clock

Tài Chính

08:38 25-01-2016

Trong tương lai gần, Lãi suất sẽ giảm mạnh vì... Robot

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos-Thụy Sỹ, nhiều chuyên gia cho rằng nếu việc phát triển robot cũng như trí thông minh nhân tạo ngày càng tăng thì lãi suất có khả năng sẽ giảm.

Theo đó, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và thay thế bởi robot, ngày càng nhiều người sẽ mất việc cũng như bị trả lương thấp hơn, qua đó đẩy mức giá chấp nhận mua của người tiêu dùng đi xuống.

Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ mới khiến năng suất tăng cao, hàng hóa được sản xuất nhiều hơn với chi phí thấp hơn, qua đó đẩy giá sản phẩm xuống.

Hai yếu tố chủ chốt này sẽ khiến giá hàng hóa cũng như lạm phát tăng chậm, qua đó khiến các ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất để tăng cường đầu tư tiêu dùng trong nền kinh tế.

Hiện nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu tại WEF đều tỏ ra khá quan ngại trước khả năng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến lực lượng lao động, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, hạ mức lương cũng như nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với những lao động phổ thông.

Theo dự đoán, thế giới sẽ mất khoảng 5 triệu việc làm vào năm 2020 tại 15 nền kinh tế phát triển và mới nổi chủ chốt. Tuy vậy, quá trình thay đổi này sẽ diễn ra từ từ.

Đầu tiên, những người được nhận vào làm mới sẽ có mức lương thấp hơn. Dần dần, khi công ty và các doanh nghiệp nhận ra việc sử dụng robot và công nghệ mới có lợi về chi phí hơn, họ sẽ sa thải bớt nhân viên.

Trong khoảng 1996-2003, sự bùng nổ của Internet và những công nghệ mới đã khiến năng suất tăng chóng mặt tại Mỹ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải giữ lãi suất ở mức gần 0% lâu hơn dự kiến.

Ngân hàng Bank of America đã có những tính toán và ước tính rằng việc phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) cũng như ứng dụng robot vào công việc có thể thúc đẩy năng suất tăng 30% tại nhiều nền kinh tế.

Biến động lớn

Việc lạm phát bị giữ ở mức quá thấp có thể tác động mạnh đến xã hội cũng như chính trị của nhiều nước.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1760-1840), những thay đổi trong công nghệ sản xuất đã ảnh hưởng đến quan điểm của các cử tri cũng như gây ra nhiều biến động chính trị thời kỳ đó.

Chuyên gia từng đoạt giải Nobel, ông Edmund Phelps nhận định quá trình thay đổi này có thể sẽ rất “đau đớn” và diễn ra trên diện rộng. Việc có lợi thế cạnh tranh khi ứng dụng công nghệ mới sẽ khiến nhiều công ty, nền kinh tế áp dụng chúng nhanh hơn.

Rõ ràng, cuộc cách mang này đã là một xu thế và ông Phelps cho rằng chính phủ nhiều nước nên chuẩn bị cho sự biến đổi này. Theo đó, họ nên có biện pháp phân phối lại tiền thuế giữa những người hưởng lợi nhiều nhất và chịu thiệt nhất từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã nghiên cứu và có các phương án chuẩn bị cho khả năng này. Vào tháng 11/2015, chuyên gia kinh tế trưởng Andrew Haldane của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã dự đoán công nghệ tự động hóa có thể khiến 15 triệu việc làm tại Anh biến mất trong thời gian tới.

Theo ông Haldane, sự chênh lệch ngày càng lớn giữa vị thế của nguồn nhân lực và nguồn vốn đang khiến người lao động dần mất đi tiếng nói cũng như bị giảm mức thu nhập. Hậu quả là tỷ lệ lạm phát tăng chậm hơn mức mục tiêu.

Chuyên gia kinh tế trưởng Paul Sheard của Standard & Poor cho rằng chính phủ và ngân hàng trung ương các nước cần xem xét lại các chính sách nhằm đối phó với khả năng xấu trên. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tỷ lệ lạm phát của nhiều nền kinh tế vẫn nằm dưới mức mục tiêu.

 

Theo Trí Thức Trẻ