phân khúc chung cư sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Nguyên nhân là do hiện nay, nguồn cung đang khan hiếm.

Ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, số lượng chung cư chào bán đang dao động 20.000 - 25.000 căn. Nếu so với dân số tại 2 thành phố này, nguồn cung so với nhu cầu vẫn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa được tháo gỡ về vốn, chưa được cấp quỹ đất để triển khai dự án hay các vấn đề pháp lý, điều này khiến nguồn cung ngày càng bó hẹp, tạo nên áp lực giữ giá ở mức cao.

Tương tự, ông Trần Quang Trung, Giám đốc kinh doanh OneHousing cũng nhận định, thời điểm hiện tại có nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường chung cư.

“ Mọi thứ đều quay lại giá trị thật, phục vụ cho nhu cầu thật của khách hàng. Giá chung cư đang có xu hướng tăng, đồng thời được hỗ trợ bởi nhiều tín hiệu tích cực như Nhà nước bỏ khung giá đất, niên hạn chung cư; xu hướng mong muốn ở nơi tiện ích sang trọng, cộng đồng văn minh …”.

Cũng theo các chuyên gia, nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu ở và kinh doanh của người dân tăng cao khiến các dự án sắp hoàn thiện được săn đón, nhất là trong bối cảnh giá nhà khó lòng giảm như hiện nay, thậm chí theo số liệu của CBRE còn có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng kép trung bình hằng năm 8-10% tới năm 2024.

Do đó, việc mua căn hộ chung cư ở thời điểm này không chỉ đáp ứng nhu cầu về an cư mà còn là tài sản gia tăng giá trị thực trong thời gian tới. Thực tế, hầu hết dự án hoàn thiện nào tung ra thị trường cũng khá đắt hàng, thậm chí không nhanh là hết.

“ Ở Hà Nội và TP.HCM, thị trường bất động sản không khi nào nằm im, kể cả trong giai đoạn trầm lắng. Hiện nay như Hà Nội, bất động sản nhà ở, chung cư đều khan hiếm. Tại thời điểm này, tính hấp thụ rất thấp, nhưng căn hộ chung cư cứ ra hàng là hết và giá tăng mạnh vì thiếu nguồn cung, tính hấp dẫn và tăng giá trị rất mạnh. Ở những khu vực nào sôi động, phát triển kinh tế mạnh thì bất động sản luôn hấp dẫn ”, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định.

Bất động sản cho thuê đắt hàng

Thời điểm hiện nay, nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ "lướt sóng" sang đầu tư dài hạn với dòng sản phẩm nhà phố cho thuê.

Báo cáo mới công bố của chuyên trang Chợ Tốt cho thấy, nguồn cung căn hộ cho thuê có sự tăng trưởng mạnh qua từng tháng. Trong đó, nguồn tăng trưởng chủ yếu đến từ phân khúc trung cấp 5 - 15 triệu đồng/tháng và cao cấp trên 15 triệu đồng/tháng. Cụ thể, phân khúc trung cấp có nguồn cung tăng gấp hai lần so với thời điểm đầu năm, còn phân khúc cao cấp tăng gấp ba lần. Đối với phân khúc thuê bình dân dưới 5 triệu đồng/tháng hiện chỉ duy trì được số lượng nguồn cung qua các tháng. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 70%, thậm chí có một số dự án khai thác được hơn 80% công suất.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng, trong bối cảnh các phân khúc bất động sản khác như đất nền, chung cư khó chuyển biến tích cực do việc kiểm soát tín dụng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay và tạo áp lực cho người mua nhà thì việc cho thuê nhà mặt phố và chung cư đang nhận được nhiều sự quan tâm cũng như có thanh khoản tốt.

Cụ thể, nhu cầu tìm thuê mặt bằng, nhà ở tại TP.HCM tăng đến 70%. Trong đó, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ chiếm tỷ lệ áp đảo. Ở phân khúc căn hộ cho thuê, nhu cầu thuê chung cư ở TP.HCM tăng đến 24%. Giá thuê cũng đồng loạt tăng mạnh ở mức 9 - 12% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Tuấn, ước tính giá nhà phố tăng 8-15%/năm, chung cư 4-8%/năm. Do đó, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính phù hợp, đây sẽ kênh đầu tư lý tưởng, ít nhất cho giai đoạn từ nay đến cuối năm 2022 khi thị trường bất động sản nhìn chung còn ảm đạm.

Bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills TP.HCM cũng dự báo, trong năm 2023, thị trường cho thuê dự kiến sẽ sôi động hơn khi nhu cầu thuê nhà của người trẻ ngày càng gia tăng. Nguyên do là khi giá bán căn hộ, nhà phố đang ở ngưỡng cao, vượt tầm tay nhiều người dân đô thị, thu nhập của nhiều người cũng đang giảm do kinh tế khó khăn thì họ phải hoãn kế hoạch mua nhà và tiếp tục duy trì thuê nhà.

Bất động sản công nghiệp sống khỏe

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 của các đơn vị nghiên cứu, bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng khi liên tục gia tăng về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Dẫn chứng về khả năng tăng trưởng giá trị khu công nghiệp tại Việt Nam, ông John Campbell - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam chia sẻ, so với các thị trường khác tại châu Á và Đông Nam Á, lợi nhuận và sản lượng hiện nay ở Việt Nam là một trong những điểm thu hút các nhà đầu tư nhất.

Bất động sản công nghiệp vẫn còn nhiều dư địa phát triển. (Ảnh minh họa)

Ví dụ, đối với khu công nghiệp đang hoạt động, 6 thương vụ bán và cho thuê lại gần nhất đã được thực hiện với lợi suất và lợi nhuận là 8-11%. Điều đó cho thấy việc đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam đang ghi nhận nguồn lợi nhuận khá tốt.

Theo Savills Việt Nam, Việt Nam có 563 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 210.900ha được quy hoạch. Đến nay có 406 KCN đã hoạt động. Savills đánh giá, con số này cần được cải thiện trong vài năm tới vì nhu cầu thuê của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng do xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Do đó, bất động sản KCN tại Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng bền vững.

Tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại Việt Nam hiện nay đạt 70,9%, tương đương với mức cuối năm 2020. Trong đó, các KCN tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai còn rất ít diện tích trống. Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là điểm đến đầu tư thay thế nhờ nguồn cung tốt. Hiện tỷ lệ lấp đầy tại 6 tỉnh, thành trọng điểm phía Nam ghi nhận mức 84% với giá thuê trung bình xấp xỉ 3,5 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê 50 năm.

Hãng quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản Colliers cũng dự báo, xét trên bình diện khu vực, dư địa phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ lợi thế vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào, chi phí hợp lý, nhiều điều kiện ưu đãi trong thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đồng thời, tiềm năng tăng giá tương lai là rất hấp dẫn, với mức tăng bình quân vào khoảng 7 - 10%/năm.

Còn theo SSI Research, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2023 do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý như, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục. Các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng trong thời gian tới sẽ tạo ra kết nối thuận tiện hơn giữa các khu công nghiệp.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận xét, phân khúc bất động sản công nghiệp đang có đà tăng trưởng tốt, bởi việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đang tăng. Đặc biệt, trong 3 năm qua, mặc dù vốn đăng ký có thể giảm nhưng vốn đầu tư công, vốn giải ngân vẫn tăng, vì thế trở thành yếu tố thúc đẩy bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng mạnh.

Cũng theo ông Thịnh, nhờ sự tăng trưởng nhanh nên giá bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Điều này cũng có thể trở thành một trong những lực cản đối với nền kinh tế của đất nước, bởi giá tăng cao thì chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí sử dụng đất hay chi phí thuê đất, sản xuất cũng tăng cao.

" Chi phí đất đai chiếm mất một phần lớn rồi nên sẽ khó khăn cho tăng trưởng và phát triển. Các địa phương, tỉnh thành cần chuẩn bị tốt quỹ đất sạch để phát triển các khu công nghiệp. Đây là một trong những việc làm cần thiết để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng và thu hút đầu tư trong nước nói chung vào sự tăng trưởng và phát triển nền kinh tế Việt Nam ", ông Thịnh nói.

Theo Châu Anh/VTC News