clock

Trong Nước

05:23 17-10-2015

Thịt heo sạch VietGAP: Xuống chợ

Thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP đã có mặt trên thị trường đáp ứng xu hướng tiêu dùng "thịt sạch" sau rau an toàn...

"Heo sạch" ra chợ

Ngày 9/10, thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) có chứng nhận và đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi đến người tiêu dùng (NTD) do Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ phân phối đã bắt đầu bán tại chợ Hòa Bình (Q.5, TP.HCM).

Đây là sản phẩm của Dự án cạnh tranh nông nghiệp và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) TP.HCM triển khai.

Theo ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT, việc mở quầy thịt heo VietGAP tại chợ đã khép kín chuỗi sản xuất heo an toàn trên địa bàn Thành phố đồng thời giúp NTD có nơi để lựa chọn thịt heo an toàn trong bối cảnh thịt heo bẩn và heo chứa chất tạo nạc xuất hiện ngày một nhiều.

Điều đáng nói là mặc dù được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng thịt heo do An Hạ phân phối có giá bán chỉ bằng với thịt heo thường trên thị trường.

Theo Sở NN&PTNT, dự án thịt heo VietGAP sẽ tạo chuỗi liên kết từ thức ăn đến chăn nuôi, giết mổ và phân phối, qua đó, giúp người chăn nuôi giảm chi phí trung gian, chi phí đầu tư và NTD sẽ được sử dụng thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

Dự án được Ngân hàng Thế giới cho vay với 79 triệu USD, thực hiện tại 12 tỉnh - thành trong đó có TP.HCM với mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm trong sản phẩm động vật, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn.

Với dự án này, TP.HCM đã tạo được vùng an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi heo tại 9 xã thuộc Củ Chi và Hóc Môn với hơn 800 hộ.

Đến thời điểm này, TP.HCM đã có 646 hộ nuôi heo đạt chứng nhận VietGAP với tổng đàn heo 41.000 con và dự kiến sẽ có thêm 95 hộ chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP vào cuối năm nay.

Các hộ nuôi được tài trợ vốn để xây dựng chuồng trại, hầm biogas cũng như kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi an toàn. Ngoài hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi, dự án còn đầu tư nâng cấp đường sá, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, quầy sạp, tủ cho 1.257 sạp của 25 chợ trên địa bàn TP.HCM.

Để tạo đầu ra cho sản phẩm "thịt heo sạch", Sở NN&PTNT đã kết nối Công ty An Hạ với các hộ chăn nuôi, An Hạ đã cam kết bao tiêu toàn bộ heo VietGAP để giết mổ và đưa ra thị trường.

Theo bà Nguyễn Hồng Thắm - Giám đốc Công ty An Hạ, với dây chuyền giết mổ hơn 3.000 con heo/ngày, An Hạ hoàn toàn đủ sức bao tiêu heo VietGAP (khoảng 240 con/ngày) để thúc đẩy phong trào chăn nuôi heo sạch của TP.HCM.

Trước mắt, thịt heo VietGAP được An Hạ bán ở chợ Hòa Bình và sau đó sẽ mở rộng ra các chợ khác ở TP.HCM.

VietGAP hóa

Trước thịt heo VietGAP, rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP đã được triển khai tại nhiều tỉnh - thành và được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhà nông, nhà phân phối.

Trong đó, vai trò nhà phân phối như Co.opmart, Big C, Metro... đã tạo đầu ra tương đối ổn định cho các vùng trồng. Đơn cử như Metro mỗi ngày đã thu mua 35 tấn rau củ quả tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Là một trong 6 đối tác phối hợp với Sở NN&PTNT, Metro đã xây dựng chuỗi cung ứng thủy hải sản chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường bằng việc đầu tư xây dựng trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ.

Sau hơn 3 năm triển khai, trạm trung chuyển này đã mua hơn 7.000 tấn thủy sản cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2014, đã có 82 container tôm đông lạnh, cá tra được Metro xuất khẩu đến 19 quốc gia với tổng giá trị hơn 7 triệu USD. Tương tự, mỗi ngày hệ thống siêu thị Co.opmart đã tiêu thụ khoảng 45-50 tấn rau, trong đó rau theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm 90%.

Để có nguồn rau an toàn cho NTD, Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của Co.opmart) đã hỗ trợ phát triển rau an toàn như ứng vốn cho các HTX rau sạch ở Thành phố và tỉnh Lâm Đồng có thêm điều kiện sản xuất, tổ chức các chương trình khuyến mãi dành cho rau củ quả VietGAP.

Trước đó, trong năm 2013, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống tại KCN Sóng Thần, đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời nâng cấp hai trung tâm phân phối hàng thực phẩm thiết yếu tại Bình Dương và Cần Thơ với mục tiêu tăng cường thực phẩm tiêu chuẩn VietGAP.

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VinEco (thuộc Vingroup) đã ra mắt rau hữu cơ và rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP tại hai hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+. Đây là dự án đã được VinEco triển khai cách đây 6 tháng với vùng rau tập trung và khép kín.

Tất cả các khâu từ nghiên cứu, công nghệ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đến chế biến, vận chuyển tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mỗi ngày, VinEco cung ứng cho thị trường hơn 30 tấn rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với 14 loại, như rau muống hạt, mướp đắng, rau dề đó, rau dền xanh, rau lang ngọn, rau bí, xà lách, dưa chuột...

Những loại rau này được trồng tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Củ Chi (TP.HCM) và Long Thành (Đồng Nai). Theo đại diện của Vingroup, vào cuối năm nay sẽ có gần 4.000 tấn rau sạch đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP được VinEco đưa ra thị trường.

Điều mà các nhà sản xuất lo lắng là đầu ra cho sản phẩm VietGAP. Trước đây, vào năm 2008, Bộ NN&PTNT triển khai mô hình trồng rau VietGAP dựa trên 4 tiêu chí: kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm (không có hóa chất, chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch), môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân và đảm bảo nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Chương trình được nông dân hào hứng tham gia nhưng họ rất thiệt thòi bởi trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP khá tốn kém lại phải tuân thủ quy trình sản xuất ngặt nghèo nhưng đầu ra chỉ gói gọn ở các hệ thống siêu thị.

Vì thế, với việc đưa thịt heo VietGAP "ra chợ" lần này và một kế hoạch đầu tư bài bản để phát triển thị trường, hy vọng thịt heo VietGAP sẽ không gặp tình trạng tương tự như với rau VietGAP.

 

HỒNG NGA/ DNSG