clock

Công Nghệ

05:23 08-10-2015

Từ màn hình 4K đến 8K: Nhu cầu hay sự phô trương?

Công nghệ màn hình ở TV đã được đẩy lên độ phân giải 8K và ở smartphone là 4K. Đây là sự khoa trương về công nghệ hay nhu cầu thực tế của thị trường?

Khi giới công nghệ vẫn đang còn phấn khích với công nghệ màn hình 4K thì Sharp đã thương mại hóa công nghệ màn hình 8K trong mẫu TV LV 85001. TV 8K này có màn hình 85inch, độ phân giải 7.680 x 4.320 pixel, nét gấp 16 lần so với màn hình TV Full HD.

Để dễ hình dung, có thể hiểu mỗi khung màn hình sẽ chứa nội dung tương đương một bức hình 33,2MP. Với độ phân giải này thì người xem TV có cảm giác như thấy những gì đang diễn ra trong cuộc sống thực bởi cảm giác chiều sâu được tạo ra bởi độ phân giải siêu cao.

Samsung và LG đã từng trình diễn TV 8K tại triển lãm CES 2015 nhưng hiện chỉ có Sharp tung ra thị trường bản thương mại công nghệ này.

Trở ngại của việc phát triển TV 8K là mức giá. Chẳng hạn, LV 85001 của  Sharp có giá bán gần... 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nội dung 8K rất hạn chế, hay có thể nói là chưa có gì. Bởi vì, ngay cả nội dung dành cho công nghệ 4K cũng chưa phát triển.

Samsung mới là đối tác của Fox cho việc cung cấp nội dung ultra-HD Bluray, trong khi LG bắt tay với Amazon cho phép người dùng tiếp cận nội dung HDR.

Vì vậy, mẫu TV 8K đặc biệt dường như chỉ là sự phô trương ưu thế công nghệ của các hãng sản xuất TV Nhật Bản, đặc biệt là hướng tới Đại hội Olympic 2020 tại Tokyo.

Ngoài ra, Sharp hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của các hãng sản xuất của Hàn Quốc và Trung Quốc trên thị trường 4K. Sự ra đời của TV 8K sẽ giúp hãng điện tử Nhật Bản lấy lại vị thế dẫn đầu về giới thiệu các sản phẩm 8K đầu tiên trên thế giới.

Cũng với mục đích tương tự, Sony trở thành nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới cho ra đời chiếc điện thoại có màn hình 4K (Ultra HD). Sony gây bất ngờ là vì trước đó, hãng này mới chỉ sản xuất smartphone màn hình Full HD.

Hầu hết các thương hiệu lớn trong thị trường smartphone như Samsung, LG, HTC chỉ dừng lại ở công nghệ 2K cho các mẫu smartphone cao cấp nhất, hoặc chỉ là phiên bản giới thiệu.

Đối với đa số, công nghệ 4K trên smartphone chỉ là cuộc đua ở thì tương lai và sự gán ghép công nghệ này lên smartphone có tính chất "gượng ép". Công nghệ màn hình 4K trên smartphone gặp trở ngại về thời lượng pin và đòi hỏi bộ vi xử lý phải mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, từ lâu, 300 ppi là "con số ma thuật" vì nếu cầm điện thoại ở khoảng cách thông thường (25cm) thì võng mạc của người dùng không thể phân biệt được các độ phân giải trên 300 pixel mỗi inch. Vì thế, so với công nghệ Full HD và 2K, màn hình 4K trên smartphone không tạo ra sự khác biệt lớn.

Nhưng cuộc chiến công nghệ không bao giờ có điểm dừng và người dùng thì luôn đòi hỏi những công nghệ mới hơn, cao cấp hơn. Vì thế, sau Sony, chắc chắn các hãng đối thủ cũng nhảy vào cuộc đua cho những chiếc smartphone màn hình 4K để không bị chê là "tụt hậu".

Thực tế, theo SamMobile, kế hoạch chế tạo điện thoại với màn hình 4K Ultra HD đã được Samsung xác nhận. Chiếc smartphone siêu màn hình này sẽ có độ phân giải đạt 3.840 x 2.160, mật độ điểm ảnh đạt 800 ppi - nếu xuất hiện sẽ trở thành thiết bị cầm tay nét nhất thế giới.

Vì thế, IDC dự báo, công nghệ 4K với độ phân giải 3.840 x 2.160 pixel, vốn mới chỉ có trên TV và màn hình máy tính cao cấp, đã sớm gia nhập thị trường điện thoại và dự kiến sẽ phổ biến trong vòng 1 - 2 năm nữa.

Đặc biệt, công nghệ 4K sẽ phát huy ưu thế trên những sản phẩm phù hợp hơn. Chẳng hạn, công nghệ VR (thực tế ảo) với  kính tương tác như Samsung Gear VR, Oculus Rift... Với màn hình được thiết kế sát mắt người, độ phân giải cao 4K sẽ phát huy tác dụng lớn cho những chiếc kính này.

 

HOÀNG HÀ/ DNSG