clock

Thế Giới

08:22 10-08-2023

Trung Quốc: 16 triệu thanh thiếu niên bỏ lao động để sống cuộc đời ‘nằm thẳng’ khiến nhà trường bị ép chỉ tiêu sinh viên có việc làm

Một số ước tính cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc có thể đã lên đến 46,5% và nhiều trường đại học đang phải ép sinh viên tìm việc khi chưa tốt nghiệp để báo cáo chỉ tiêu.

Trung Quốc: 16 triệu thanh thiếu niên bỏ lao động để sống cuộc đời ‘nằm thẳng’ khiến nhà trường bị ép chỉ tiêu sinh viên có việc làm - Ảnh 1.

Trong lễ tốt nghiệp của Trường đại học khoa học công nghệ Chongquing (CMCST) tại miền Tây Nam Trung Quốc, những lời kêu gọi theo đuổi ước mơ thường được nhắc đến đã bị thay thế bằng câu chuyện thực tế hơn.

“Các bạn đừng kén chọn công việc nữa, cơ hội đang dần mất đi đấy”, Chủ tịch Huang Zongming của hội học sinh phát biểu trước hơn 9.000 sinh viên tốt nghiệp tháng 6/2023 của CMCST cảnh báo.

Theo tờ New York Times (NYT), số sinh viên tốt nghiệp kỷ lục trong năm nay ở Trung Quốc gia nhập thị trường lao động đang khiến tình hình trở nên khó khăn.

Trung Quốc: 16 triệu thanh thiếu niên bỏ lao động để sống cuộc đời ‘nằm thẳng’ khiến nhà trường bị ép chỉ tiêu sinh viên có việc làm - Ảnh 2.

Sự biến động của nhiều ngành kinh tế sau công cuộc chấn chỉnh của chính quyền Bắc Kinh đã khiến lượng việc làm khả dụng suy giảm cho giới trẻ và tạo nên nguy cơ bất ổn trong nền kinh tế-xã hội Trung Quốc.

Báo cáo chính thức trong tháng 6/2023 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc đạt kỷ lục 21,6%, tương đương cứ 5 người thì 1 người không có việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi 25-49 lại chỉ khoảng 4,1%.

Nhiều dự đoán cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong tháng 7 sẽ còn cao hơn khi lượng sinh viên mới ra trường tràn vào thị trường lao động.

Thậm chí theo giáo sư kinh tế Zhang Dandan của trường đại học Bắc Kinh, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc có thể còn cao hơn do nước này mới chỉ thống kê những lao động thất nghiệp chủ động tìm việc.

Điều này rất khác so với thống kê ở Mỹ khi tính toàn bộ những lao động khả dụng cần việc làm nhưng đang thất nghiệp, dù họ có chủ động tìm việc hay không.

Theo giáo sư Zhang, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ nước này có thể lên đến 46,5%.

Trên tạp chí Caixin được trích dẫn lại bởi tờ Nikkei Asian Review, vị giáo sư này nhận định khoảng 16 triệu thanh thiếu niên Trung Quốc đã tự động rút lui khỏi thị trường lao động để sống cuộc đời “Nằm thẳng” (Lying Flat), nghĩa là từ bỏ tham vọng sự nghiệp, chỉ làm nhàn nhã đủ sống cho qua ngày.

Trung Quốc: 16 triệu thanh thiếu niên bỏ lao động để sống cuộc đời ‘nằm thẳng’ khiến nhà trường bị ép chỉ tiêu sinh viên có việc làm - Ảnh 3.

Chính những đối tượng này không hề được tính vào thống kê thất nghiệp hiện nay.

Thậm chí tờ Fortune còn cho hay nhiều trường hợp bố mẹ chấp nhận “trả lương” cho con cái để ở nhà chăm sóc gia đình, làm một “đứa con toàn thời gian” (Full Time Children).

Cú hãm phanh rung chuyển

Theo NYT, nền kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ suốt 30 năm qua khiến ngày càng nhiều người dân theo học đại học để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Số lượng sinh viên cao đẳng, đại học ở Trung Quốc đã tăng mạnh từ 754.000 năm 1992 lên 10,1 triệu người năm 2022.

Năm nay, tổng số sinh viên tốt nghiệp dự kiến tại Trung Quốc là 11,6 triệu người, mức cao kỷ lục.

Trớ trêu thay, nền kinh tế Trung Quốc lại đang hãm phanh và điều này tạo nên những sự rung chuyển.

 

Việc chính quyền Bắc Kinh chấn chỉnh lại hàng loạt mảng kinh tế như bất động sản, công nghệ, giáo dục...dù có lợi ích lâu dài nhưng cũng gây ảnh hưởng đến khả năng cung ứng việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua.

Đầu năm 2020, tập đoàn công nghệ nổi tiếng Trung Quốc là Alibaba bị chính phủ điều tra, khiến hãng này phải sa thải 11.000 lao động, tương đương 5% nhân sự vào năm ngoái.

Thế rồi những ngành nghề từng tuyển dụng nhiều nhân lực như bất động sản, gia sư, nhân viên công nghệ...đều chịu ảnh hưởng.

Chưa dừng lại ở đó, việc ngày càng nhiều bạn trẻ Trung Quốc học cao hơn khiến họ “kén chọn” hơn về cơ hội việc làm, trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lại chưa thể tạo đủ công việc chất lượng cao cho số lượng lao động này.

Trung Quốc: 16 triệu thanh thiếu niên bỏ lao động để sống cuộc đời ‘nằm thẳng’ khiến nhà trường bị ép chỉ tiêu sinh viên có việc làm - Ảnh 4.

Thêm nữa, dịch bệnh cũng khiến mọi chuyện trở nên khó khăn. Báo cáo của Goldman Sachs về tình hình thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc có cảnh báo đây là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất khi nền kinh tế đi xuống bởi thiếu kinh nghiệm so với lao động có tuổi.

Căng thẳng

Trước tình hình đó, chính phủ Trung Quốc đang làm hết sức mình để giải quyết tình hình. Bộ giáo dục Trung Quốc đã cảnh báo các trường đại học rằng nếu tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên trường nào thấp hơn 60% trong 2 năm liên tiếp thì họ sẽ bị đóng cửa.

Tại tỉnh Hunan, phòng giáo dục địa phương đã ra thông báo yêu cầu các trường đại học lên giải trình nếu có hơn 20% sinh viên phải làm việc bán thời gian hoặc nghề tự do sau tốt nghiệp.

Ngoài ra do phần lớn các trường đại học Trung Quốc là được tài trợ vốn bằng ngân sách nhà nước nên chính quyền Bắc Kinh có thể gây áp lực rất lớn lên ban quản lý nhà trường thông qua phân bổ ngân sách nhằm đạt được mục tiêu.

Tất nhiên mục tiêu ban đầu của chính quyền Bắc Kinh là cổ vũ giới trẻ không kén chọn việc làm và chấp nhận chịu khó, chịu khổ để vươn lên. Thế nhưng tờ NYT cho hay với việc ngay cả kỳ thi công chức cũng cực kỳ khó khăn hiện nay thì không dễ để sinh viên mới ra trường xin việc.

“Cấp trên gây áp lực lên trường, còn trường học thì gây sức ép lên nhân viên”, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Emma Zhu của một trường đại học thuộc tỉnh Zhejiang ngao ngán nói.

Trung Quốc: 16 triệu thanh thiếu niên bỏ lao động để sống cuộc đời ‘nằm thẳng’ khiến nhà trường bị ép chỉ tiêu sinh viên có việc làm - Ảnh 5.

Cô Zhu cho biết công việc của mình giờ đây là đến các công ty nhằm thuyết phục họ nhân nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hơn, đồng thời hối thúc các bạn trẻ nộp hồ sơ nhận được lời mời việc làm trước khi tốt nghiệp để có thể báo cáo công tác.

Theo tờ SCMP, chính điều này đã khiến nhiều trường đại học làm giả số liệu để đạt chỉ tiêu, qua đó khiến tỷ lệ thất nghiệp thực tế trong giới trẻ Trung Quốc cao hơn so với báo cáo chính thức.

“Tôi nghĩ tình hình thất nghiệp thực tế của giới trẻ Trung Quốc tệ hơn là số liệu chính thức khi các trường đại học cố tình làm giả báo cáo. Nhiều trường hợp các trường còn đề nghị tuyển dụng chính sinh viên của mình nhằm đạt thành tích báo cáo cho cấp trên”, giáo sư Henry Gao của trường đại học quản trị Singapore (SMU) nói với SCMP.

Trên trang thương mại điện tử Taobao, nhiều dịch vụ cung cấp chứng nhận mời làm việc giả có đóng dấu và số đăng ký cho sinh viên mới tốt nghiệp chỉ với 17 USD nhằm làm giả báo cáo, bao gồm cả việc nhận các cuộc gọi kiểm tra của nhà trường và Bộ giáo dục hay thậm chí cung cấp cả hồ sơ nếu cần.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Bộ giáo dục Trung Quốc đã cam kết sẽ bắt đầu điều tra cũng như trừng phạt những trường hợp làm giả số liệu.

Cô Lucia Xu, một sinh viên 22 tuổi cho biết mình đã nộp hồ sơ lời mời nhận việc giả của một hãng xây dựng cho nhà trường nhằm tránh sự hối thúc liên tục. Thực tế là cô Xu đang tập trung ôn thi và chẳng có thời gian tìm việc nào hết.

“Nếu bạn không nộp hồ sơ đã nhận được lời mời làm việc thì nhà trường sẽ thường xuyên hối thúc bạn. Càng gần ngày tốt nghiệp thì họ càng gây áp lực nhiều hơn”, cô Xu nói với NYT.

*Nguồn: NYT, SCMP, Fortune