clock

Công Nghệ

13:23 29-11-2022

Trung Quốc đang sở hữu 1/3 bằng sáng chế về công nghệ 6G

Mặc dù ở nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa tiếp cận đến công nghệ kết nối di động 5G, thì Trung Quốc lại đang dẫn đầu về triển khai thế hệ không dây tiếp theo – 6G. Một báo cáo gần đây chia sẻ trên trang GizChina, nhà sản xuất thiết bị viễn thông và thiết bị cầm tay Trung Quốc - ZTE, cùng với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) của nước này đã chạy thử nghiệm mẫu một số công nghệ quan trọng cho việc tạo ra 6G.

Cụ thể, ZTE đã thực hiện 5 bài kiểm tra về công nghệ 6G: Mạng tự trị phân tán 6G và mạng song sinh kỹ thuật số; công nghệ quan trọng của mạng điện toán 6G; công nghệ then chốt 6G terahertz; Mẫu khái niệm công nghệ chính tích hợp nhận thức truyền thông 6G; công nghệ metasurface thông minh 6G.

Báo cáo cũng nói rằng, kết quả của các bài kiểm tra là khá tốt. Nhưng vẫn còn nhiều năm nữa để các quốc gia mới có thể nói về tiềm năng của mạng 6G như mạng 5G hiện nay. Bên cạnh Trung Quốc, hoạt động nghiên cứu 6G đang diễn ra ở Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Tại các bang của Hoa Kỳ, các công ty của Trung Quốc như Huawei và ZTE bị cấm hoạt động nên các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của xứ Cờ Hoa đang chuyển sang sử dụng sản phẩm công nghệ của Ericsson và Nokia. Hãng công nghệ Ericsson gần đây đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư hàng triệu bảng vào nghiên cứu công nghệ kết nối 6G ở Vương quốc Anh.

6G ​​sẽ ra mắt thương mại vào năm 2030

Năm ngoái, Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA) thông báo rằng, nước này đã sớm dẫn đầu về sở hữu trí tuệ liên quan đến 6G. Cũng theo CNIPA, trong số khoảng 38.000 bằng sáng chế liên quan đến 6G trên toàn thế giới, 13.449 tương đương 35% đến từ Trung Quốc. Hoa Kỳ đứng thứ hai với 18% bằng sáng chế 6G.

Ericsson được cho là đang tuân theo kế hoạch 10 năm sẽ ra mắt thương mại dịch vụ 6G, tức là vào khoảng năm 2030. Mặc dù các tiêu chuẩn cho 6G vẫn cần được thảo luận và thống nhất, một số người tin rằng tốc độ dữ liệu tải xuống có thể đạt 1Tbps (Terabits mỗi giây ) nhanh hơn 1.000 lần so với tốc độ 1Gbps (Gigabit/giây) mà mạng 5G mmWave có thể cung cấp. 6G cũng có thể nhanh hơn 100 lần so với 10Gbps, theo giả thuyết là tốc độ cao nhất có sẵn trên 5G.

Trung Quốc đang sở hữu 1/3 bằng sáng chế về công nghệ 6G - Ảnh 1.

Ericsson sẽ sớm công bố chiến lược về kế hoạch phát triển 6G. Katherine Ainley, Giám đốc điều hành của Ericsson tại Vương quốc Anh và Ireland, cho biết: "Chúng tôi sẽ thành lập một nhóm gồm 20 nhà nghiên cứu cấp cao ở Vương quốc Anh và cũng sẽ cung cấp kinh phí cho sinh viên. Trọng tâm ban đầu sẽ là bảo mật phần cứng và mạng 6G."

Cựu tổng thống Trump muốn các hãng công nghệ Mỹ sớm phát triển 6G

Vào tháng 2/2019, Tổng thống Donald Trump khi đó đã gửi một thông điệp kêu gọi các công ty công nghệ Hoa Kỳ bắt đầu làm việc trên nền tảng 6G. Thông điệp có nội dung như sau: "Tôi muốn công nghệ 5G và thậm chí 6G ở Hoa Kỳ càng sớm càng tốt. Nó mạnh hơn, nhanh hơn và thông minh hơn nhiều so với tiêu chuẩn hiện tại. Các công ty Mỹ phải đẩy mạnh nỗ lực của mình, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau."

Mặc vào thời điểm đó, có thể ông Trump đã không nắm bắt đầy đủ quy trình cần thiết để phát triển 6G, nhưng đó là lời kêu gọi các công ty công nghệ Hoa Kỳ đi đầu trong việc phát triển công nghệ này. Nhưng điều này một lần nữa đã không theo ý như muốn của cựu Tổng thống Donald Trump khi những bước phát triển ban đầu của 6G lại đến từ Trung Quốc.

Trước khi 5G hoạt động, giới chuyên môn kỳ vọng thế hệ mạng kết nối này sẽ góp phần kích hoạt các phương tiện tự lái, phẫu thuật từ xa (ví dụ như với bác sĩ phẫu thuật ở Los Angeles và bệnh nhân nằm trên bàn mổ ở London) và nhiều ứng dụng khác mà có thể còn chưa hình thành khái niệm. Vì vậy, thực sự không thể xem xét điều gì có thể xảy ra khi công nghệ 6G trở nên phổ biến. Tất cả những gì mà giới chuyên môn có thể khẳng định vào thời điểm này là tốc độ 6G nhanh hơn sẽ mang đến cho mọi người khả năng làm nhiều việc nhanh hơn bao giờ hết.

Theo Hoàng Thanh

Vnmedia