clock

Doanh Nghiệp

08:35 25-11-2020

Trở thành tỷ phú nông dân từ những con vật lạ

Là những côn trùng có hình dáng kỳ dị hay tưởng chừng như bỏ đi thì nay được nhiều người tập trung đầu tư theo hình thức mới lạ và thu được doanh thu vài tỷ đồng/năm.

Những năm gần đây, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân được quan tâm nhiều hơn thì nhiều người đã có ý định khởi nghiệp theo hướng dân dã, tốt cho sức khỏe để thu hút nhiều tệp khách hàng.

Theo chia sẻ của một số tỷ phú nông dân, hầu hết trước đây họ đều là những cử nhân, thạc sĩ, thậm chí là du học sinh nước ngoài nhưng sau khi nhận thấy được tiềm năng của những con con vật dân dã đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa được nhiều người khai thác đem lại giá trị kinh tế cao nên đã quyết định bỏ tất cả về quê khởi nghiệp.

Chàng trai nuôi chim bồ câu đạt doanh thu 15 tỷ/năm

Anh Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1987 sống tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội sau khi du học ngành lập trình tại nước Nga, anh Phúc đã làm việc tại công ty máy tính có tiếng ở Hà Nội với mức lương 8 triệu đồng.

Sau vài tháng, công ty chuyển chế độ chuyên viên thành cử nhân bình thường, lương bổng giảm một nửa. Không đủ chi tiêu nên đã anh nghỉ làm về quê mở quán Internet, thi thoảng phụ bố mẹ chăm sóc đàn chim bồ câu nhỏ của gia đình.

"Khi tôi quyết định về quê nuôi chim, cả nhà phản đối gay gắt. Làng xóm bảo tôi là dở người, tốn bao nhiêu tiền của đi học lại về làm anh nông dân cực nhọc, thu nhập ba cọc ba đồng", anh Phú tâm sự.

Chia sẻ về thời gian đầu khởi nghiệp, anh Phúc cho hay đã phải vay mượn 60 triệu đồng và biến tầng 2 nhà mình thành nơi nuôi chim. Tiếp đó, anh mua 100 đôi bồ câu giống Pháp, Mỹ, Hà Lan, chứ không nuôi bồ câu ta như bố mẹ.

Bên cạnh việc thiếu kinh phí, vấn đề kinh nghiệm nuôi và chọn chim cũng là rào cản lớn đối với anh Phúc. Mới đầu kinh nghiệm chưa có, anh Phúc đã bắt chim ở nhiều nơi, chim lại chưa cứng cáp, chưa được tiêm phòng nên số lượng chim bị chết gần hết.

Sau khoảng 4 năm liên tục nhân giống, anh Phúc có được 2000 đôi chim bồ câu. Hiện giá chim bồ câu Pháp bán thịt bán dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/con, chim bồ câu Pháp bán giống giá 200.000 đồng/con, loại bồ câu Pháp mua về đẻ luôn có giá 450.000 đồng/con.

Với 9.000 đôi chim bồ câu Pháp, cho anh tổng doanh thu khoảng 15 tỷ đồng, trừ chi phí, anh bỏ túi được khoảng 3 tỷ/năm. Mỗi tháng đàn chim đã cho anh thu nhập khoảng 40 triệu/tháng. Đến nay, sau 12 năm anh đã có khoảng 9000 đôi chim bồ câu Pháp, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động, với 8 triệu đồng/tháng.

Bỏ làm luật sư trở thành "vua côn trùng" đất Bắc

Anh Lâm Ngọc Kiên, sinh năm 1988, sống tại Thường Tín, Hà Nội đã từng học tại trường Đại học Luật Hà Nội bắt đầu "bén duyên" với nghề nuôi côn trùng từ năm 2010. Khi đó anh đã đi ăn món châu chấu với một người thân ở Hà Nội, từ đó anh tự hỏi rằng tại sao châu chấu lại được lòng những người tại quán trong khi loại côn trùng này rất nhiều ở cánh đồng.

"Nhận thấy nhu cầu ăn uống và ẩm thực của người dân ở hiện tại và tương lai rất lớn nên tôi đã bắt tay vào nuôi các loại côn trùng phục vụ người mua. Ngay sau đó, tôi đã về nhà tìm tòi, nghiên cứu trên mạng và mua châu chấu về nuôi thử nghiệm nhưng đã thất bại do không biết cách nuôi và không có người chỉ dạy", anh Kiên nói.

Trở thành tỷ phú nông dân từ những con vật lạ  - Ảnh 2.

Từ bỏ ngành luật sư, anh Lâm Ngọc Kiên về khởi nghiệp với nghề nuôi côn trùng.

Kể lại những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp với côn trùng, bò sát, anh Kiên cho hay, mỗi loài nó có một tập quán sinh sống, chế độ thức ăn khác nhau.

Không chỉ nuôi dế, tại mô hình của anh Lâm Ngọc Kiên còn nuôi cả cà cuống, tắc kè, thằn lằn, thậm chí là cả bọ cạp với số lượng lên tới hàng trăm nghìn con.

Để nuôi được một con tắc kè bán ra thị trường sẽ phải mất thời gian ít nhất 6 tháng trở lên với giá hơn 500.000 đồng/con 2 lạng, tắc kè càng lớn giá trị càng cao. Sau khi trừ chi phí, anh Kiên thu về 1 tỷ đồng/năm.

Bỏ nghề giáo về bản, nuôi "thần kê", giá hàng chục triệu đồng/con

Anh Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1985 là một người dân tộc Mường sống tại Phú Thọ đã từng làm giáo viên và kinh doanh nhưng anh đã chấp nhận bỏ việc về nuôi loại gà quý để tồn đặc sản địa phương.

Do không đành lòng nhìn giống gà chín cựa quý hiếm đang đứng trước nguy có bị tạp giống, năm 2015, anh Đức đã bỏ việc trở về quê hương và quyết nuôi giống gà này với mong muốn đưa vật nuôi này thành đặc sản hàng hóa của địa phương.

Hướng khởi nghiệp của anh Đức ban đầu đã không được gia đình ủng hộ vì lí do anh còn trẻ, không có chuyên môn, không chỉ vậy trước đó tại địa phương anh đã có một số người nuôi loại gà này từng thất bại.

Trở thành tỷ phú nông dân từ những con vật lạ  - Ảnh 3.

Nuôi "thần kê" có giá hàng chục triệu đồng/con.

"Những hộ gia đình đã nuôi gà chín cựa tại thôn Tân Sơn trước đó đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng nên khi tôi có ý định khởi nghiệp với giống gà này đã bị gia đình phản đối vì sợ không tìm được đầu ra do giá quá cao", anh Đức kể lại.

Tuy nhiên, một thời gian sau đó, nhận thấy được tiềm năng của giống gà này nên anh Đức đã nhận được sự đồng ý từ mẹ anh.

Vì gà 9 cựa rất quý hiếm nên mỗi con gà chín cựa để làm cảnh sẽ có giá lên tới 20 – 50 triệu đồng. Không chỉ vậy, những con gà chín cựa nuôi lấy thịt cũng có giá từ 200.000 – 400.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó để mua.

Bán đến 3 triệu đồng/bình rượu rắn hổ mang, nông dân Vĩnh Phúc thu về tiền tỷ

Ông Nguyễn Văn Hùng sống tại Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc là người chuyên nuôi rắn hổ mang. Ông cũng là người ngâm rượu rắn, làm cao rắn và có thu nhập tốt từ nghề này.

Trở thành tỷ phú nông dân từ những con vật lạ  - Ảnh 4.

Công việc làm rượu rắn đã mang lại cho ông Hùng doanh thu có năm lên đến 1 tỷ đồng.

Mỗi năm ông Hùng bán hàng trăm bình rượu rắn. Mỗi bình có giá từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Rượu rắn mang lại doanh thu có năm lên đến một tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Hùng còn nấu cao rắn. Mỗi lạng cao rắn cũng có giá gần 1 triệu đồng/lạng.

Ông Hùng cho biết, cao rắn và rượu rắn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Cao rắn có tác dụng chữa bệnh thấp khớp. Có người dùng có thể bị dị ứng vì rượu nhưng cao thì không và cao cũng có tác dụng chữa bệnh như rượu.

Nuôi ngỗng sư tử, thu về hơn nửa tỷ đồng mỗi năm

Vào thời điểm năm 2015, ông Nguyễn Văn May ở xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã bắt tay nuôi 100 con ngỗng sư tử. Đến nay, đàn của ông đã có 500 con.

Theo ông May, loại ngỗng này cho sản lượng tốt, sức đề kháng tốt, thịt chắc - thơm - ngon. Các nhà hàng rất ưa chuộng thịt loại ngỗng này.

Trở thành tỷ phú nông dân từ những con vật lạ  - Ảnh 5.

Thêm vào đó, loài này dễ nuôi, ít bệnh và thức ăn rất dễ kiếm, giá rẻ. Ngỗng sư tử ăn rau, cỏ tươi, bắp… nên nguyên liệu thức ăn rất rẻ.

Ông May nuôi theo hình thức thả tự nhiên trong không gian rộng thoáng mát của ao vườn. Loài này tăng trưởng nhanh. Sau 10 tuần có thể cho trọng lượng gấp 40 - 50 lần so với lúc mới sinh. Trung bình mỗi con nặng tới 5 - 6 kg. Với những con 2 năm tuổi, chúng có thể nặng tới 10 kg.

Với 500 con ngỗng sư tử mỗi năm, ông May vừa bán trứng ngỗng, vừa bán thịt và con giống, mỗi năm ông thu về tầm 600 triệu đồng.