clock

Thị Trường

07:11 20-11-2015

Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt - tiềm năng bỏ ngỏ

Nhiều ngân hàng Việt đang giơ cao khẩu hiệu trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, việc trở thành “hàng đầu” này vẫn dường như vẫn chỉ là khẩu hiệu.

“Vấp” tiền mặt

Nói đến ngân hàng bán lẻ thì số lượng khách hàng cá nhân phải đông, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phải nhiều, đa dạng. Đặc biệt trong thời buổi công nghệ số thì phương thức giao dịch, thanh toán điện tử, online phải phổ biến… Nhưng cho đến hiện nay số lượng người dân Việt Nam có tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng khá ít ỏi và chủ yếu tập trung ở những thành phố, đô thị lớn. Chủ thẻ dùng thẻ chủ yếu để rút tiền mặt khiến cho lượng tiền mặt trong lưu thông khá lớn.

Mặc dù thị trường ngân hàng bán lẻ rất tiềm năng vì mới chỉ có khoảng 30% người dân có tài khoản tại ngân hàng, thu nhập ngoài lãi chiếm tỷ lệ 26%, mức trung bình khá trên thế giới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết tại “Diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2015” diễn ra ngày 18/11 tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc Khối bán lẻ ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) còn cho biết tỷ trọng mảng bán lẻ mới chỉ chiếm khoảng 20% vào tổng doanh thu trong hoạt động ngân hàng Việt Nam.

Ông Hào cũng nhấn mạnh, việc khai thác thị trường ngân hàng bán lẻ không phải dễ khi thói quen dùng tiền mặt của người dân Việt Nam vẫn là chủ yếu. Trước đây, các ngân hàng chủ yếu là bán buôn, sau này mới tập trung vào bán lẻ nên cơ quan quản lý chưa đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ và phù hợp với thị trường. Sự cạnh tranh giữa ngân hàng nội – ngoại tại Việt Nam cũng khiến các ngân hàng nội vất vả khi ngân hàng ngoại có kinh nghiệm, công nghệ, tiềm lực tài chính mạnh. Do vậy, các ngân hàng Việt Nam phải có chính sách để chung sống với các ngân hàng nước ngoài.

Các diễn giả chia sẻ tại "Diễn đàn ngân hàng bán lẻ 2015" tại TP.HCM

“Vấp” công nghệ và nghèo sản phẩm?

TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, ngân hàng Việt Nam hiện nay có 83 sản phẩm bán lẻ khác nhau, 97 sản phẩm bán buôn.

Còn theo một chuyên gia ngân hàng, sản phẩm của nhiều ngân hàng Việt đã ít lại còn na ná nhau, chưa đa dạng.

Do vậy, với sự hiện diện của 46 chi nhánh ngân hàng nước ngoài có mặt tại Việt Nam là một thách thức không nhỏ với ngân hàng Việt. Bên cạnh đó, ngân hàng Việt mà phân bố không đồng đều khi ở các đô thị, thành phố lớn ngân hàng “phủ sóng” dày đặc, nhưng ở các vùng xa xôi, các tỉnh thành nhỏ thì chưa “phủ” đều.

Một yếu tố quan trọng nữa là công nghệ của ngân hàng Việt. Theo bà Đặng Tuyết Dung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank), điểm không thuận lợi của ngân hàng Việt là đã đầu tư hệ thống Core Banking (ngân hàng lõi) trong khi nhiều ngân hàng trên thế giới đã phải sửa Core Banking vì “chạy” rất nặng và ảnh hưởng đến phát triển hệ thống của ngân hàng.

Các ngân hàng thế giới ngoài việc lấy khách hàng làm trọng tâm, phân tích tâm lý, hành vi, thói quen… của khách hàng để vận hành công nghệ và quản lý rủi ro vào sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: mobile banking, internet banking…

Đến nay, để phát triển mạnh phân khúc bán lẻ, nhiều ngân hàng trên thế giới đã ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Chẳng hạn, công nghệ sinh học đã được nhiều ngân hàng thế giới sử dụng (nhận diện khách hàng bằng vân tay)… Ở Nhật đã có ngân hàng dùng nhân viên là robot để chào khách hàng và trả lời những câu hỏi của khách hàng…

Nhiều ngân hàng Việt đưa ra câu khẩu hiệu: Ngân hàng của bạn, Ngân hàng của mọi nhà… Tuy nhiên, thách thức đối với ngân hàng Việt trong bán lẻ là có hiểu rõ người tiêu dùng hay không? Đây là một câu chuyện của ngân hàng Việt để sáng tạo ra những chiến lược về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp.

Theo ông Richard Howell, Giám đốc Khu vực ASEAN và Bắc Á, FIS,  mối quan hệ với khách hàng và ngân hàng ngày càng thay đổi. Khách hàng ngày càng trẻ hóa thì việc giao dịch bằng tài khoản không nhất thiết phải thông qua ngân hàng. Các công ty khởi nghiệp cũng có thể cung cấp nhiều dịch vụ tương tự như ngân hàng như thẻ trả trước cho khách hàng, đơn giản và thuận tiện hơn.

Do vậy, điều cốt lõi trong phát triển thị trường bán lẻ hiện nay của ngân hàng Việt đó là công nghệ. Theo ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), khái niệm “Bank 4.0” đang được nhắc tới trong thế hệ ngân hàng hiện đại. Nghĩa là khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng mà không cần đến ngân hàng. Do vậy, để cạnh tranh thì công nghệ là điều tiên quyết. Nhiều công ty sử dụng công nghệ để dẫn đầu như : Uber, Alibaba… đã rất thành công. Thời đại hiện nay là tiến tới ngân hàng số.

Với sự phát triển của công nghệ tin học vượt trội và hội nhập Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, các ngân hàng Việt cần đặc biệt chú ý nội dung về tự do hóa dịch vụ tài chính trong TPP, cho phép ngân hàng Mỹ không cần có sự “hiện diện” tại Việt Nam nhưng vẫn được cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân Việt. Đó là dịch vụ xuyên biên giới. Điều này cũng là khó khăn không nhỏ cho phát triển ngân hàng bán lẻ.

 

Theo Bizlive