clock

Thế Giới

05:43 02-10-2015

Thượng đỉnh Mỹ-Trung: Thúc đẩy "mối quan hệ nước lớn kiểu mới"

Cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington Mỹ-Trung có thể sẽ minh họa rõ ràng cho những giới hạn quyền lực ngay cả với hai cường quốc đang có nhiều mâu thuẫn.

Bắt đầu từ ngày 23/9, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình có chuyến công du Mỹ một tuần. Ông Tập từng đến Mỹ khi còn là quan chức cấp huyện và cấp tỉnh và đây là chuyến đi thứ 6 sang Mỹ của ông. Trong vai trò nguyên thủ của một cường quốc mới nổi với nhiều tham vọng mới, Bắc Kinh đặt nhiều hy vọng ông Tập sẽ đặt lại thế cân bằng với Mỹ.

Thậm chí, một số nhà phân tích của TQ cho rằng, chuyến thăm của ông Tập sẽ đem về kết quả tương tự chuyến công du Mỹ năm 1979 của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Chuyến đi khi đó được Ezra Vogel, Giáo sư khoa học xã hội danh dự Đại học Harvard, đánh giá là "mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Trung".

Trước thềm chuyến thăm chính thức sang Mỹ, Chủ tịch TQ tuyên bố Mỹ-Trung không hề tồn tại bất cứ mâu thuẫn nào và Bắc Kinh cam kết sẽ hợp tác với Washington để xây dựng "mối quan hệ nước lớn kiểu mới". Khái niệm "mối quan hệ nước lớn kiểu mới" được đưa vào báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 18 tháng 11/2012, thời điểm ông Tập được bổ nhiệm làm Tổng bí thư. Khái niệm này nhấn mạnh đến mối quan hệ "vừa kiểm soát sự cạnh tranh không thể tránh khỏi, vừa thúc đẩy hợp tác sâu hơn trong các vấn đề hai nước có chung lợi ích".

Các chuyên gia phân tích nhận định TQ coi chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập là một cơ hội để họ làm nổi bật hơn vị thế mà họ tự coi là "quốc gia duy nhất trên thế giới có thể cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng toàn cầu".

Ngoài ra, ông Tập cũng muốn Mỹ chấp nhận việc đưa đồng nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chất vấn về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Kurt Campbell, cố vấn chính sách châu Á trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Obama, cho rằng: "Dù TQ đang bước vào một giai đoạn bất ổn và lo ngại ở trong nước, nhưng không nhất thiết nhún nhường trong các vấn đề quốc tế” và "ông Tập dường như sẽ cứng rắn hơn để tránh xuất hiện với sự yếm thế”.

Bởi vì, ông Tập dường như không có đường lui khi ở nhà còn nhiều rối ren. Ông Tập đang xây dựng hình ảnh của một lãnh đạo quyền lực và tự tin nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây của TQ.

Đặc biệt là cuộc chiến chống tham nhũng và trấn áp tất cả những ai thách thức quyền lực mà ông Tập đang tạo dựng. Ông Tập cũng có thể hy vọng rằng kích động chủ nghĩa dân tộc sẽ giúp thúc đẩy sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu TQ khi nền kinh tế bước vào một giai đoạn khó khăn hiện nay....

Với bối cảnh hiện tại, Tổng thống Obama theo đuổi một chương trình nghị sự hạn chế trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình. Trong khi Bắc Kinh lại quá chăm chú với đại cục và những kế hoạch dài hạn, thì Washington đang quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng những vấn đề cụ thể trước mắt. Trước hết là thâm hụt thương mại.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với TQ đã mở rộng tới mức kỷ lục là khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày, ngay cả sau khi nhân dân tệ tăng gần 30% so với đồng USD trong thập kỷ qua. Biển Đông trở thành vấn đề thứ hai mà Nhà Trắng muốn giải quyết với TQ. Gần 80% lượng dầu nhập khẩu của TQ đi qua vùng biển này. Để độc chiếm tuyến hàng hải quan trọng này, TQ tuyên bố "có chủ quyền" khoảng bốn phần năm của Biển Đông, và đang xây dựng trái phép căn cứ quân sự trên các đảo của cả Việt Nam và Philippines.

Tổng thống Mỹ Barack Obama từ đầu năm đến nay nhiều lần yêu cầu TQ ngừng gây hấn ở khu vực này, bằng cách dừng cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép. Ô nhiễm môi trường là vấn đề thứ ba trong chương trình nghị sự giữa ông Obama và ông Tập.

TQ tạo ra gần một phần tư khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2012, gấp đôi so với Mỹ. Cuối cùng, an ninh mạng trở thành mối quan tâm của Mỹ khi ngày càng nhiều vụ việc cho thấy TQ gia tăng chiến tranh mạng. mối quan tâm này tăng lên từ khi cựu điệp viên Edward Snowden tiết lộ trong năm 2013 về hoạt động gián điệp của TQ theo dõi từ các ngân hàng, quân đội, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chính phủ, có thể áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Bắc Kinh do những cáo buộc về hoạt động gián điệp mạng của TQ.

Phát biểu tại tiệc chào đón ở Seattle trong ngày đầu tiên của chuyến công du Mỹ, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nói: "Chúng tôi muốn chứng kiến sự hiểu biết và tin tưởng nhau hơn, ít nghi ngờ và thờ ơ hơn. Nếu chúng ta xung đột hay đối đầu, sẽ dẫn tới thảm họa với cả hai nước cũng như thế giới".

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng chưa thể có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập, do hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt. Nếu có chỉ là sự nhún nhường tạm thời để xử lý các khó khăn trước mắt, còn chiến lược bất biến của cả hai cường quốc này là: Mỗi bên đều muốn làm chủ vận mệnh của mình và có thể tự định hình ở thế kỷ XXI theo cách riêng.

 

LAM HỒNG/ DNSG