clock

Tài Chính

13:42 05-01-2016

Tỷ giá trung tâm tăng vọt lên gần 22.000 đồng

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm ngày 5/1 ở mức 21.907 đồng đổi một USD, cao hơn hôm trước khoảng 11 đồng.

Tỷ giá trung tâm hiện tăng 11 đồng so với ngày đầu tiên áp dụng cơ chế tỷ giá mới. Ảnh: Anh Tuấn.

Trong ngày thứ hai áp dụng tỷ giá trung tâm, Ngân hàng Nhà nước công bố mức tỷ giá mới là 21.907 đồng. Như vậy, so với cố định áp dụng trong 4 tháng cuối năm 2015, tỷ giá trung tâm hiện cao hơn khoảng 17 đồng và tăng 11 đồng so với ngày đầu tiên áp dụng cơ chế tỷ giá mới.

Các ngân hàng vẫn được áp dụng biên động tỷ giá +/-3%, nên hầu như không biến động so với ngày hôm qua. Theo đó, tỷ giá tại Eximbank, Vietcombank vẫn duy trì tại ở mức 22.470 - 22.540 đồng, tại VietinBank là 22465 - 22535 đồng đổi một USD.

Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, cơ chế tỷ giá sẽ giúp các tổ chức tín dụng chủ động hơn so với cơ chế điều hành trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ. Ngoài ra, các sản phẩm phái sinh cũng được áp dụng rộng rãi hơn, theo đúng thông lệ quốc tế và sự phổ biến của chúng trên thị trường tài chính và hàng hóa thế giới.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ông Bùi Quốc Dũng chia sẻ, khi chủ trương về việc điều hành tỷ giá mới được thông báo tới các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, doanh số giao dịch của các hợp đồng kỳ hạn đã tăng từ mức 10 triệu USD lên khoảng 100-200 triệu USD.

"Trước kia, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng chỉ có bán giao ngay (spot), nay đã có thể phái sinh. Như đợt ngày 31/12 vừa rồi, chúng tôi cho phép các ngân hàng mua kỳ hạn 3 tháng để cân bằng trạng thái ngoại tệ với giá bán cao hơn giá của ngày 31/12/2015 là 1%. Thay vì đưa ra biên độ thay đổi cứng, cách này giúp thị trường ngầm hiểu là vùng mục tiêu của tỷ giá đến cuối tháng 3 là khoảng 1%", ông Dũng cho hay.

Như vậy, khi căng thẳng nguồn thu ngoại tệ cuối năm, các ngân hàng vẫn có thể mua kỳ hạn và bán ra USD để cân bằng trạng thái kinh doanh bình thường. Đến cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán bù đắp ngoại tệ. Không chỉ vậy, các ngân hàng có thể hủy giữa chừng, phí hủy chỉ mang tính tượng trưng.

Hạ Minh/ Zing