clock

Doanh Nghiệp

08:05 29-09-2017

Thương hiệu ngành dịch thuật – Kiếm củi ba năm…

“Xây dựng thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp ngành dịch thuật cần thời gian rất dài nhưng chỉ cần một sai sót nhỏ có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.” – CEO Phạm Mạnh Tân – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan

Dịch thuật – dễ “mở”, khó “giữ”

Không quá khó để tìm kiếm một đơn vị dịch thuật trên thị trường hiện nay. Chỉ cần tra Google là có hàng ngàn kết quả hiện ra. Tuy nhiên, tìm một đơn vị dịch thuật uy tín cho những tài liệu yêu cầu chất lượng cao lại là việc không hề đơn giản.

Theo nhiều người có kinh nghiệm trong nghề thì một đơn vị dịch thuật uy tín phải là những đơn vị có thâm niên, đã cho ra đời những sản phẩm dịch thuật chất lượng, có sự tham gia tư vấn, kiểm soát của các chuyên gia và người bản địa… Tuy nhiên ngay từ yêu cầu đầu tiên thì đã không có nhiều doanh nghiệp dịch thuật đáp ứng được.

CEO Phạm Mạnh Tân - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan

“Nhiều người nghĩ về ngành dịch thuật rất giản đơn. Đó là bạn giỏi ngoại ngữ thì bạn thành phiên dịch và bạn có thể nhận các tài liệu về dịch. Về lý thuyết thì là như thế nhưng thực tế thì rất khác. Dịch thuật đúng là dễ mở ra nhưng không dễ để duy trì, xây dựng uy tín và thương hiệu. Bản thân tôi khi mới bước chân vào nghề này 10 năm về trước cũng đã từng lao đao tới mức phá sản.” CEO Phạm Mạnh Tân chia sẻ.

10 năm về trước CEO Phạm Mạnh Tân trở về Việt Nam sau thời gian dài sống, học tập và làm việc tại Nga. Với vốn ngoại ngữ và quản trị được tích luỹ và rèn luyện tại nước ngoài, anh kết hợp cùng một người quen để mở trung tâm dịch thuật đầu tiên của mình tại Hà Nội.

Toàn bộ vốn liếng tích luỹ được của mình, anh sử dụng toàn bộ cho việc thuê mặt bằng, thuê nhân viên, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, làm bài bản theo những gì anh đã được học trong trường….Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, doanh nghiệp của anh phá sản.

 “Sản phẩm dịch thuật nó rất đặc biệt, nếu bạn dịch sai hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Nó có thể phá vỡ một hợp đồng kinh tế giá trị nhiều tỷ đồng, khách hàng có thể bị từ chối visa chỉ vì lỗi dịch thuật… Chính vì vậy, nếu bạn không kiểm soát được chất lượng dịch thuật sẽ rất nguy hiểm. Thời điểm đó, tại công ty, mình thì giỏi tiếng Nga, bác mở cùng mình giỏi tiếng Trung nhưng các ngôn ngữ khác mình lại chưa kiểm soát được về chất lượng. Cùng với đó là sự biến đổi linh hoạt của thị trường, nhân sự nên ngay sau 6 tháng thành lập thì doanh nghiệp đã gặp khó khăn, phải bù lỗ liên tục. Đến khi tròn 1 năm thì công ty phá sản.”

Mặc dù thất bại này đã mang đi toàn bộ vốn liếng của anh Tân nhưng lại mang về cho anh những bài học quý giá về việc điều hành, quản lý, kiểm soát và có góc nhìn thực tế về thị trường.

“Sau khi phá sản, tôi nhận được rất nhiều bài học nhớ đời. Đặc biệt nhất chính là vấn đề uy tín của đơn vị dịch thuật. Không cần biết doanh nghiệp bạn kinh doanh ra sao, dịch thuật theo các bước như thế nào. Nhưng quan trọng nhất bạn phải giữ được uy tín với khách hàng, đó là đảm bảo chất lượng bản dịch, đúng thời gian đã thoả thuận và phải xây dựng được mức giá cạnh tranh. Có như vậy thì bạn mới có được tệp khách hàng trung thành của mình.”

 

Uy tín ngành dịch thuật – minh chứng bằng thời gian

Theo nhiều nghiên cứu về các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong khoảng 5 năm đầu đi vào kinh doanh, các doanh nghiệp thường chú trọng nhiều tới việc tích luỹ tài chính, thu lợi ngắn hạn hơn là xây dựng những chiến lược phát triển bền vững. Tuy nhiên điều này lại là “tối kị” đối với ngành dịch thuật.

CEO Mạnh Tân cùng các chuyên gia và chuyên viên dịch thuật tại Ulytan

“Để có bản dịch chất lượng, công ty dịch thuật phải đầu tư không nhỏ. Đầu tiên là phải tuyển dụng được các chuyên viên dịch thuật chất lượng cao nên mức lương không thể thấp, ngoài ra còn phải đào tạo bổ sung. Thứ hai là phải mời các chuyên gia, người bản địa tư vấn, kiểm soát chất lượng bản dịch. Vì vậy nếu xác định lợi nhuận ngắn hạn thì doanh nghiệp dịch thuật không thể tồn tại được.” anh Tân chia sẻ

Có lẽ vì lý do này mà các đơn vị dịch thuật có thâm niên trên thị trường hiện nay số lượng còn rất hạn chế.

Theo nhiều nhân viên tại Ulytan kể lại, khi khởi nghiệp lại lần thứ hai sau khi phá sản, anh Tân chỉ còn trong người 1 triệu đồng. Anh phải vay bạn bè, người thân để có tiền thuê mặt bằng, nhân viên. Thậm chí thời gian đầu anh vừa là giám đốc, vừa kiêm luôn thợ sửa máy tính, lau dọn vệ sinh, giao nhận tài liệu, thu tiền… Tuy nhiên vấn đề về chất lượng bản dịch chưa bao giờ anh lơi là.

“Điều này cũng là rút kinh nghiệm từ lần khởi nghiệp trước, mình muốn theo ngành này thì mình phải chú trọng về thương hiệu và uy tín. Nói thật là trong hơn 1 năm đầu cả tháng ăn mỳ gói là chuyện bình thường (cười). Vì tiền về là phải đầu tư vào mời các chuyên gia, người bản địa về tư vấn, đào tạo và kiểm soát. Trong khi đó, thời gian dịch và giá cả với khách hàng vẫn phải giữ ổn định.” Anh Tân kể lại.

Sự khắt khe về quy trình dịch thuật khiến cả tập thể Ulytan luôn phải cố gắng và nỗ lực cao độ. Tuy nhiên, thành quả thu được sau gần 10 năm gắn bó với ngành dịch thuật, đó là thương hiệu Ulytan luôn được khách hàng đánh giá cao, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các đơn vị khó tính khi cần dịch các tài liệu quý, như bộ Giáo trình về y tá điều dưỡng 2000 trang của Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, cuốn Criminology hơn 1000 trang về tội phạm học của Học viện cảnh sát nhân dân hay các Giáo trình kinh tế, chính trị của Học viện Tài chính…

Theo anh Tân, nghề dịch thuật là một nghề “khó tính”, để bắt đầu thì rất dễ nhưng giữ gìn và theo đuổi là cả một hành trình dài, khó khăn và cần sự tập trung tối đa của cả một tập thể. Vì vậy mà nhiều chuyên gia gọi đây là nghề “kiếm củi ba năm” bởi chỉ cần lơi là để xảy ra sai sót thì thương hiệu và uy tín có thể “thiêu trong một giờ”. Đó chính là lý do mà các đơn vị dịch thuật có thâm niên luôn được người trong giới và khách hàng trân trọng.

CEO Mạnh Tân tham gia chương trình CEO – Chìa khóa thành công trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với HoanggiaMediaGroup và Tập đoàn Novaland thực hiện)