clock

Doanh Nghiệp

05:50 16-08-2017

Thị trường smartphone Việt: Đường dài mới biết ngựa hay

Cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều thương hiệu điện thoại di động Việt Nam, phải rời thị trường, nhưng gần đây, một số doanh nghiệp (DN) bám trụ được đang nỗ lực xốc lại vị thế với thông điệp mạnh mẽ hơn. Thành công hay thất bại đang chờ người tiêu dùng kiểm chứng.

Tại lễ ra mắt Bphone 2017, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của Bkav thừa nhận sản phẩm đầu tay hai năm trước của Bkav chưa thành công. "Chúng tôi biết sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thực tế khó khăn hơn chúng tôi lường định rất nhiều lần" - ông Quảng nói và tiếp tục khẳng định việc theo đuổi mảng smartphone là kế hoạch dài hạn của Bkav.

Bphone 2017 là kết quả sau 7 năm của kế hoạch này. Bkav có kế hoạch dài hạn để Việt Nam có một ngành công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt làm chủ.

Cũng như Bkav, không ít DN từng công bố tham vọng khi gia nhập thị trường điện thoại di động, trong đó có những tên tuổi như FPT, ABTel, Hanel, HiPT, CMC, Thuận Phát. Nhưng rồi tham vọng đó nhanh chóng thoái trào bởi không cạnh tranh được với các thương hiệu danh tiếng toàn cầu vốn sở hữu công nghệ tiên tiến, dày dạn kinh nghiệm thị trường và mạnh về tài chính. Tâm lý chuộng hàng ngoại và chưa tin tưởng sản phẩm nội địa cũng là rào cản để DN Việt Nam xác lập vị thế thị trường trong giai đoạn đầu và tích lũy cho các bước tiếp theo để phát triển sản phẩm.

Bước đi của Bkav cho thấy tham vọng nghiên cứu và sản xuất sản phẩm điện tử để tìm cơ hội trong trào lưu IoT. Smartphone có thể bổ sung cho mảng smarthome mà Bkav đã cung cấp ra thị trường khoảng 10 năm nay, bên cạnh những phần mềm và bảo mật vốn là xuất phát điểm của Bkav hơn 20 năm trước. Việc hợp tác chiến lược với Qualcomm qua cơ chế chia sẻ phát minh, cung cấp vi xử lý và kiểm định chất lượng, hỗ trợ đưa Bphone ra thị trường thế giới cũng là bước tiến mới của Bkav.

Một sản phẩm khác là Vivas Lotus S3 của VNPT vừa ra mắt đầu tháng 8, giá 3,99 triệu - là thế hệ smartphone thứ 5 trong nỗ lực của VNPT phát triển sản phẩm phục vụ nền tảng 4G LTE. Vivas Lotus S3 do các kỹ sư VNPT phát triển và sản xuất, đã cải thiện nhiều về kiểu dáng, cấu hình vượt trội với vi xử lý 8 nhân 1.3GHz, bộ nhớ 3GB RAM-32GB ROM, pin 3000mAh, camera 13Mp và 5.0Mp.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Ban Phát triển sản phẩm công nghệ VNPT Technology, smartphone là sản phẩm khó làm mới nên giá phải hợp lý và có nhiều ứng dụng thu hút người dùng. Trải nghiệm của khách hàng được đặt lên hàng đầu nên khi thiết kế sản phẩm này, chúng tôi hướng đến giá thành phù hợp với đại đa số người Việt Nam, đảm bảo chất lượng, bảo hành dài hạn vì mục tiêu phát triển bền vững của thương hiệu".

Tham gia thị trường điện thoại di động từ giữa tháng 8/2017, Asanzo sẽ ra mắt smartphone ở phân khúc giá dưới 5 triệu đồng. Là thương hiệu điện tử Việt Nam có vị trí vững vàng trên thị trường với khoảng 15% thị phần tivi, bước sang thị trường smartphone là "cuộc chơi" mạo hiểm của Asanzo. Theo ông Phạm Văn Tam - người sáng lập Asanzo, thị trường smartphone tiềm năng hơn cả thị trường tivi. Asanzo thử sức để có thêm một thương hiệu điện thoại Việt Nam.

Trong hàng chục nhà cung cấp điện thoại thương hiệu Việt, hiện còn Mobiistar, F-Mobile và Masstel bám trụ, trong đó Mobiistar có vị trí tương đối vững với gần 4% thị phần smartphone trong quý II/2017.

Ở tầm thế giới, những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu còn rơi xuống đáy, thậm chí "bán mình", tạo khoảng trống cho các thương hiệu khác vươn lên, tạo chỗ đứng cho một vài DN mới nổi. Đối với thương hiệu smartphone Việt cũng vậy. Theo ông Ngô Nguyên Kha - người sáng lập và sở hữu Mobiistar cho biết, để Mobiistar có được vị trí như hiện nay phải kiên trì với định hướng sản phẩm nâng cao trải nghiệm cho người dùng, có cộng đồng ủng hộ. Nhưng cũng rất khó khăn để duy trì vị trí top 4 với thị phần chưa quá lớn.

"Smartphone của Bkav hoặc VNPT không phải bây giờ mới có. Điều đó cho thấy thị trường smartphone rất hấp dẫn, nhưng cũng minh chứng cho sự khắc nghiệt của nó” - ông Kha phân tích.

Đâu là những khó khăn và thuận lợi của DN điện thoại di động ở thời điểm hiện nay? Theo ông Kha, người dùng đã bớt kỳ thị "thương hiệu Việt" hoặc "hàng Tàu mác Việt". Nhưng thách thức vẫn rất lớn: người dùng đã qua giai đoạn "nhập môn" smartphone, những sản phẩm giá rẻ và chất lượng "tàm tạm" không đáp ứng nhu cầu khó được chấp nhận. Họ đòi hỏi sản phẩm đẹp, nhiều tính năng, giá mềm, chất lượng ổn, bảo hành chu đáo.

Ông Kha lưu ý, đối thủ của DN smartphone Việt Nam là những người khổng lồ đủ sức để những thương hiệu nhỏ hụt hơi và "tự chết". Tuy nhiên, không có nghĩa là các thương hiệu mới không có cơ hội vì thị trường smartphone thay đổi liên tục, có thương hiệu chỉ cần một sản phẩm ăn khách đã thắng lớn. Các thương hiệu mới có thể có nhiều dữ liệu thị trường hơn và có chiến lược tiếp cận mới lạ, sáng tạo hơn để tạo thành công.

 

 

TUYẾT ÂN/DNSG