clock

Trong Nước

12:53 06-10-2015

TPP và nỗi lo của dệt may

Dệt may đang được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập TPP tuy nhiên để hưởng ưu đãi thuế suất đòi hỏi hàm lượng TPP ở mức cao trong khi đó có tới 60-90% sản phẩm dệt của Việt Nam nhập từ các nước ngoài TPP.

Cơ hội, thách thức 50-50

Sau 5 năm đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất vào chiều tối ngày 5/10. Tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, trước câu hỏi của Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman liên quan đến việc đánh giá tác động của TPP đến kinh tế Việt Nam nói chung, ngành dệt may nói riêng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, kinh tế Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của ngành dệt may, khi tham gia TPP nghĩa là ngành dệt may của Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn.

Đồng thời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, sự phát triển của ngành dệt may mang lại lợi ích cho người nghèo vì ngành dệt may ở Việt Nam cần đến hàng triệu lao động.

Trong báo cáo mới đây của BSC dệt may cũng được điểm danh là một trong số những ngành hàng hưởng lợi nhất từ TPP, được miễn thuế, giảm thuế đáng kể khi tiếp cận thị trường các nước đối tác khác.

Theo thống kê, 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP. Chỉ tính nửa đầu năm 2015 xuất khẩu dệt may sang thị trường các nước tham gia TPP đã chiếm gần 70% trong  tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dự báo khi gia nhập TPP thị phần này còn tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, thách thức cũng đặt ra không ít đối với ngành hàng này vì điều kiện hưởng ưu đãi thuế suất đòi hỏi hàm lượng TPP ở mức cao trong khi có tới 60-90% sản phẩm dệt của Việt Nam nhập từ các nước ngoài TPP, cụ thể là Trung Quốc và Đài Loan.

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, TPP yêu cầu cao về xuất xứ là thách thức đối với doanh nghiệp dệt may vì xuất phát điểm của ngành dệt may đang yếu trong khâu nguồn tức là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu cho dệt may như vải, nhuộm… phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Do đó, bà Dung cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường sự liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất trong nước và những nhà sản xuất nguyên phụ liệu, tận dụng thành phẩm để làm nguyên liệu cho dệt may.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhận định, TPP đối với doanh nghiệp là cơ hội, thách thức 50-50. Trước những yêu cầu xuất xứ, cơ hội là tăng áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam, sẽ phải "cứng" trên thị trường của mình, không phụ thuộc vào nước ngoài.

"Chúng ta phải tập trung con người, đầu tư công nghệ và đầu tư thời gian để nghiên cứu, đầu tư tự sản xuất ra sản phẩm của mình. Nếu không làm được TPP sẽ là một thách thức, các tập đoàn xuyên quốc gia có vốn 100% nước ngoài sẽ chú ý đến cơ hội này", bà Huyền phân tích.

Cũng theo bà Huyền, việc giảm thuế đồng nghĩa việc người tiêu dùng cũng yêu cầu giảm giá trong khi nhà phân phối bán lẻ cũng muốn hưởng lợi nhuận nên phải chia làm ba. "Chúng ta nghĩ là cơ hội nhưng nếu cứ ngồi đấy chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà", bà Huyền nói.

Vốn ngoại dồn dập vào dệt may

Thời gian vừa qua, khi TPP đang trong quá trình đàm phán đã có một cuộc đổ vốn dồn dập của các doanh nghiệp vào lĩnh vực dệt may Việt Nam,

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 9 tháng vừa qua đã cấp phép cho dự án công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi. Đây là dự án được xem là lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại.

Như vậy, đến nay, chủ đầu tư này đã có 2 dự án ở Đồng Nai, nâng tổng vốn đầu tư lên tới 995 triệu USD, xây dựng trên diện tích 90 ha.

Kế đến là dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc) tại Bình Dương có vốn đăng ký 274 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may như xơ sợi tổng hợp, sản phẩm dệt kim, nhuộm, kéo sợi… Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam của công ty này sau 2 cở sở tại Trung Quốc và Đài Loan.

Lý do khiến đơn vị này quyết định đầu tư vào Việt Nam là nhằm đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên cạnh nguồn nhân công giá rẻ. Sau khi dự án hoàn thành, công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy giai đoạn 2 với quy mô từ 700 triệu đến một tỷ USD.

Cũng có vốn đầu tư khá lớn là dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hong Kong, Trung Quốc) với 300 triệu USD tại khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi (TP HCM) trên diện tích đất hơn 50ha chuyên sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.

Tại Bình Dương, dự án dệt may có vốn đầu tư lên đến 320 triệu USD của Công ty viễn đông Tân Thế Kỷ (Đài Loan) cũng đang lên kế hoạch triển khai trong thời gian tới.

 

TÂM AN