clock

SỰ KIỆN

05:54 07-09-2015

TPP - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù có những thách thức nhất định, song cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hơn công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như tận dụng tối đa những lợi ích mà TPP đem lại.

PGS., TS. PHẠM THỊ THANH BÌNH - VIỆN KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay có 12 nước tham gia (2015)(1). TPP có tham vọng cao về độ rộng và độ sâu của các cam kết. Ngoài các nội dung như mở cửa thị trường hàng hoá, tự do hóa lĩnh vực đầu tư, dịch vụ..., TPP còn đề cập tới nhiều vấn đề mới như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước...

Tham gia TPP, dù có những thách thức nhất định, song cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hơn công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như tận dụng tối đa những lợi ích mà TPP đem lại.

Những cơ hội và thuận lợi đối với Việt Nam

Theo đánh giá của giáo sư Peter A.Petri - Đại học Brandeis (Hoa Kỳ), Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Gia nhập TPP với 12 thành viên, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác. Tham gia vào TPP sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thuận lợi cơ bản, đó là:

Thứ nhấtmở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu nông sản

Gia nhập TPP, Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Hoa Kỳ và Nhật Bản. Với mức lương trung bình vẫn còn thấp so với một số nước khác trong TPP, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm xuất khẩu, bởi Hoa Kỳ và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu lớn. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên TPP đạt 58,41 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với các nước TPP, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn, xuất siêu tới 7/11 thị trường của TPP (khoảng 24,12 tỷ USD năm 2014 và 11,23 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2015). Thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm xuống 0% sẽ là cú hích mạnh cho xuất khẩu, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. TPP sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD trước năm 2025(2). Việt Nam tham gia TPP, xuất khẩu và GDP có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD, hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần toàn ngành dệt may. Khi TPP có hiệu lực, mức thuế xuất hàng dệt may từ Việt Nam sang thị trường này có thể giảm xuống gần bằng 0%, thay vì 17% (4-2015)(3).

Việt Nam là nước có thế mạnh trong nông nghiệp với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, có thể sản xuất nông nghiệp quanh năm. Ký kết TPP sẽ thúc đẩy đầu tư của các nước trong khối vào Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp.

Thứ hai, hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới và cơ hội mở rộng đầu tư

Mức độ mở cửa của thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam hiện còn thấp. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, do hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng vẫn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ chi nhánh và phòng giao dịch trên 100.000 người dân Việt Nam là 3,17, thấp hơn nhiều so với Thái Lan là 11,7; Indonesia là 9,59 và các nước OECD là 27(4). Mức độ phân bổ các chi nhánh và phòng giao dịch tại Việt Nam chưa đồng đều, chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Điều này làm tăng cơ hội cho các ngân hàng quốc tế tiếp cận thị phần khách hàng, ảnh hưởng tới thị trường tiềm năng của các ngân hàng trong nước.

Tham gia TPP chắc chắn sẽ thúc đẩy đầu tư của các nước vào Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của các nước trong TPP vào Việt Nam đạt 100,4 tỷ USD vốn đăng ký của những dự án còn hiệu lực (1988-2015), chiếm gần 40% tổng lượng vốn FDI của Việt Nam. Dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Mức tăng đầu tư sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định và tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác các lợi thế tiềm năng về nông nghiệp. Các công ty dệt may nội địa và nước ngoài sẽ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam để tận dụng cơ hội hưởng thuế xuất khẩu thấp vào TPP. Như vậy, ngành dệt may Việt Nam không chỉ nhận ưu đãi từ thị trường Hoa Kỳ, mà còn đạt giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi cung ứng. Gia nhập TPP sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thứ ba, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Tham gia TPP, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn được hưởng các ưu đãi hay đặc quyền về điều kiện tiếp cận vốn và quyền được bảo hộ. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời tạo sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng các quy tắc đối với doanh nghiệp nhà nước chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà không áp dụng đối với lĩnh vực dịch vụ, nghĩa là chính phủ các nước TPP không bị hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước cung ứng dịch vụ tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động tại các lĩnh vực có nguồn vốn lớn, được kỳ vọng cao trong việc cơ cấu lại (tài chính, viễn thông, y tế, giáo dục, phân phối,...) của Việt Nam không bị tác động chi phối của TPP nên áp lực đổi mới không cao. Việc gia nhập TPP sẽ giúp Việt Nam giao dịch thương mại tự do hơn, giảm sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế, giúp nền kinh tế minh bạch hơn.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Thỏa thuận TPP sẽ giảm đáng kể thuế nhập khẩu áp dụng cho các hàng may mặc Việt Nam vào thị trường các quốc gia thành viên, qua đó gia tăng cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan. Ngoài ra, TPP cũng quy định các hàng hóa Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thành viên TPP. Tuy nhiên, thời gian qua Việt Nam phần lớn phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu từ các nước và vùng lãnh thổ nằm ngoài TPP (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước trong khu vực ASEAN). Điều này sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, giúp giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện đang cung cấp rất nhiều nguyên vật liệu trong ngành dệt may Việt Nam.

Hiện ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may của Việt Nam yếu, nên nguyên phụ liệu, thậm chí một số loại vải phải nhập từ nước ngoài, phần lớn từ các nước ngoài TPP, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Nguồn thay thế từ các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gần như không có. Vì vậy, yêu cầu điều kiện xuất xứ "từ sợi trở đi" của Hoa Kỳ áp dụng trong TPP sẽ vừa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển nhưng cũng gây khó khăn ban đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Một số khó khăn, thách thức

Một là, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất.... Ngoài ra, xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa,… trở nên yếu. Quy mô doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường.

Tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt sự cạnh tranh quyết liệt. Các sản phẩm chăn nuôi của một số nước tham gia TPP đều theo quy trình sản xuất công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Hai là, tham gia TPP sẽ gặp phải thách thức về cạnh tranh, từ đó, có thể gây ra một số hệ quả về mặt xã hội. Tự do hóa thương mại quá đột ngột có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Việc giảm thu ngân sách từ giảm thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP là hệ quả chắc chắn và trực tiếp. Hơn nữa, giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn(5). Sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trong khi đó, các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.

Ba là, các nước tham gia TPP có xu hướng đàm phán nhằm giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn với yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến nông nghiệp đứng trước những khó khăn. Để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng vừa không bảo vệ được sản xuất trong nước. Các quy định về nước thải từ trại chăn nuôi hiện nay đang gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề xử lý nước thải đạt chuẩn sẽ dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp chăn nuôi tăng cao.

Bốn là, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ “nội khối”, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giầy. Việt Nam hiện chỉ chủ động được 20 - 40% nguyên liệu sản xuất ở các khâu, riêng da (gồm da thuộc và da nhân tạo) vẫn phải nhập khẩu tới 70%. Thậm chí, trong 10 doanh nghiệp da giày lớn nhất của Việt Nam chỉ có một đại diện nội địa, còn lại là liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

Do năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giầy Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc (nước không tham gia TPP). Vì thế, Việt Nam khó có thể đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP. Năm 2014, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và da giầy của Việt Nam là 4,69 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 32,9%; Hàn Quốc 16,97%; EU 5,8%. Trong khi các đối tác trongTPP (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc) chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, tương ứng là 4,76%; 5,59% và 0,87%. Nếu vượt qua và đáp ứng được quy tắc, Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi thực trạng là một nước gia công đơn giản, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Tóm lại, trải qua hơn 20 vòng đàm phán, TPP khi được ký kết là khu vực thương mại tự do lớn nhất (với 800 triệu dân, tổng GDP lên tới 28.000 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới). Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính thị trường, đẩy mạnh công cuộc cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng sang chất lượng và chiều sâu cũng như tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế./.

(1) Cho đến nay, đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP (bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản).

(2) Theo nhận định của ông Nigel Cory, Trưởng bộ phận Nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Nếu không có TPP, xuất khẩu may mặc của Việt Nam chỉ ở mức 113 tỷ USD.

(3) Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2014.

(4) Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, năm 2012.

(5) Tác động bất lợi này không quá nghiêm trọng do phần lớn các đối tác trong TPP đã có FTA với Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã và sẽ phải cắt giảm thuế theo FTA mà không phải chờ đến TPP.

Theo Tạp chí Cộng sản