clock

CUỘC SỐNG

08:31 05-10-2022

Top 3 ngành nghề ra trường có thu nhập ổn định và bền vững

Đây là những công việc có tính chất và thu nhập ổn định.

Khi lựa chọn công việc, ngoài dựa theo mức thu nhập, bạn còn cần đánh giá trên nhiều tiêu chí khác. Trong số đó, không thể không quan tâm đến tiêu chí tính chất công việc. Nhiều người mong muốn tìm một công việc có sự ổn định lâu dài, mức lương khá. Điều này tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến, có sự ổn định ngay cả trong biến cố, luôn đảm bảo quyền lợi bền vững.

Công việc ổn định với mức lương tương đối sẽ đem lại cho bạn một cuộc sống tốt nếu bạn biết cân bằng, quản lý đúng cách, cũng như có kế hoạch tài chính riêng để đầu tư phát triển sự nghiệp hay tích góp tài sản cho gia đình. Tuy nhiên, đặc thù của nhóm ngành nghề này yêu cầu bạn có tinh thần làm việc bền bỉ, dẻo dai, sẵn sàng gắn bó lâu dài, đôi khi chấp nhận sự nhàm chán trong công việc.

Dưới đây là 3 ngành nghề ra trường có tính chất và thu nhập ổn định. Các bạn trẻ có thể tham khảo và lựa chọn cho bản thân.

1. Kế toán

Nhiều người cho rằng, trong tương lai, máy móc sẽ sớm thay thế cho công việc tính toán bởi yêu cầu sự chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên, kế toán không phải là công việc đơn thuần tính toán mà liên quan đến quản lý dòng tiền của công ty/doanh nghiệp. Người làm nghề này liên tục phải đưa ra báo cáo, cũng như thực hiện một số tài liệu dựa theo đặc trưng lĩnh vực của doanh nghiệp. Bởi vậy, đây là ngành nghề có tính bền vững, khó bị thay thế.

Nghề kế toán là vị trí không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp/công ty. (Ảnh minh họa)

Thực tế ngày nay, khi nhiều công ty/doanh nghiệp được mở ra hoặc thay đổi để có sự phát triển tốt hơn thì kế toán càng là một vị trí không thể thiếu để đảm bảo dòng tiền có thể lưu thông ổn định. Đây là một trong những công việc có tiềm năng với nhu cầu tuyển dụng tương đối.

Đối với nghề kế toán, sinh viên ra trường nhận được mức lương dao động từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, tùy theo năng lực. Tuy nhiên, khi bạn trang bị đủ kiến thức, kỹ năng sẽ có cơ hội thăng tiến, mức lương lúc đó dao động từ 10 – 30 triệu đồng/tháng. Con số này có thể lên đến 80 – 100 triệu đồng/tháng đối với những người có chuyên môn cao, làm trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Nhân viên ngân hàng

Nhân viên ngân hàng hay giao dịch viên là nghề khó có thể bị thay thế bởi máy móc bởi đây là công việc yêu cầu giao tiếp, trao đổi và thực hiện các công việc liên quan đến giao dịch tài chính. Hơn thế, nhân viên ngân hàng còn phải làm nhiều loại báo cáo, đảm nhận trách nhiệm với KPI vô cùng linh hoạt.

Với sự phát triển của xã hội trong thời đại 4.0, tài chính là một trong những ngành nghề có vị trí vô cùng quan trọng. Bởi vậy, nhu cầu tuyển dụng đối bới ngành nghề này đang có dấu hiệu tăng để có thể tiếp tục vận hành cũng như đem lại sự phát triển cho các ngân hàng và dịch vụ tài chính.

Ảnh minh họa.

Vì vậy, kế toán là ngành nghề không chỉ có mức lương ổn định mà còn mang đến thu nhập tương đối cao nếu bạn có đủ khả năng. Mức lương đối với nhân viên ngân hàng bình thường dao động từ 8 – 18 triệu đồng/tháng. Đối với chuyên viên có kinh nghiệm 2 – 5 năm, mức lương có thể đạt từ 20 – 30 triệu đồng/tháng.

3. Giáo viên

Giáo dục là một trong những ngành không thể thiếu, đảm bảo mọi người được tiếp xúc với tri thức. Giáo dục cũng là ngành nghề nền tảng, là cơ sở để xây dựng và phát triển những ngành nghề, công việc khác. Bởi thế, nghề giáo viên luôn được moị người tôn trọng và có tính bền vững cao, không bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.

Nghề giáo viên là nghề khó có thể bị trí tuệ nhân tạo thay đổi. (Ảnh minh họa)

Nghề giáo viên có mức thu nhập ổn định, không quá cao, cũng không phải hot đối với giới trẻ. Hiện nhu cầu tuyển dụng công việc này được đánh giá không cao. Hơn thế, nhiều cơ sở còn đưa ra yêu cầu khắt khe mới có thể bắt đầu làm việc. Vì vậy, nếu muốn trở thành giáo viên, bạn cần đảm bảm chuẩn bị hành trang đủ tốt để có thể bước chân vào nghề.

Hệ số lương của giáo viên là con số luôn được tuân theo thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành. Mức lương cơ sở được áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Cách tính lương của giáo viên năm 2022 được tính như sau:

Lương giáo viên: lương cơ sở x Hệ số lương + Phụ cấp - Tiền đóng bảo hiểm.

Đối với giáo viên Mầm non, giáo viên hạng III áp dụng mức lương của viên chức loại A0, có hệ số lương từ 2,1 - 4,89; giáo viên hạng II áp dụng mức lương của viên chức loại A1, có hệ số lương từ 2,34 - 4,98; giáo viên hạng I áp dụng mức lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, có hệ số lương từ 4,0 - 6,38.

Giáo viên Tiểu học, THCS, THPT được tính lương theo 3 hạng chức danh nghề nghiệp là I, II và III. Chức danh giáo viên hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 - 4,98); hạng II áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,0 - 6,38). Mức cao nhất là hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 - 6,78).

Như vậy, chỉ cần biết hệ số lương sẽ tính được thu nhập chính xác của từng giáo viên.

Ngoài các công việc kể trên còn có một số ngành nghề khác mang tính ổn định như: Bác sĩ, lập trình viên, nhân viên thiết kế, tuyển dụng nhân sự,…

Xem thêm: Ngành nghề nào tạo ra nhiều tỷ phú nhất?

Theo Ứng Hà Chi

Tổ quốc