clock

Thị Trường

08:22 10-11-2020

Thùng quýt Nhật Bản được đấu giá hơn 222 triệu đồng

Một thùng gồm 100 quả quýt Satsuma, với tổng trọng lượng 20 kg vừa được đưa ra đấu giá tại chợ Ota - trung tâm buôn bán của thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Thùng quýt Nhật Bản được đấu giá hơn 222 triệu đồng - Ảnh 1.

Thùng quýt giá gần 9.600 USD. Ảnh: JA Nishiuwa

Hãng tin CNN cho biết, một khách hàng đã đưa ra mức giá cao nhất - 222 triệu đồng (tương đương 1 triệu yen, hoặc 9.579 USD) để mua thùng quýt Satsuma. Hiện vẫn chưa xác định rõ danh tính người này.

Sự kiện diễn ra hôm 5/11 tại chợ đầu mối Ota là phiên đấu giá quýt Satsuma đầu tiên trong năm nay, nông sản hảo hạng nhất của tỉnh Ehime thuộc đảo Shikoku, ở miền nam đất nước mặt trời mọc.

Thùng quýt Nhật Bản được đấu giá hơn 222 triệu đồng - Ảnh 2.

Mọi người tụ tập tại cuộc đấu giá quýt được tổ chức vào ngày 5/11/2020 tại chợ Ota ở Tokyo. Ảnh: JA Nishiuwa

Quận Nishiuwa là một trong ba vùng trồng quýt Satsuma chính của Ehime, với những giống quýt không hạt, trái to tròn, vỏ mỏng dễ bóc, có hương vị ngọt thanh, tan nhanh trong miệng. Tại đây, loại quýt có lượng tiêu thụ mạnh nhất và đắt đỏ nhất chính là Hinomaru.

"Thương hiệu quýt Hinomaru được trồng ở khu vực ven biển của thành phố Yawatahama, thuộc tỉnh Ehime. Loại cây này sinh trưởng nhờ vào 3 nguồn ánh sáng, bao gồm ánh sáng từ chính mặt trời, ánh sáng phản chiếu từ biển và ánh sáng phản chiếu từ những bức tường đá của ruộng bậc thang”, Shin Asai phụ trách bộ phận bán hàng của JA Nishiuwa chia sẻ với CNN.

Được biết, chỉ có khoảng 100 nông dân trồng loại quýt đặc biệt này.

"Quýt hồng Hinomaru năm nay có chất lượng đặc biệt tốt”, Shin Asai nói thêm.

Thùng quýt Nhật Bản được đấu giá hơn 222 triệu đồng - Ảnh 3.

Quýt Satsuma được trồng và vận chuyển từ tỉnh Ehime của Nhật Bản. Ảnh: JA Nishiuwa

Theo đại diện Hiệp hội nông nghiệp Nishiuwa, mức giá cao trong phiên đấu giá hôm 5/11 được coi là "một mức giá rất đáng mừng", đánh dấu sự khởi đầu của mùa quýt ở Nhật Bản.

Shin Asai cho biết: “Vì chất lượng của trái cây đầu mùa hàng năm đều được đánh giá thông qua đợt đấu giá đầu tiên, nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động bán hàng. Phiên đấu giá mở đầu đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp trái cây".

Giá bán của loại quýt cao cấp trên thưởng ở mức hơn 1,7 triệu đồng cho một thùng nặng 10 kg (khoảng 7.800 yen, tương đương 75 USD).

Đây không phải lần đầu tiên những trái quýt to, ngọt được trả với mức giá đáng kinh ngạc như vậy trong một cuộc đấu giá. Năm ngoái, mức đấu giá lên đến hơn 1 triệu yen.

Khi xem xét tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế, Shin Asai cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên và cũng rất vui mừng bởi vì thùng quýt trên được mua với giá 1 triệu yen”.

Theo Shin Asai, một siêu thị cao cấp đã đấu giá thùng quýt vào năm ngoái để quảng bá cho cửa hàng.

Thùng quýt Nhật Bản được đấu giá hơn 222 triệu đồng - Ảnh 4.

Tỉnh Ehime nổi tiếng với quýt ngọt và Nishiuwa là một trong những vùng trồng quýt lớn nhất tỉnh. Ảnh: JA Nishiuwa

Nhiều năm nay, Nhật Bản được biết đến là quốc gia sản xuất các loại cây ăn trái có chất lượng cao và đắt tiền. Trở lại năm ngoái, 24 chùm nho ruby được bán đấu giá gần 255 triệu đồng (tức 1,2 triệu yen, khoảng 11.000 USD).

Soyeon Shim tại Đại học Wisconsin-Madison, cho biết: “Việc thu mua và tiêu thụ trái cây gắn liền với tập quán văn hóa xã hội. Không chỉ là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống, mà có lẽ quan trọng hơn, trái cây được coi là mặt hàng xa xỉ, không thể thiếu trong các nghi lễ quan trọng, và cũng được biếu tặng rộng rãi ở Nhật Bản".

Quýt là một trong những loại trái cây phổ biến nhất ở đất nước mặt trời mọc. Theo một báo cáo của Cục Thống kê Nhật Bản năm 2019, loại trái cây này có năng suất cao nhất trong năm 2016 và năm 2017.

Ehime chỉ đứng sau tỉnh Wakayama về tổng sản lượng quýt nhưng đứng đầu về sản lượng tổng thể của hơn 40 loại trái cây có múi khác nhau, bao gồm cả quýt Satsumas. Linh vật của nơi đây cũng liên quan đến trái quýt, đó là chú chó vàng tên là Mikyan, xuất hiện trong nhiều lễ hội văn hóa du lịch ở Nhật Bản cũng như trên thế giới.