clock

Doanh Nghiệp

05:16 02-11-2016

Thụt chân nghìn tỷ, đại gia thoi thóp rồi chìm nghỉm

Hàng loạt các doanh nghiệp lớn nổi tiếng một thời giờ đây chỉ còn là chiếc xác, ngập chìm trong thua lỗ và có rất ít cơ hội để phục hồi.

CTCP Việt An - Anvifish (Upcom: AVF) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 với rất ít tín hiệu cho thấy DN này có thể hồi phục. Anvifish lỗ quý thứ 11 liên tiếp với mức lỗ quý này lên tới gần 450 tỷ đồng và doanh thua khiêm tốn: gần 38 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là hoạt động khác trong kỳ mang đến cho AVF một khoản lỗ khổng lồ: 430 tỷ đồng. Đây chính là khoản tài sản chờ xử lý phát sinh từ cuối 2014 giờ được chuyển thành chi phí khác.

Ông lớn thoi thóp

Tính trong cả 9 tháng, AVF đạt doanh thu thuần chưa tới 100 tỷ đồng trong khi lỗ ròng gần 500 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn bằng với tổng nợ và đã lên tới gần 1,7 nghìn tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Vốn điều lệ nhỏ bé hơn 430 tỷ đồng không còn mấy ý nghĩa khi mà vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm tới hơn 1,2 nghìn tỷ đồng.

Vào thời kỳ đỉnh cao 2010, rất ít NĐT có thể tin được rằng, giá cổ phiếu AVF sẽ xuống chỉ còn bằng 1/10 giá một cố trà đá. Từ mức giá lên tới 20.000 đồng/cp, AVF giờ chỉ còn 300 đồng (so với mệnh giá 10.000 đồng/cp).

Trước đó, năm 2014, AVF từng gây sốc với khoản lỗ gần 900 tỷ đồng do trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Những tin xấu như: sự việc mất liên lạc với chủ tịch kiêm TGĐ Lưu Bách Thảo (do đi nước ngoài chữa bệnh) rồi việc 80% thành viên HĐQT từ nhiệm, 3 lần thay đổi TGĐ… báo hiệu nhiều bất ổn tại công ty.

Một doanh nghiệp khác oanh liệt một thời giờ cũng đang ngụp lặn trong khó khăn là: CTCP Nam Việt - Navico (ANV).

Vốn là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sàn cùng với Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG) nhưng giờ đây, rất ít người còn nhớ tới Navico, trong khi đó bà chủ Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh đã lọt top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, còn ông chủ thủy sản Hùng Vương Dương Ngọc Minh có túi tiền phình to nhờ giá cổ phiếu bay cao.

Doanh nghiệp này bắt đầu thành công trong công cuộc tấn công thị trường Nga, mua lại hệ thống phân phối thủy sản của 1 doanh nghiệp Nga…

Từ mức giá có lúc lên tới 60 ngàn đồng (đã điều chỉnh), ANV giờ chỉ còn khoảng 7.000 đồng/cp. Ông “vua cá tra” một thời giờ đây chìm vào quên lãng. Doanh nghiệp số 1 về xuất khẩu thủy sản một thời giờ chỉ còn là 1 doanh nghiệp khá tầm thường.

Cổ đông khóc ròng

Ở lĩnh vực vận tải biển, một tên tuổi lừng danh: Vận tải Biển Bắc - Nosco (NOS) cũng vừa công bố lỗ thêm 37 tỷ đồng trong quý 3, nâng tổng lỗ lũy kế lên 3,3 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2016, doanh nghiệp này dự kiến lỗ khoảng 450 tỷ đồng.

Doanh thu quý 3 của đơn vị này giảm mạnh chỉ bằng khoảng 50% cùng kỳ năm trước và còn thấp hơn cả lãi vay phải trả.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng nhưng tổng nợ lên tới gần 4,8 nghìn tỷ đồng (nợ ngắn hạn gần 2,7 nghìn tỷ đồng), vốn chủ sở hữu âm hơn 3 nghìn tỷ đồng và vốn hóa thị trường chỉ còn hơn 6 tỷ khi mà giá cổ phiếu chỉ còn 300 đồng/cp.

Khả năng phá sản của Nosco giờ đây lớn hơn bao giờ hết và NOS được xem là quả bom nổ chậm với nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Đội tàu lừng danh của Nosco giờ đây trở thành gánh nặng khó chống đỡ bởi giá trị đầu tư quá lớn trong khi khấu hao chưa được bao nhiêu. Giải pháp bán tàu cũng khó có thể thu lại vốn cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Trước đó, giới đầu tư cũng từng chứng kiến sự sụp đổ của một tên tuổi lừng danh trong ngành vận tải biển: Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP). Từng là cổ phiếu hấp dẫn và đắt giá nhất trên TTCK, VSP đã trở thành “con tàu ma” và buộc phải tạm dừng hoạt động hồi cuối tháng 3 sau 5 năm tái cấu trúc không thành.

Giới đầu tư cũng chứng kiến khá nhiều cổ phiếu nổi danh một thời giờ mất bóng theo các ông chủ như: ALP của CTCP Alphanam, Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), “họ” Sông Đà, dầu khí, Vinaconex.

Phân tích hoạt động của các doanh nghiệp nói trên, ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của Công ty CP chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng sự suy sụp của các doanh nghiệp nổi tiếng nói trên có nhiều lý do nhưng tựu chung là ở vấn đề đầu tư không hiệu quả.

“Nó thể hiện ở chỗ, lỗ lũy kế của các doanh nghiệp này đều rất lớn, âm luôn cả vốn chủ sở hữu và khả năng hồi phục hầu như không đáng kể”, ông Trí chia sẻ.

“Lý do khách quan có, chủ quan có, nhưng cái chính là nội tại của doanh nghiệp. Tình hình sản xuất kinh doanh cũng không sáng sủa. Cơ cấu nợ xấu và tái cơ cấu kéo dài không thành.

Câu chuyên tái cấu trúc liên quan tới nhiều vấn đề, từ triển vọng hồi phục cho tới quan hệ lợi ích giữa các bên tham gia tái cơ cấu.

Đó là chưa kể tới hậu quả của việc một số doanh nghiệp chỉ chăm chăm đưa cổ phiếu lên sàn để hút tiền từ cổ đông”, chuyên gia này chia sẻ.

Đại diện một CTCK ở Hà Nội cho rằng giải pháp cổ phần hóa nợ, chuyển nợ thành cổ phần được đề xuất gần đây là một phương án tốt nhưng với những doanh nghiệp “mất bóng, chìm xuống” như đề cập ở trên thì không dễ.

Ngân hàng có lẽ chỉ có thể chấp nhận chuyển nợ thành cổ phần đối với các doanh nghiệp có triển vọng hồi phục, sản xuất kinh doanh có hiệu quả…

Trên thực tế, không ít các doanh nghiệp như những con tàu ma, như đã chết mà vẫn dập dềnh trôi dạt. Những quả bom nổ chậm có thể sẽ góp phần khiến các ngân hàng lao đao.

Nhưng nó cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư khuynh gia bại sản bởi cổ phiếu được bán ra với giá cao ngất ngưởng. Nhà đầu tư bỏ tiền ra nhưng doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

theo Vietnamnet