Bất Động Sản
08:56 07-10-2015TPP sẽ là "đòn bẩy" đột phá cho BĐS thương mại
"Chúng ta cũng có thể kỳ vọng các thương vụ M&A trong lĩnh vực khách sạn, văn phòng, bán lẻ, kể cả BĐS nghỉ dưỡng, khu công nghiệp sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới".
Tóm tắt
Theo ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch Keller Williams Commercial Northern Việt Nam, sau khi TPP được ký kết thì cái mà người ta kỳ vọng nhất là BĐS thương mại sẽ tốt lên bao gồm khu công nghiệp, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ...bởi đây là hệ quả của việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Tối ngày 5/10 (tính theo giờ Việt Nam), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán. Theo đánh giá của các chuyên gia, TPP được ký kết sẽ mở rộng cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
TPP được là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. TPP bắt đầu từ một thỏa thuận giữa Singapore, Chile, New Zealand và Brunei đã có hiệu lực từ nhiều năm và nay thêm 8 nước nữa là Australia, Malaysia, Mexico, Canada, Peru, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản muốn đàm phán tham gia.
Thực tiễn đang chứng minh rằng, dường như các nhà đầu tư BĐS nước ngoài thính nhạy hơn các nhà đầu tư trong nước trong việc đón đầu các chính sách vĩ mô. Điển hình nhất mới đây, các quỹ đầu tư từ Nhật Bản và Mỹ đang ồ ạt đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Có thể kể đến như, quỹ Creed Group (Nhật Bản) cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment hay quỹ Global Emerging Market-GEM (Mỹ) mới đây cũng đã cam kết sẽ rót 20 triệu USD vào Công ty địa ốc Hoàng Quân.
Trước những tín hiệu tích cực của TPP lên thị trường BĐS Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch Keller Williams Commercial Northern Việt Nam.
Thưa ông, đàm phán TPP kết thúc, ông đánh giá thế nào về tác động của vấn đề này lên nền kinh tế nói chung?
Thông báo kết thúc đàm phán TPP và tiếp theo đây sẽ mất thời gian khoảng nửa năm đến gần 1 năm cho việc phê chuẩn và chính thức thực hiện. Thực sự chỉ cần tín hiệu kết thúc đàm phán thôi thì các nhà đầu tư quốc tế đã có sự dịch chuyển chính thức dòng vốn đổ vào thị trường Việt Nam. Trước đó, đã có những doanh nghiệp đi trước thì họ đã dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc về Việt Nam rồi.
Hiện tại, chúng ta có thể thấy, có một dòng vốn từ Nhật Bản đang đổ bộ vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Nhật đã đầu tư nông nghiệp sạch tại Nhật Bản và một số vùng ở Miền Bắc để trồng rau sạch rồi xuất ngược về Nhật. Người Nhật họ theo rất sát quá trình đàm phán TPP vì vậy họ cũng đã có những kế hoạch đầu tư từ trước.
Theo ông sau khi Hiệp định này được thỏa thuận và ký kết sẽ tác động như thế nào đến thị tường BĐS Việt Nam?
Sau khi TPP được ký kết thì cái mà người ta kỳ vọng nhất là BĐS thương mại sẽ tốt lên bao gồm khu công nghiệp, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ...bởi đây là hệ quả của việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Như chúng ta thấy để tận dụng thuế xuất đặc biệt ưu đãi và lao động giá rẻ ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp Nhật, Mỹ đã lên kế hoạch về chuyện chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam rồi xuất về Nhật Bản, xuất đi Mỹ... Các ngành được chuyển dịch nhiều nhất phải kể đến dệt may, sản xuất điện thoại, sản xuất ô tô....Việc dịch chuyển dòng vốn sẽ đẩy nhu cầu BĐS thương mại tăng lên.
Ông đánh giá như thế nào về dòng vốn đổ vào thị trường BĐS trong thời gian tới?
Dòng vốn này sẽ biểu hiện trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, họ sẽ phải xây dựng nhà máy, kho xưởng. Còn gián tiếp, khi họ đến Việt Nam họ sẽ tạo ra công ăn việc làm, tạo nhu cầu cho các ngành phụ trợ rồi các ngành dịch vụ. Như vậy, hệ thống dịch vụ phục vụ như khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và các loại dịch vụ khác sẽ phát triển theo.
Như vậy, chúng ta cũng có thể kỳ vọng các thương vụ M&A trong lĩnh vực khách sạn, văn phòng, bán lẻ, kể cả BĐS nghỉ dưỡng cũng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Một điểm chúng ta cần chú ý nữa là sau khi TPP thành công sẽ là đòn bẩy để cho thị trường BĐS khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Là một Công ty dịch vụ BĐS đến từ Mỹ, công ty đã có chuẩn bị gì để thâm nhập vào thị trường BĐS Việt Nam khi TPP được ký kết trong thời gian tới? Phân khúc BĐS nào sẽ là mục tiêu để các công ty đầu tư?
Để chuẩn bị cho việc này, chúng tôi đã chuẩn bị từ cách đây 2 năm với mạng lưới của công ty phủ rộng trên toàn cầu. Chúng tôi đã kết nối với các văn phòng tại Mỹ, tới đây là Nhật Bản, Thượng Hải nhằm tạo hệ thống khép kín để phục vụ cho nhà đầu tư quan tâm tới M&A và thâm nhập thị trường Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới sau Canada được Keller Williams cân nhắc nhượng quyền kinh doanh. Với thị trường Việt Nam, chúng tôi đã có cả một kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi tập trung vào phân khúc bất động sản thương mại gồm khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại - bán lẻ, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và công nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trí thức trẻ
Tin liên quan
- Vì sao bất động sản công nghiệp miền Bắc trở thành "thỏi nam châm" hút các gã khổng lồ công nghệ Mỹ, Hàn về làm "tổ"?
- Đất nền phân lô phía Nam diễn biến “lạ” cận Tết
- Cách sân bay gần nhất chỉ 10km, địa phương này sắp lên thành phố
- "Nhà trong ngõ diện tích 30-50m2 trở thành hàng hiếm và không thể có thêm trên thị trường, tăng giá rất mạnh"