clock

Thị Trường

05:04 16-06-2017

Tiêu thụ đồ dùng mùa hè ở các vùng khác nhau như thế nào?

Hè đến, người Việt Nam thường thay đổi thói quen sử dụng và tiêu thụ sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu và sở thích trong những ngày nắng nóng, những chuyến du lịch và các hoạt động ngoài trời.

Theo Báo cáo Market Pulse hàng quý của Nielsen Việt Nam, mùa hè được coi là mùa bán hàng quan trọng thứ hai và là mùa cao điểm của năm sau dịp Tết ở miền Bắc và miền Trung cho các sản phẩm Nước giải khát, Sữa và Chăm sóc cá nhân.

Dữ liệu bán lẻ của Nielsen cho thấy, mức bán hàng trung bình mỗi tháng vào mùa hè so với mùa Tết được quan sát thấy ở mức cao đáng kể.

Giả sử doanh số bán hàng trong dịp Tết là 100 USD, doanh thu mùa hè bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 cho toàn bộ ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lần lượt tương ứng là 87 USD, 89 USD và 90 USD cho các khu vực miền Bắc, Trung và Nam Bộ.

Khi xem xét các nhóm hàng cụ thể như Nước giải khát, Sữa và Chăm sóc cá nhân, kết quả bán hàng trong mùa hè tương đối cao so với 6 tháng còn lại trong năm. Đối với Nước giải khát (kể cả bia), doanh thu trung bình vào mùa hè là 91 USD cho cả miền Bắc và Trung, so với 84 USD trong 6 tháng còn lại.

Doanh số còn tích cực hơn cho sản phẩm Sữa và Chăm sóc cá nhân. Doanh số bán hàng trung bình ở miền Bắc là 108 USD đối với Sữa và 104 USD cho Chăm sóc cá nhân, thậm chí còn cao hơn số bán vào dịp Tết.

Nhu cầu mùa hè còn giúp tăng doanh số tiêu thụ cho nhiều ngành hàng. Khi so sánh doanh thu trung bình của các tháng trong năm so với các tháng hè, thì ngành hàng Nước giải khát như nước uống thể thao, trà đóng hộp, nước đóng hộp, và bia thường đạt đỉnh trong mùa hè.

Thậm chí các nhóm hàng được coi là ổn định hơn như sản phẩm Chăm sóc cá nhân (dầu gội đầu và sản phẩm vệ sinh cá nhân) và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, sữa đóng hộp) cũng cho thấy sự tăng trưởng theo mùa trong những tháng hè.

 

theo Bizlive