clock

Bất Động Sản

08:55 18-05-2023

Thời chủ đất bị người mua ép giá: “Giờ tôi mua với giá nào chẳng được”

Khi nguồn hàng cắt lỗ nhiều, lựa chọn của người mua tăng lên, đồng nghĩa, thị trường bất động sản liên tục xuất hiện trạng thái người mua ép giá người bán.

Thời chủ đất bị người mua ép giá: “Giờ tôi mua với giá nào chẳng được” - Ảnh 1.

Người bán “ngã ngửa” khi nghe người mua trả giá

Nền đất nông nghiệp tại Đồng Nai mua vào với giá 3,8 tỉ đồng/nền cuối năm 2021, đến nay anh Dũng (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) bị trả giá xuống 2,8 tỉ đồng. Trong khi đầu năm 2022, có người trả anh giá 4,4 tỉ đồng. Vì nghĩ đất còn lên giá nên anh Dũng không bán, hiện cần tiền bán ra thì “ngã ngửa” khi nghe người mua trả giá. Tuy nhiên, vì mảnh đất sử dụng vốn vay khá ít nên anh Dũng không bán với giá đó mà chờ giá kì vọng.

Cũng bị ép giá xuống 700 triệu đồng một lô đất thổ cư tại Tp.Thủ Đức, một nhà đầu tư quyết định không rao bán nữa. Do cần tiền giải quyết công việc, nhà đầu tư này đã giảm 200 triệu đồng so với giá thị trường nhưng liên tục bị người mua và phía môi giới vào ép giảm thêm. Do không vay ngân hàng, thấy lỗ so với giá mua vào, nhà đầu tư này không bán mà chờ thị trường.

Thời chủ đất bị người mua ép giá: “Giờ tôi mua với giá nào chẳng được” - Ảnh 2.

Liên tục bị trả giá thấp, nhiều chủ đất đóng giỏ hàng. Họ rơi vào trường hợp sử dụng vốn vay ít hoặc không vay. Việc chào bán ra thời điểm này hoặc là thu được dòng tiền hoặc bán giá cao hơn, rất ít trường hợp cắt lỗ. Với họ “giá đó, thích thì mua, không thích thì thôi”.

Tuy nhiên, sản phẩm rao bán của họ sẽ bị “đụng hàng” với các nhà đầu tư ngộp tài chính. Theo dòng thị trường hiện tại, sản phẩm của các nhà đầu tư này sẽ bị bên mua ép giá rất mạnh.

Người mua: “Tôi mua giá nào chẳng được”

Xem rằng thời điểm sốt đất, chủ đất hét giá cao, nhiều người mua vào giá hớ. Hiện tại là lúc người mua ép giá ngược người bán.

“Đợt này nhiều lựa chọn lắm. Toàn những lô tốt. Mấy lô đất chủ nhà không xoay được đâu ra tiền nên cần bán gấp, cho nên mình mua giá nào chẳng được”, một nhà đầu tư sống tại Tp.HCM cho hay.

 

Theo vị này, hiện có khá nhiều chủ đất xả hàng ngộp nên sự lựa chọn của người mua rất nhiều. Vì thế, giá trả nếu chủ đất không bán thì thôi.

Chưa kể, việc trả giá còn cân đối lợi nhuận và rủi ro lúc thị trường chưa hồi phục. Theo nhà đầu tư này, đi mua bất động sản lúc này phải tính toán được lợi nhuận cao nhất cho mình trong bối cảnh thị trường còn rủi ro. Nếu bỏ tiền ra không lời cao (hoặc chỉ bằng tiền lãi suất tiết kiệm ngân hàng) thì bỏ ngân hàng an toàn hơn.

“Vì thế, với những sản phẩm ngộp thực sự thì phải trả giá sâu để mua được giá thấp nhất lúc này, vì biết đâu giá bất động sản còn giảm nữa”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Thời chủ đất bị người mua ép giá: “Giờ tôi mua với giá nào chẳng được” - Ảnh 3.

Ảnh: Hạ Vy

4 tháng đầu năm 2023 các nhà đầu tư cá nhân có sẵn tiền đã đánh tiếng mua lại sản phẩm ngộp thứ cấp. Tuy nhiên, thay vì mua giá chủ đất/nhà rao thì họ liên tục trả giá, ép giá mức tới 50% giá trị tài sản.

“Thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng người mua trả giá rất rẻ mạt với tài sản của những nhà đầu tư cần tiền bán gấp. Dù giá đã giảm 20-40% so với giá thị trường, người mua vẫn vào ép giảm thêm từ 20-30%”, một chuyên gia trong ngành cho biết.

Ghi nhận cho thấy, hiện những nhà đầu tư xuống tiền mặt mua bất động sản lúc này chủ yếu là thợ săn, dân “kền kền”. Họ tìm kiếm hàng thanh lý và những người khó xoay sở tài chính để trả giá xuống thấp nhất. Với các trường hợp nhà đầu tư quá sức đã chấp nhận bán bằng mọi giá để không phải khổ sợ trên đống tải sản.