clock

Thị Trường

07:59 11-10-2015

Thị trường sữa đậu nành, cuộc chiến giữa đại gia và quán cóc

Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sữa đậu nành, với 613 triệu lít. Song, gần 70% lượng sữa hiện nay được nấu thủ công tại nhà và bán ở vỉa hè, quán cóc.

Gần 70% lượng sữa đậu nành được bán từ quán cóc

Tại Việt Nam, đậu nành từ lâu đã có vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng vì giàu dinh dưỡng và lành tính. Sữa đậu nành là thức uống của hầu hết người dân ở mọi độ tuổi. Theo số liệu nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng của Công ty Tetra Pak (Thụy Điển), năm 2014, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về mức tiêu thụ loại sữa này, với 613 triệu lít, tương đương mỗi ngày khoảng 1,5 triệu lít.

Nhu cầu cao, song gần 70% lượng sữa đậu nành trên thị trường đang được phục vụ bởi các bà nội trợ. Họ tự nấu sữa và mang bán ở các hàng nước, quán vỉa hè.

Tại TP HCM, nơi nào cũng có thể bán sữa đậu nành tự nấu, từ quán ăn lớn, cửa hàng nhỏ, thậm chí xe nước mía, hàng cà phê cóc, xe nước bán rong... luôn có 1 thùng sữa đậu nành nóng, lạnh, với giá giao động 5.000-10.000 đồng một ly. Vào buổi sáng, trên tất cả các tuyến đường lớn, nhỏ từ nội thành đến ngoại thành đều có hàng chục điểm bán sữa đậu nành nóng.

Gần đây, nhiều điểm bán còn trang bị máy xay đậu, tự nấu tại chỗ. Chỉ cần chiếc bàn nhựa và 1 chiếc máy, vài chai nhựa đựng sữa là hình thành một điểm bán sữa đậu nành đắt khách buổi sáng.

“Nhà tôi uống sữa đậu nành hàng ngày. Mẹ tôi thường mua đậu ta, là loại trồng trong nước, về ngâm buổi tối, sáng xay lên và nấu uống. Hôm nào không làm kịp thì ra hàng bánh mì mua. Ăn sáng và uống 1 ly sữa đậu nành là thói quen của mọi người trong nhà", chị Châu, nhân viên cửa hàng thời trang ở đường Võ Văn Tần, chia sẻ.

Đại gia chia lại thị phần

Nghiên cứu của Tetra Pak cũng cho biết, nhu cầu lớn, song thị trường sữa đậu nành Việt Nam hiện mới có hơn 32% là sản phẩm đóng hộp. Nắm bắt xu hướng của thị trường tiềm năng và vẫn còn rộng cửa này, nhiều doanh nghiệp đang liên tục rót vốn đầu tư nhà máy sản xuất, vùng trồng nguyên liệu.

Số liệu nghiên cứu của Nielsen Việt Nam tháng 1/2015, cho thấy, thị phần sữa đậu nành đóng hộp hiện nằm trong tay Công ty sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy, với hơn 82,7% sản lượng; gần 18% còn lại là các đại gia Vinamilk, Tân Hiệp Phát, Tribeco... chia sẻ. Năm 2014, Vinasoy đạt doanh thu 3.142 tỷ đồng, tăng trưởng 49% so với năm 2013.

Đầu năm 2015, Vinasoy khánh thành giai đoạn 2 nhà máy Bắc Ninh, một trong ba nhà máy lớn và hiện đại nhất thế giới, đồng thơi khởi công nhà máy thứ 3 tại Bình Dương cuối năm nay. Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy khẳng định: Chỉ tập trung duy nhất vào đậu nành.

Ngoài đổ vốn đầu tư để gia tăng thị phần, các doanh nghiệp trong ngành sữa đậu nành đang dựa vào tính khoa học của đậu tương để cạnh tranh. Ảnh: Đậu tương thuần Việt được trồng ở Đồng Tháp. Ảnh: N.Trinh.

Một dự án đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất sữa đậu nành quy mô lớn tại Gia Lai cũng vừa được Nutifood và Hoàng Anh Gia Lai, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam công bố. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng 1.000 ha đậu tương với sự hỗ trợ giống, kỹ thuật của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam. Nutifood bao tiêu đậu để sản xuất sữa đậu nành.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood, sữa đậu nành của dự án hợp tác này sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam khoảng 3 tháng sau thời điểm công bố. Vị này giải thích, sở dĩ các bên cam kết thời gian ngắn là vì Hoàng Anh Gia Lai với thế mạnh có sẵn là đất đai, kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao, cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học. Hạ tầng sản xuất thì Nutifood đã có. "3 tháng tức là thời hạn của 1 vụ sản xuất đậu nành", ông Hải chia sẻ.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khẳng định, trong 5 năm tới, quỹ đất cho đậu nành dự kiến lên tới 3.000 ha. Sản lượng đậu dự kiến 20.000 tấn để sản xuất mỗi năm khoảng 185 triệu lít sữa.

Mặc dù chỉ là mới bước đầu của dự án, nhưng việc tham gia vào lĩnh vực này cho thấy tầm nhìn chiến lược của Nutifood với thị trường. “Tiềm năng của thị trường rất lớn và là xu hướng chung trên thế giới, trong khi sữa đậu nành hiện nay phần lớn là tự làm tại nhà”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Cạnh tranh bằng đậu thuần Việt

Ngoài tăng thị phần, cuộc chiến đang diễn ra với sữa đậu nành là nhằm vào tính khoa học của sản phẩm. Sau khi cho ra mắt Goldsoy, Vinamilk tuyên bố: Đây là sản phẩm lần đầu tiên tại Việt Nam làm từ 100% hạt đậu nành không biến đổi gen.

Vinasoy cũng ra mắt Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành. Doanh nghiệp này khẳng định, đây là một trung tâm phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng khoa học tiên tiến nhất về hạt đậu nành vào sản xuất và tiêu dùng. Còn Tribeco khẳng định, sản phẩm được sản xuất với công nghệ trích lọc tiên tiến, lưu giữ các thành phần dinh dưỡng và protein trong hạt đậu nành; đảm bảo hương vị sữa thơm ngon như truyền thống.

Gia nhập thị trường muộn nhất, bầu Đức cũng cam kết đậu tương Hoàng Anh Gia Lai trồng để làm sữa là giống thuần Việt, được trồng hữu cơ tận dụng nguồn phân bò, nên đây sẽ là sữa đậu nành sạch.

“Sữa đậu nành sạch không còn lạ với các nước châu Âu, nhưng tôi cam đoan tại Việt Nam hiện chưa có, bởi nguồn giống chúng ta cũng chưa kiểm soát được. Tôi cam kết sản xuất 100% là giống đậu Việt Nam chứ không phải giống biến đổi gen. Và tôi dám nói đó sẽ là loại sữa đậu nành ‘không đụng hàng’ tại Việt Nam", ông Đức khẳng định.

Điều đáng nói là nguồn giống đậu tương trong nước hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Giá đậu cũng không cạnh tranh, năng suất thấp và quỹ đất hạn chế đang khiến diện tích và sản lượng giảm mạnh. Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, đến đến năm 2020, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển trồng đậu nành lên đến 350.000 ha, với sản lượng 700.000 tấn. Kế hoạch này tập trung phát triển ở đồng bằng sông Hồng, vùng đồi núi ở phía Bắc và Tây Nguyên.

Theo H.Linh

Zing