clock

Thị Trường

14:09 11-11-2015

Thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thanh long: Đủ chiêu trò chèn ép, làm giá

Theo nhiều nông dân, đa phần các cơ sở thu mua, XK thanh long vừa mọc lên gần đây đều có bàn tay tham gia của các thương nhân Trung Quốc (TQ) núp bóng. Nhiều cơ sở người TQ trực tiếp đứng ra quản lý điều hành...

Hiện nay có đến 80% sản lượng thanh long huyện Châu Thành (Long An) xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Do đó, một khi thâu tóm được phần lớn các vựa thanh long tại địa phương này thì thương lái Trung Quốc vô tư làm giá.

Nông dân đang gặp khó

Từ tháng 6/2015 đến nay, trái thanh long ở huyện Châu Thành rớt giá thảm hại. Thương lái thu mua thanh long với số lượng hạn chế, chọn lựa rất gắt nhưng trả giá lại quá thấp khiến thanh long bị ứ thừa nhiều. Để gỡ gạc chi phí đầu tư, nhiều nông dân chấp nhận đưa thanh long lên TP.HCM tiêu thụ với giá rẻ mạt 10.000đ/3kg.

Hiện tại, giá thanh long ruột trắng được thương lái mua xô chỉ 5.000 đ/kg, ruột đỏ 12.000 - 14.000 đ/kg. So với cùng thời điểm này năm 2014, giá thanh long đã giảm gần 2/3 giá trị.

Với giá thanh long hiện nay, chỉ những người trồng thanh long ruột đỏ là còn có lãi, còn người trồng thanh long ruột trắng thì chỉ hòa vốn. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện chỉ bằng 1/5 trên tổng số hơn 6.500 ha thanh long toàn huyện Châu Thành.

Gia đình ông Võ Văn Hùng, ấp Thanh Hòa, xã Thanh Phú Long (Châu Thành) có 1,5 ha trồng thanh long ruột trắng. Hai ba năm trước, giá thanh long duy trì ổn định trên dưới 12.000 đ/kg, gia đình ông năm nào cũng thu lãi trên 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, giá thanh long trên địa bàn huyện ngày càng rớt giá thảm hại. Có những thời điểm, thanh long của ông chỉ được thương lái mua xô tại vườn từ 1.000 - 2.000 đ/kg.

“Nghịch lý tồn tại ở chỗ, mỗi năm các cơ sở thu mua, sơ chế, xuất khẩu thanh long lại đua nhau mọc lên mà không hiểu sao giá cả lại càng đi xuống. Lẽ ra giữa các cơ sở này phải có sự cạnh tranh với nhau về giá, về vùng nguyên liệu. Nhưng đằng này, họ liên kết chặt chẽ với nhau, nhất là khâu giá cả nên người nông dân dường như không có lợi lộc gì?”, ông Hùng than vãn.

Theo nhiều nông dân, đa phần các cơ sở thu mua, XK thanh long vừa mọc lên gần đây đều có bàn tay tham gia của các thương nhân TQ núp bóng. Nhiều cơ sở người TQ trực tiếp đứng ra quản lý điều hành. Họ thường xuyên xuống tận các vùng trồng thanh long để nắm tình hình sản xuất, diện tích, sản lượng.

Cứ như thế, nông dân mình sản xuất thanh long diện tích bao nhiêu, năng suất, chất lượng như thế nào họ đều nắm cả. Sau đó, thông tin được “bắn” về cho các ông chủ và họ tha hồ ra sức chèn ép, làm giá thu mua.


Nông dân Châu Thành (Long An) đang lao đao vì giá thanh long xuống quá thấp.

Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Khắc Huy, GĐ Cty TNHH Hoàng Phát Fruit, một doanh nghiệp XK thanh long lớn nhất nhì huyện Châu Thành cho biết: “Thực tế từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc của doanh nghiệp chúng tôi tương đối thuận lợi. Giá thanh long được xuất đi dao động ổn định từ 10 - 11 USD/thùng 5kg, tương đương trên 40.000 đồng/kg. Với giá xuất đi như vậy, thường người nông dân có thể bán thanh long trên dưới 10.000 đồng/kg, giờ e là rất khó”.

Anh T, chủ cơ sở thu mua XK thanh long T.M cho biết thêm, trước đây doanh nghiệp của anh trực tiếp thu mua, đóng gói và vận chuyển thanh long ra biên giới, chờ khi có giá mới bán cho thương lái TQ.

“Lời lãi cũng có nhưng rủi ro rất cao. Toàn bộ hệ thống sân bãi, xe tải thu mua, nhân công, kho lạnh… của chúng tôi đều được họ trưng dụng. Còn tụi tôi chỉ đứng phía sau, làm chân rết mua giùm cho họ và hưởng chênh lệch theo số lượng cho chắc ăn, đỡ phải lo rủi ro như trước. Mua vào càng thấp thì các cơ sở này hưởng chênh lệch càng nhiều”, anh T bộc bạch.

Tung chiêu "bẩn"

Chưa bao giờ người dân Châu Thành lại hồi hộp, thấp thỏm bán trái thanh long như hiện nay.

“Buôn bán thanh long giờ chẳng biết đâu mà lần. Sáng sớm, chủ vựa thông báo họ mua xô với giá 6.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, nhưng chỉ đến 10 giờ sáng là giá xuống còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, ruột đỏ 14.000 đồng/kg thì giảm còn 12.000 đồng/kg. Buôn bán kiểu này, thương lái nhỏ mua đi bán lại như chúng tôi mất hết chữ tín với các nhà vườn, cũng có khi chúng tôi phải cắn răn mà bù lỗ”, anh Thanh, một lái buôn than phiền.

Với nhà vườn, do giá thanh long biến động thất thường thời gian gần đây đang gây không ít lo lắng, nhất là có thời điểm thanh long đột ngột rớt giá chỉ 2.000 đ/kg.

“Thời điểm trước, mỗi khi quyết định bán người dân còn nhìn hàng xóm có hàng chín không để cắt. Giờ chẳng ai để ý nữa, cứ nghe có giá chút đỉnh là cắt, còn xanh chút cũng không sao. Chứ mình giữ lại đợi cho chín đỏ, hôm sau có khi giá xuống thì lỗ thêm, hối hận không kịp. Người nông dân chúng tôi một nắng hai sương, làm ra sản phẩm đến khi đưa đi bán mà cứ như chơi trò đỏ đen, may rủi vậy đó”, ông Một, nhà vườn thị trấn Tầm Vu lắc đầu ngao ngán.

Nhưng với những tay chuyên kinh doanh mua bán thanh long có thâm niên thì đã quá quen với tình trạng này. “Một khi các vựa đã bán hoặc chấp nhận làm “chân rết” cho thương lái TQ rồi thì chẳng còn quyền hạn gì cả. Giá cả như thế nào là do họ quyết định, biết người dân mình chịu thiệt nhưng đành bó tay”, Hoàng, một “cò” thanh long thở dài.


Trước những “chiêu trò” ép giá thu mua, một thương lái Việt đành phải đưa thanh long về tìm mối mới tiêu thụ.

Theo “bật mí” của Hoàng thì muốn “làm xiếc” với giá thanh long, trước đây thương lái TQ chơi “bài” đặt hàng các vựa vào buổi sáng với số lượng lớn, nhưng đến khoảng 10 giờ sáng thì báo lại chỉ mua với số lượng ít.

Dù sáng sớm đặt 10 “công” nhưng đến trưa họ lại đổi ý chỉ mua 4, 5 “công”. Vì hai bên chỉ “hợp đồng miệng” với nhau nên thương lái người Việt đành bán tháo số hàng đã mua hồi sáng để gỡ vốn. Giá xuống thấp là điều tất nhiên.

Còn bây giờ, theo Hoàng thì họ chuyển sang “chiêu” mới hơn mà ngay cả những người trong nghề cũng ngao ngán. Hiện nay, thương lái TQ đã thâu tóm được khoảng 70% số vựa trên địa bàn huyện.

Nắm bắt được tâm lý của nhà vườn, các “ông chủ” người TQ chỉ đạo cho tất các vựa của mình đồng loạt nâng chung một giá vào buổi sáng nhưng chỉ mua với số lượng rất ít, chờ đến chiều rồi bất ngờ hạ giá. Nhiều nhà vườn thấy giá cao vội vàng cắt thanh long đem bán nhưng thương lái quay lưng không mua với nhiều lí do chê nào là trái nhỏ, nấm nhiều, chất lượng không đảm bảo…

Không thể “treo hàng” một khi đã cắt nên nhà vườn không còn sự lựa chọn nào khác đành ngậm ngùi bán với giá rẻ. Không chỉ nhà vườn mà cả các vựa do người Việt làm chủ cũng chịu thiệt hại không nhỏ trước những chiêu trò “làm giá” điêu luyện của thương lái TQ.

Trao đổi với PV NNVN, ông Trương Quang An, GĐ HTX thanh long Tầm Vu cho biết: Hiện nay còn rất ít các vựa người Việt XK trái thanh long sang thị trường TQ. Chủ yếu là làm sân sau, thu gom hàng cho thương lái TQ. Họ chọn cách này lời ít hơn nhưng an toàn.

Hằng tháng, HTX vẫn thực hiện việc làm ăn với các thương nhân TQ. Tuy nhiên, đối với các kho hàng mới mở do TQ làm quản lý thì phải hết sức cảnh giác. Thực hiện buôn bán chuyến hàng nào là phải “tiền trao cháo múc” ngay, không cho nợ.

 

Theo Báo Nông nghiệp VN