clock

Thế Giới

06:57 02-10-2015

Trung Quốc sẽ sáp nhập Đài Loan về đại lục trước năm 2022?

Chuyên gia Jin Canrong nhận định nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang nỗ lực nâng hình ảnh Trung Quốc trở thành một cường quốc trên thế giới và quyết tâm xử lý những rắc rối liên quan tới Đài Loan trước năm 2022.

Lực lượng đặc nhiệm Đài Loan tập trận.

Trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã ra tuyến bố về việc Trung Quốc sẽ cử 8.000 binh lính tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Theo Want China Times, người đứng đầu Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Renmin tại Bắc Kinh, chuyên gia Jin Canrong nhận định phát biểu của ông Tập là một “tín hiệu đầy táo bạo”, thể hiện mong muốn biến Trung Quốc trở thành một cường quốc sánh ngang với Mỹ.

Với tư cách là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, lâu nay, Trung Quốc đã điều động một lực lượng đông đảo nhân viên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở công tác hậu cần và chăm sóc y tế.

Năm ngoái là lần đầu tiên, Nga cử binh lính tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ. Do đó, theo ông Jin, tuyên bố của chủ tịch Tập mới đây về việc điều động 8.000 binh lính là một quyết định thể hiện tham vọng ngoại giao của Bắc Kinh. Bởi số lượng binh sĩ này tương đương với 2 lữ đoàn hoặc một sư đoàn và đủ khả năng tấn công một quốc gia nhỏ bé nằm ở châu Phi.

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 29/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng nhấn mạnh Trung Quốc “sẽ cân nhắc những yêu cầu trong tương lai của LHQ về việc điều động thêm nhân viên kỹ thuật, vận tải và y tế”.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ đào tạo cho 2.000 nhân viên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ đến từ các nước khác cũng như triển khai 10 chương trình hỗ trợ rà phá bom mìn trong 5 năm tới. Thậm chí, Bắc Kinh còn hỗ trợ quân sự với tổng trị giá 100 triệu USD cho Liên minh châu Phi trong 5 năm tới.

“Tất cả những việc làm trên cho thấy Trung Quốc đang đóng góp vai trò trách nhiệm ngày càng to lớn với cộng đồng quốc tế để đảm bảo nền hòa bình và an ninh thế giới. Nó còn thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình quốc tế và hỗ trợ sứ mệnh gìn gìn hòa bình của LHQ”, ông Hồng nói.

Tuy nhiên, theo ông Jin, để hiện thực hóa tham vọng nâng hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế, Bắc Kinh cần giải quyết những bất đồng trong nước. Cụ thể, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có thể sẽ giải quyết những “rắc rối liên quan tới Đài Loan bằng biện pháp hòa bình”, trước khi ông này kết thúc nhiệm kỳ Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2022.

Bắc Kinh hiện đang quan ngại là khả năng đảng Dân chủ tiến bộ sẽ quay trở lại nắm quyền lãnh đạo Đài Loan vào tháng 1/2016 dù lãnh đạo đảng và ứng cử viên Tổng thống Tsai Ing-wen nhiều lần khẳng định duy trì quan hệ xuyên eo biển.

Còn sau 7 năm chính quyền Quốc dân đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu thực hiện chính sách trên, dường như các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Đài Bắc và Bắc Kinh vẫn không thể khiến Trung Quốc từ bỏ ý định thống nhất Đài Loan về đại lục. Thậm chí, một số nguồn tin mới đây cho hay ông Tập Cận Bình đã tỏ ra vô cùng tức giận khi các nhà hoạch định chính sách về Đài Loan trong chính quyền Trung Quốc không thể giành được sự ủng hộ của người dân hai bên eo biển.

Ngay cả thông cáo chung sau cuộc họp của ông Tập với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước cũng đã “thể hiện quan điểm nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ từng bước tiến tới duy trì sự thống nhất của đại lục”.

Con về phần mình, Tổng thống Obama nhấn mạnh ông “cam kết ủng hộ mạnh mẽ Chính sách một Trung Quốc dựa trên 3 Thông cáo chung và Đạo luật Quan hệ Đài Loan”.

 

Theo Infonet/ Bizlive