clock

Trong Nước

13:55 02-12-2015

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2015 qua lăng kính của Ngân hàng Thế giới

Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài với tăng trưởng GDP ước tính đạt mức 6,5% trong năm nay.

Mức tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ đạt được trong năm nay phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Ảnh: Bloomberg

Trong báo cáo Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt NamNgân hàng Thế giớinhận định kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài với tăng trưởng GDP ước tính đạt mức 6,5% trong năm nay

Mức tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ đạt được trong năm nay phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

“Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kì trung hạn của Việt Nam,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định. 

Báo cáo cũng cho biết, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn đã giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng.

Tính chung trong năm 2015, tiền đồng đã mất khoảng 5% giá danh nghĩa, và gần 3% giá thực tế so với đồng USD.
Ngân hàng Nhà nước còn hạ lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD và siết chặt quản lý các giao dịch bằng ngoại tệ giữa các tổ chức tài chính nhằm tránh đầu cơ và găm giữ ngoại tệ. Biện pháp này phần nào đã ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Về ngoại thương, kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì, cụ thể tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kì năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, điện tử và máy tính. 

Theo báo cáo, viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực - dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn, và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khoá sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công. 

Trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, cần đảm bảo quản lý kinh tế vĩ mô tốt thì mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai.

Tiếp tục củng cố tài khoá, đẩy nhanh cải cách cơ cấu, và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi. 

Cụ thể, giá dầu giảm và cắt giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp đã dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2015. Thu nhập từ bán dầu giảm 35% so với cùng kì năm ngoái, doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu giảm lần lượt 19% và 2% do giảm thuế suất. 

 

Ngân hàng Thế giới nhắc lại vấn đề nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong vài năm gần đây. Mức độ thâm hụt lớn đã gây quan ngại về bền vững tài khoá trung hạn và nợ công.
Tổng nợ công của Việt Nam đã tăng mạnh từ mức 51,7% năm 2010 lên khoảng 61,3% GDP năm 2015, nhanh chóng tiến tới mức trần cho phép 65% GDP.
Dựa nhiều hơn vào các nguồn vay trong nước sẽ giảm bớt rủi ro tỷ giá nhưng lãi suất vay lại bị tăng và thời hạn vay các khoản nợ công bị rút ngắn.
Tỷ trọng nợ trong nước so với tổng nợ công đã tăng từ 45% năm 2010 lên 53% năm 2014. Nguồn vốn dài hạn khá hạn chế, thể hiện thực tế rằng thị trường vốn nội địa chưa phát triển và có ít người tham gia, chủ yếu là các ngân hàng. Vì vậy đảm bảo trả nợ sẽ là một gánh nặng đối với ngân sách.

Theo Bizlive