clock

Trong Nước

06:33 18-11-2015

Uber, Grab - taxi truyền thống: Cuộc chiến chưa có hồi kết

Hoạt động của Uber, Grab đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc các hãng taxi truyền thống bị cạnh tranh và mất dần thị phần.

Lo mất thị phần, quyết tẩy chay UberGrab

Trong đơn đề nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM đã kiến nghị cấm công ty Uber, Grab taxi và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dưới hình thức "taxi trá hình".

Ông Hỷ cho rằng, mục đích chính của Uber, Grab taxi là chiếm lĩnh toàn bộ thị trường vận chuyển hành khách bằng taxi tại Việt Nam vì vậy các công ty này đã đang sử dụng mọi "chiêu trò", nhất là áp dụng chính sách khuyến mại "siêu giảm giá", "siêu rẻ", "trợ giá" cho lái xe và chủ xe, chi hoa hồng cho lái xe, chủ xe và người giới thiệu... đẩy các hãng taxi đang hoạt động kinh doanh đúng pháp luật mất dần thị phần và cuối cùng là phá sản.

Tương tự, Hiệp hội Vận tải Hà Nội mới đây cũng đưa ra kiến nghị tạm dừng hoạt động phương tiện taxi không phù hiệu, tem mào của Uber và Grab taxi.

Đại diện Hiệp hội cho rằng, việc Uber và Grab taxi sử dụng xe không biển hiệu, tem mào trái với quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông.

Thậm chí, trong cuộc hội thảo liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hoá Việt Nam trước hàng nước ngoài, mặc dù đại diện cho ngành dịch vụ nhưng ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cũng nêu ý kiến cho rằng Uber, Grab đang "bán phá giá" tại thị trường Việt Nam và đặt nghi vấn "có một thế lực đứng đằng sau".

Sức nóng của Uber, Grab từng được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để taxi truyền thống thay đổi 

Vị đại diện này mặc dù thừa nhận Uber, Grab với những tiện ích và tính năng ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra sản phẩm dịch vụ giá rẻ cho người dùng nhưng cũng lo lắng, điều này "đe doạ" các hãng taxi truyền thống do đó doanh nghiệp muốn khởi kiện.

Uber, Grab thắng thế?

Trước kiến nghị của Hiệp hội taxi TP. HCM, Hà Nội và Hiệp hội Vận tải, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đều có trả lời. Cụ thể, sau kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm hoạt động bất hợp pháp, Bộ quản lý để doanh nghiệp vận hành theo đúng quy định, đảm bảo công bằng.

"Grab taxi đã sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách và đã công khai còn Uber sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Tôi cho rằng, Hiệp hội nên thông qua cơ quan quản lý để tìm hiểu thêm trước khi có ý kiến", Thứ trưởng Trường nói.

Từ trái qua phải: Ông Tạ Long Hỷ, ông Bùi Danh Liên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, ông Nguyễn Văn Phụng 

Về nghĩa vụ thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế cho biết, việc quản lý, theo dõi tính thuế các doanh nghiệp vận tải ứng dụng phần mềm kết nối không khó khăn.

"Bộ Tài chính đủ năng lực để kiểm soát, các cơ quan thuế sẽ quản lý được hết theo dòng tiền phát sinh của các doanh nghiệp, việc thu, nộp tiền của khách hàng đều được theo dõi trên sổ sách, tài khoản", ông Phụng cho hay.

Cũng theo ông Phụng, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng hai phương án để xác định tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp với công ty cung cấp dịch vụ kết nối vận tải ở nước ngoài.

Đồng thời, cơ quan thuế cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tham gia ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối khách hàng có báo cáo thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng sử dụng dịch vụ để giảm thiếu khả năng thất thu thuế.

Về phía người dùng taxi thường xuyên, lý lẽ mà Hiệp hội đưa ra đã vấp phải sự phản đổi mạnh mẽ. Chị Thanh Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội), người thường xuyên sử dụng Grab taxi cho biết, thay vì lo mất thị phần, cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp taxi truyền thống nên tập trung cải thiện chất lượng phục vụ và giảm giá cước.

"Trong khi sử dụng Grab taxi chúng tôi được đi giá cước rẻ hơn, được hưởng các mã khuyến mại, xe không chạy vòng vo, taxi truyền thống lại ngược lại", chị Thuỷ nói.

Nêu quan điểm về vấn đề này luật sư Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ, trong số các lợi ích phải cân nhắc, lợi ích của người dùng và quyền tự do hợp đồng của họ phải được đặt làm trung tâm.

"Hành khách được cung cấp phương thức giao kết hợp đồng vận tải mới bằng thông điệp điện tử an toàn và thuận tiện hơn phương thức giao dịch truyền thống. Khi vận hành của doanh nghiệp hiệu quả hơn và thị trường cạnh tranh hơn khách hàng được hưởng lợi vì cước phí giảm", ông Hảo phân tích thêm.

Cũng the ông Hảo, việc cung cấp dịch vụ kết nối cho xe hợp đồng Grab làm giảm ùn tắc giao thông và tối ưu hoá hiệu quả sử dụng xe nhờ vào việc giúp giảm thiểu thời gian chạy xe không có khách trên đường, tối ưu hoá cung đường di chuyển của xe nhằm đón và trả khác theo lộ trình hợp lý.

 

Nguyễn Thảo/ Bizlive