clock

Trong Nước

13:09 24-09-2015

Uber, Grabtaxi sẽ làm giảm nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân tại Việt Nam

Theo tờ Reuters, Uber và GrabTaxi tại Việt Nam, hiện đang có mức tăng trưởng ấn tượng trên 2 con số và đang khiến nhiều khách hàng muốn sở hữu xe hơi cá nhân phải thay đổi quan điểm.

Công ty Uber Việt Nam đã bắt đầu hoạt động cách đây 3 năm và trong 300 thành phố mà dịch vụ của Uber đang phủ sóng, lượng khách hàng bình quân mỗi xe tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là cao nhất. Thậm chí tỷ lệ này còn cao gấp đôi so với tại thị trường New York.

Theo tờ Deal Street Asia, các ứng dụng dịch vụ cung cấp taxi đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu, do những tiện ích này cho phép khách hàng di chuyển bằng ô tô thuận lợi hơn so với mức giá thuộc hàng đắt nhất Đông Nam Á nếu dùng các dịch vụ taxi thông thường.

Bà Nguyễn Phi Yến, Giám đốc một công ty tư vấn nghề nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: “Mức giá (khi dùng dịch vụ Uber) là khá tốt, chất lượng dịch vụ cũng khá tuyệt. Những tài xế Uber có khiếu âm nhạc khá hay. Thậm chí mùi trong xe cũng thoải mái hơn so với các taxi thông thường.”

Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho ứng dụng dịch cung cấp chuyến đi khi chỉ có 3% người sở hữu xe ô tô trong số 90 triệu dân và thị trường điện thoại di động thông minh đang bùng nổ tại đây.

Giám đốc Đặng Việt Dũng của Uber Technologies chi nhánh Việt Nam cho biết mục tiêu của công ty là đáp ứng được nhu cầu sử dụng xe hơi riêng tại đây.

“Nếu dịch vụ Uber (có thể khiến bạn sử dụng xe hơi) có sẵn ở mọi nơi, với mức giá rẻ và đáng tin cậy, vậy tại sao bạn lại cần mua một chiếc xe?”, ông Dũng nói.

Khách hàng sử dụng ứng dụng Uber phải trả khoản phí 8.000 đồng/km, thấp hơn so với mức 11.000-15.000 đồng/km theo dịch vụ taxi thông thường tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VACSP) cho biết giá cước đi xe taxi tại các thành phố lớn của Việt Nam cao gấp đôi so với Bangkok, Manila và Jakarta.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc GrabTaxi Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết cơ cấu dân số của Việt Nam khá trẻ, vì vậy các khách hàng tại đây dễ dàng tiếp thu cũng như sử dụng những sản phẩm mới trên thị trường. Tuy nhiên, Giám đốc Nguyễn Tuấn Anh cũng nhận định nhiều người Việt Nam vẫn mong muốn được sở hữu xe hơi riêng bất chấp việc đã có những lựa chọn thay thế khác với chi phí thấp hơn.

Theo ông Tuấn Anh, nếu dịch vụ của Uber đủ tốt và đem lại sự tiện lợi vượt xa so với mong muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của bản thân khách hàng thì nhiều người sẽ sử dụng dịch vụ của công ty hơn.

Cạnh tranh trên thị trường địa phương

Tuy nhiên, Uber và GrabTaxi tại Việt Nam không dễ dàng tăng trưởng hoạt động kinh doanh khi nhiều công ty taxi truyền thống tại đây bắt đầu có những biện pháp đối phó nhằm bảo vệ thị phần.

Những hãng xe taxi hàng đầu Việt Nam như Mai Linh và Vinasun sẽ sớm đưa vào sử dụng các ứng dụng dịch vụ cung cấp taxi trên điện thoại di động, tương tự như những tiện ích như Xe Cua Toi, LiveTaxi và iMove đã được ra mắt trước đó.

Theo chuyên gia Trương Trọng Hào của iMove, những ứng dụng này trong vài năm tới sẽ thay đổi hệ thống cung cấp dịch vụ taxi tại Việt Nam.

Trước tình hình đó, những công ty như Uber hay GrabTaxi cũng tung ra các biện pháp nhằm tăng tính cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.

Hãng GrabTaxi vừa giới thiệu dịch vụ GrabBike, trong đó khách hàng có thể sử dụng dịch vụ “xe ôm giá rẻ” qua ứng dụng của công ty. Trong khi đó, Uber cũng đã chấp nhận việc thanh toán bằng tiền mặt tại Việt Nam trước tình hình thẻ tín dụng vẫn chưa phổ biến hoàn toàn.

Mặc dù vậy, những rủi ro đối với Uber hay GrabTaxi vẫn còn khi loại hình kinh doanh này không phạm pháp nhưng các nhà hoạch định chính sách đang tranh luận về quy trình quản lý hoạt động trong lĩnh vực trên.

Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam cho biết các ứng dụng trên điện thoại được cho phép làm việc với những công ty cung cấp dịch vụ vận tải thương mại nhưng không được phép tự cung cấp dịch vụ này.

Tuy vậy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ứng dụng trên cho thấy việc tuân thủ hoàn toàn các quy định luật pháp là điều không dễ dàng và chính phủ Việt Nam đang đau đầu trong việc quản lý loại hình kinh doanh này.

 

Theo Tri Thức Trẻ