clock

CEO Thế Giới

05:24 28-09-2015

Tỷ phú Ken Fisher: Giàu có là một quá trình, không phải điểm đến

Ken Fisher là CEO đồng thời sáng lập quỹ đầu tư Fisher Investment.Ông cũng được biết đến qua vai trò phụ trách chuyên mục đầu tư tạp chí Forbes danh tiếng và là một trong những người siêu giàu có tự thân, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Theo bảng danh sách tỷ phú trên thế giới của Forbes, nhà đầu tư Ken Fisher xếp thứ 214 trong 400 người giàu nhất tại Hoa Kỳ, bằng cách tạo ra sự giàu có cho bản thân và các khách hàng của mình qua lĩnh vực đầu tư, với tổng giá trị tài sản ước tính đạt 3 tỷ đô la.

Nền tảng thành công của ông được cho là sự thừa kế về mặt tư duy và suy nghĩ từ người cha, Phil Fisher-cha đẻ học thuyết đầu tư tăng trưởng. Khi còn là một cậu bé, Ken đã đọc một tác phẩm tựa như kinh thánh về đầu tư “Common Stocks and Uncommon Profits” và từ đó cuốn sách trở thành hành trang quan trọng trong suốt sự nghiệp của ông.

Đây cũng là một lợi thế khá may mắn vì nếu cuốn sách không phải do cha ông viết và không được khắp nơi tán dương thì ông cũng chẳng đọc nó. Thời điểm đầu tiên ông đọc là khi được 8 tuổi và phải thêm 15 năm sau, ông mới có thể hiểu được.

Trong lần phỏng vấn hiếm hoi trên hãng tin Inc, Fisher đã chia sẽ những kỹ năng và suy nghĩ của giới siêu giàu đứng trên phương diện cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp của chính bản thân ông.

1. Tập trung

Bên cạnh những người giàu có nhờ thừa kế, tỷ phú tự thân có xu hướng tập trung vào những gì mình làm tốt nhất, và họ không để bất kỳ điều gì từ bên ngoài có thể tác động hoặc ngăn cản họ. Fisher giải thích, “Các tỷ phú mà tôi biết có cá tính rất mạnh mẽ, và họ cũng không quan tâm nhiều khi người khác nói tầm nhìn của mình đúng hay sai. Họ cũng không nghĩ hay phân tích sâu những điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân. Điều mà những tỷ phú muốn là sự gia tăng giá trị bản thân qua thời gian.”

2. Tiền là một công cụ, không phải tất cả

Giới siêu giàu thường có nhiều nguồn lực hơn người khác bởi vì họ cung cấp cho các nguồn tài nguyên có sẵn với tầm nhìn và mục đích rõ ràng cũng như có sự hiểu biết về cách sử dụng chúng. Nhiều tỷ phú không nghĩ rằng tiền là tất cả và nó có thể sửa chữa tất cả mọi thứ.

Fisher làm rõ thêm quan điểm trên bằng giả định sau: “Là một tỷ phú, tiền chỉ là một công cụ để phục vụ theo ý muốn của bạn. Bạn nên định hướng vai trò của tiền như một sự hỗ trợ-một công cụ có giá trị, nhưng có giới hạn. Hãy suy nghĩ về những gì tiền của bạn có thể thực hiện cho bạn như là một công cụ và những gì nó có thể không. Tiền có thể quyết định đến sự lựa chọn giữa đầu tư tăng trưởng thực tế hay chiến lược phòng thủ, nhưng nó vẫn chỉ là một công cụ. "

3. Giàu có là một quá trình, không phải điểm đến

Đáng ngạc nhiên là các tỷ phú ít quan tâm đến sự giàu có khi khởi nghiệp và định hình cho trương lai. Họ không bao giờ nhìn lại quá khứ hay bằng lòng với hiện tại. Những người đang muốn khởi nghiệp hãy tập trung nhìn và khai thác những vấn đề mà người khác không thấy hay không dám để thực hiện kế hoạch kinh doanh cho trương lai.

Và điều quan trọng là đừng thiết lập sự giàu có như là một điểm đến khi bắt đầu khởi nghiệp. Những tỷ phú mà Fisher biết không thực hiện điều này. Sự giàu có là một quá trình, không phải là một đích đến. Nếu bạn chọn sự giàu có là một điểm đến, tốt thôi, nhưng Fisher nghĩ rằng bạn sẽ khó đạt được mục tiêu.

4. Hãy để tầm nhìn và giá trị bản thân của bạn dẫn đường

Tỷ phú có rất nhiều của cải, nhưng hầu hết không ở trạng thái tiền mặt. Họ chỉ giữ số tiền trong tài khoản đủ để thực hiện những điều mà họ muốn. Họ khao khát giữ tài sản phù hợp với tầm nhìn và đúng với giá trị của chính bản thân vì đó là cách họ xây dựng sự giàu có.

Như Bill Gates giữ một phần lớn tài sản của mình bằng số lượng cổ phiếu trong Microsoft, hay hầu hết tài sản của Warren Buffett là gắn liền với tập đoàn Berkshire Hathaway. Nếu những tỷ phú đặt tiền lên trên hết, họ sẽ bán những gì họ có ra thành tiền mặt, nhưng họ hiếm khi làm thế. Tiền chỉ là một sản phẩm phụ tạo ra sự giàu có.

Hãy để tầm nhìn và giá trị bản thân làm người hướng dẫn đưa bạn đi đúng hướng đến sự cốt lõi của sự giàu có. Điều này sẽ cung cấp sinh lực và năng lượng cho bạn khi tham gia vào công việc. Chưa hết, sự an toàn, nhẹ nhõm và cảm giác hài lòng sẽ đến một khi bạn chọn tầm nhìn và giá trị dẫn đường.

5. Xây dựng lòng trung thành

Ngay cả tỷ phú cũng không thể thành công nếu không nhận được sự hỗ trợ từ nhiều người khác. Họ không thể làm tất cả mọi việc một mình. Điều này đúng với tỷ phú và cũng thế với tất cả trường hợp khác.

Một trong các đặc điểm mà tỷ phú đánh giá cao và quan trong nhất để tuyển người là sự trung thành. “Các tỷ phú luôn có một đội ngũ hỗ trợ cực kỳ trung thành xung quanh mình để họ giao phó công việc. Khi thực hiện mục tiêu và hướng tầm nhìn ra phía trước, các tỷ phú không chỉ cần những nhân viên làm giỏi và hiệu quả, mà đặc điểm trung thành, chính trực sẽ luôn là yếu tố được đánh giá cao. Vì thế, nếu bạn muốn sát cánh và trở thành một phần của tỷ phú, bạn nên đặt sự trung thành lên ưu tiên phấn đấu hàng đầu, nếu bạn chưa có tính cách này.” Fisher nói.

6. Dành ít thời gian suy nghĩ giá trị tài sản ngày hôm nay

Giá trị tài sản thật sự của tỷ phú và ứng cử viên đang chạy đua vào Nhà Trắng, Donald Trump từng là chủ đề tốn giấy mực của giới truyền thông trong. Fisher đưa ra dẫn chứng trên cùng với lời giải đáp rằng con số tài sản thực tế của những tỷ phú thường rất khó “định giá”.

“Như J.Paul Getty, được xem là người đàn ông giàu nhất thế giới và rất lâu trước khi vào danh sách tỷ phú, Getty đã đưa ra lời khuyên trong quyển sách của ông mang tên How to Be Rich vào năm 1965 rằng tài sản là những thứ thật sự có giá trị, tuy nhiên nó cũng không có quá nhiều giá trị như mọi người nghĩ”, Fisher nói.

Sự thật là những người giàu cũng không ước lượng đúng con số tài sản chính xác bởi vì hầu hết thước đo cho giá trị của họ là những điều rất khó “định giá” và không thể nhận biết bằng mắt thường. Ngay cả, Bill Gates hay Warren Buffett chỉ có thể biết con số của mình chỉ khi bán đi tất cả tài sản.

Vì vậy, bạn không nên lo lắng về tài sản hiện có. Chỉ dành ít thời gian suy nghĩ giá trị tài sản ngày hôm nay và tập trung nhiều hơn về những điều bạn có thể làm trên con đường sự nghiệp của mình.

7. Thời gian là tài sản có giá trị nhất

Nhiều tỷ phú mà Fisher biết không xem tiền như là thứ có giá trị quan trọng nhất. Điều mà hầu hết những tỷ phú mong muốn và thật sự coi trọng ngay cả khi họ chưa giàu có thì nghe có vẻ nhàm chán với nhiều người vì đó là thời gian, thứ tài sản mà mọi người đều có.

Fisher chia sẽ cách nhìn về thời gian của ông: “Thời gian của một đời người luôn suy giảm. Vì thế, tôi sẽ ưu tiên thời gian cho gia đình, người thân, sở thích và cuối cùng mới đến công việc. Đó là những thứ có giá trị nhất với tôi. Khi bạn đã có nhiều tiền, bạn sẽ càng muốn thời gian trôi thật chậm, trong khi hầu hết người khác lại muốn tăng tốc độ này lên. Thời gian là điều mà hầu hết các tỷ phú cho rằng giá trị nhất, vì thế bạn nên coi trọng và hướng thời gian tập trung vào một số ít những điều thật sự ý nghĩa với bạn.”

8. Tôn trọng pháp luật

Warren Buffett từng nói rằng ông luôn ngưỡng mộ ba phẩm chất của một nhà lãnh đạo bao gồm: nghị lực, thông minh và khí chất. Tuy nhiên, nếu bạn không có phẩm chất thứ ba, hai tố chất còn lại sẽ đẩy bạn xuống vực sâu.

Vì vậy, Fisher cho rằng hầu hết những tỷ phú đang sống dưới kính hiển vi, bị xem xét kỹ càng hơn người bình thường từ những cảnh sát và ủy viên công tố, nhưng ít khi trong số họ bị bắt hay bị kết án, bởi vì họ đã sớm học được cách cứng nhắc là tuân thủ pháp luật.

Đam mê làm giàu có thể khiến bạn phá vỡ các nguyên tắc và làm điều sai trái. Phải có đủ dũng cảm và khí chất thì bạn mới có thể vượt qua được cám dỗ của đồng tiền.

Ngoài ra, văn hóa của bạn nên xây dựng từ luật pháp. Văn hóa là nơi mà từ đó tất cả những luật lệ được cải tiến theo thời gian. Những người giàu thường không ép mình vào văn hóa mà người khác hay xã hội đặt ra. Họ tự tạo ra văn hóa cá nhân, mang đặc điểm riêng của chính mình.

9. Trên tất cả, giá trị của bạn là điều luôn tồn tại

Thời thế thay đổi, cũng như tiền bạc, của cải có thể đến và đi ngay cả với các tỷ phú. Fisher khuyên rằng việc duy trì các giá trị, tính cách bản thân thậm chí còn quan trọng hơn nhiều so với việc gìn giữ số tiền trong tài khoản của bạn.

Lúc bạn mất tiền, chẳng có thứ gì mất đi cả. Nhưng khi bạn mất tính cách, tất cả sẽ không còn. Tính cách là cái có thể bảo vệ bạn. Đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn của bạn.

“Khi của cải đến, người mới sẽ đánh giá bạn như họ thấy bạn ngày hôm nay. Tuy nhiên, gia đình, bạn bè và các mối quan hệ cũ biết bạn là ai, mà đó chính là con người của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn là một cá thể độc lập, tồn tại duy nhất trên trái đất này. Trong số những thói quen, tôi luôn luôn sử dụng chiếc cặp sách cũ được tôi mua cách đây 20 năm, đi lại bằng chiếc xe hiệu Volvo sedan bốn cửa mua đã 10 năm.

Đây là những biểu tượng để nhắc nhở về con người thật sự của tôi. Về lâu dài, danh sách 400 người giàu có được xếp hạng bởi Forbes sẽ thay đổi, và một số người sẽ cố gắng duy trì thứ hạng. Tuy nhiên, tôi cũng không vì thế mà thay đổi bản chất xưa để chạy theo một khuôn mẫu mới không phù hợp.”

Theo Đinh Lộc

Trí Thức Trẻ/CafeBiz