clock

Trong Nước

05:42 30-09-2015

Trả giá đắt cho nhiệt điện than?

Giá của nhiệt điện than nếu tính phí môi trường và thuế cacbon sẽ tăng cao hơn so với gió, mặt trời trong khi đó lại ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người.

Phát triển nhiệt điện than tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người. Ảnh: TL

Công nghệ lạc hậu Trung Quốc ồ ạt

Tại hội thảo "Than và Nhiệt điện than: Những điều chưa biết" diễn ra vào ngày 29/9 do Trung tâm Phát triển Sáng tại Xanh (GreenID) đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho biết hiện Việt Nam có 19 nhà máy nhiệt điện than được vận hành trong đó 2/3 nhà máy sử dụng nguồn than của Quảng Ninh.

Nếu thực hiện đúng theo Sơ đồ điện 7, tới đây sẽ có thêm 50 nhà máy nhiệt điện được xây dựng.

Tuy nhiên, bà Khanh cho rằng, để phát triển bền vững an ninh năng lượng, Việt Nam còn nhiều điều phải quan tâm. Đặc biệt trong bối cảnh ngành than không chỉ tăng khai thác mà còn phải nhập khẩu một lượng lớn từ nước ngoài trong đó có Trung Quốc.

Cùng việc nhập khẩu than, ngành than cũng nhập khẩu công nghệ lạc hậu của Trung Quốc khi các chủ đầu tư từ nước này trúng thầu nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam.

Theo đó, công nghệ khai thác than lạc hậu áp dụng tại các dự án sẽ gây tác hại đến sức khoẻ con người cũng như ảnh hưởng đến môi trường và Việt Nam phải chi thêm các khoản chi phí chống ô nhiễm môi trường, nguồn nước hay chi phí y tế.

Ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo cũng cho thấy, Việt Nam đang có những bước đi trái chiều khi nhiều nước trên thế giới chuyển từ việc tập trung khai thác sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo Việt Nam lại đặt mục tiêu tăng tỷ trọng của nhiệt điện than lên 50% vào năm 2030.

Trước câu hỏi với cách dùng hiện nay dự báo bao nhiêu năm nữa Việt Nam sẽ hết than, bà Khanh cho biết, theo quy hoạch ngành than có khoảng 38 tỷ tấn nhưng phần lớn vẫn đang nằm ở bể Đồng bằng sông Hồng.

Việt Nam đã có đề án phục vụ nhu cầu gia tăng nhưng vấn đề công nghệ, sử dụng công nghệ gì vẫn còn tranh cãi lớn.

"Thông tin mới nhất tôi có được, Vinacomin mới ký hợp đồng với một doanh nghiệp ở Úc để khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng nhưng chính công nghệ khai thác này đang bị kiện tại Úc", bà Khanh cho hay.

 Toàn cảnh hội thảo diễn ra vào ngày 29/9

Cũng theo bà Khanh, kết quả nghiên cứu cho thấy Đồng bằng sông Hồng có trữ lượng than lớn nhưng điều kiện khai thác chưa khả thi, cần phải khí hoá than nhưng chi phí rất lớn.

Bà Khanh cũng cho rằng, ngành than đang chịu áp lực đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn cho điện nhưng cung của than không chỉ cho điện mà chỉ sử dụng than cám nhưng mở rộng khai thác của Vinacomin cần đặt trong bối cảnh mới và xem xét kỹ lưỡng hơn.

Theo số liệu ước tính được đưa ra bởi GreenID than nội phục vụ việc phát điện sẽ không thể đáp ứng đủ trong thời gian tới và Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khối lượng than rất lớn, lên đến 46,7 triệu tấn vào năm 2020 và 157 triệu tấn vào năm 2030.

Chết yểu vì nhiệt điện than

Cũng tại cuộc hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước ở lĩnh vực này đều đưa ra các số liệu cảnh bảo sự nguy hiểm mà nhiệt điện than tạo ra.

Ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia nghiên cứu về than và ô nhiễm không khí - thành viên trong nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Havard dự báo, tại Trung Quốc, năm 2010, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than lên tới 1.230.000 người, Châu Âu là 240.000 người và Việt Nam là 31.000 người.

Ông Lauri Myllyvirta nhấn mạnh, tại Việt Nam, ô nhiễm không khí chính là lý do tăng nguy cơ tử vong. Người dân chịu gánh nặng bệnh đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, ung thư gan, ung thư phổi, sơ gan, ung thư dạ dày.

Đặc biệt, số lượng trẻ em bị viêm đường hô hấp dưới do sự phởi nhiễm PM2.5 ngành càng tăng lên do nhiệt điện than gây ra.

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc GreenID cũng cho biết, theo thống kê số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người/năm, dự báo nếu các dự án dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành thì con số này sẽ lên đến 25.000 người chết/năm.

"Trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển như hiện nay thì số người chết vì nhiệt điện than chắc chắn sẽ có xu hướng ngày càng tăng cao, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm về sức khoẻ của người dân", ông Sính cảnh báo.

Hiện tại Trung Quốc đang hạn chế phát triển nhiệt điện than, sự tăng trưởng nhu cầu điện đều đến từ nguồn nguyên liệu phi hóa thạch, chủ yếu là năng lượng tái sinh.

Tại Thái Lan cũng đã đưa vào vấn đề đánh giá tác động sức khoẻ trong đánh giá môi trường và đang trong quá trình thúc đẩy để luật hoá.

"Trong khi Việt Nam cũng đánh giá quan trọng nhưng quy định mới chưa rõ ràng, các Bộ vẫn chồng chéo giữa Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường", bà Khanh cho hay.

 

Tâm An/ Bizlive