clock

Doanh Nghiệp

06:00 02-01-2018

Uber Việt Nam có trở thành hãng taxi để cạnh tranh công bằng?

Ngay khi Hiệp hội Taxi Tp.HCM kiến nghị Bộ GTVT phải xem Grab và Uber là hãng taxi, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) cũng vừa lên tiếng rằng “Uber không phải một ứng dụng công nghệ, mà là một công ty dịch vụ vận tải”. Vậy, Uber – Grab đã, đang và sẽ là gì?

Từng gây rất nhiều sóng gió dư luận về tính cạnh tranh công bằng, mới đây Hiệp hội Taxi Tp.HCM tiếp tục gửi văn bản lên Bộ GTVT có ý kiến đề nghị cần quy định rõ Uber, Grab là 2 doanh nghiệp vận tải hành khách taxi.

Chạy trời không khỏi nắng, Uber Việt Nam có trở thành hãng taxi để cạnh tranh công bằng?

Theo Hiệp hội, Uber và Grab đang điều hành quản lý như một doanh nghiệp vận tải taxi nhưng thực tế chỉ mới được coi là cung ứng phần mềm; và việc Uber, Grab hoạt động chủ yếu thông qua chính sách giá cả, khuyến mại là trái với quy định của Luật Cạnh tranh.

Do đó, Hiệp hội nhấn mạnh đơn vị cung cấp phần mềm chỉ cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mại. Uber, Grab cũng không được điều hành trực tiếp hoạt động vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe mà chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải.

Cùng thời điểm trên, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) cũng vừa đưa ra xác định Uber là một công ty dịch vụ vận tải, thay vì là một ứng dụng công nghệ như hãng này vẫn tự nhận. Điều này đồng nghĩa việc Uber sẽ phải chấp nhận những quy định hoạt động khắt khe hơn, cũng như phải có giấy phép vận hành như một hãng taxi trên toàn thị trường EU, bao gồm cả nước Anh.

Như vậy, trước tuyên bố mạnh mẽ của ECJ, liệu cơ quan quản lý của Việt Nam có còn “lúng túng” trong việc coi Uber - Grab là đơn vị cung cấp phần mềm hay đơn vị kinh doanh vận tải?

Chưa kể, thời gian 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng sắp hết hạn, tranh cãi Uber - Grab là doanh nghiệp vận chuyển hay công nghệ cũng đến lúc phải có hồi kết.

Song, thực tế vẫn còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này. Được biết, không chỉ riêng Hiệp hội taxi Tp.HCM, ngày 25/12 đơn vị tại Hà Nội cũng có văn bản gửi lên Bộ GTVT kiến nghị về việc thí điểm đối với loại hình này. Tuy nhiên, đề xuất trên từ Hiệp hội vẫn vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, có bên đồng ý rằng phải thay đổi loại hình hoạt động của Uber – Grab để công bằng với những doanh nghiệp taxi khác, ngược lại vẫn còn đó những lập luận đồng tình 2 hãng trên đang tuân thủ đúng với pháp luật hiện hành.

Trở thành hãng taxi, Uber Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng hơn?

 Uber Việt Nam có trở thành hãng taxi để cạnh tranh công bằng?  - Ảnh 1.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế khẳng định: “Uber phải là hãng taxi”. Và theo đó, bối cảnh cạnh tranh tại thị trường taxi Việt Nam rồi đây sẽ sòng phẳng hơn, ông Hiếu nói.

Bởi lẽ, nếu trở thành là công ty vận tải hẳn hoi, bắt buộc Uber phải đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành, phải chịu những mức thuế dành cho loại hình kinh doanh taxi. Cùng với đó, Uber cũng sẽ phải tuân thủ những chế tài hiện nay trong ngành liên quan đến lodo công ty, màu sắc, phù hiệu xe… và phải đào tạo nhân viên của mình một cách bày bản.

“Và mặc dù vẫn có những đặc thù riêng, song nhìn chung Uber sẽ phải cạnh tranh công bằng với các hãng taxi truyền thống khác”, ông Hiếu phân trần.

Là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và taxi dựa trên ứng dụng, Uber xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2014-2015 mang một màu sắc hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, trên vai trò chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ, Uber hiện đang nhận được rất nhiều “ưu đãi” so với những hãng taxi truyền thống, dẫn đến một cuộc chiến không công bằng gây nên nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua.

• Thứ nhất, Uber hoạt động với danh nghĩa doanh nghiệp cung cấp phần mềm thì sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng, trong khi các hãng taxi hiện nay đang phải nộp thuế GTGT 10%. Đây cũng là vấn đề dậy sóng dư luận nhiều nhất.

Bởi lẽ, Uber (hay Grab) không chỉ cung cấp phần mềm kết nối; mà còn đứng ra điều hành từ đặt xe, chỉ định tài xế đón khách, tính cước, thu tiền như các khâu mà một doanh nghiệp vận tải bình thường nên không thể coi là doanh nghiệp cung cấp phần mềm thuần túy được.

• Thứ hai, khác với các hãng taxi truyền thống, Việt Nam hiện không tính thuế trên 100% doanh thu của Grab, Uber. Theo quy định hiện hành về thuế TNDN, đối với từng tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu có nghĩa vụ nộp thuế trên phần doanh thu được chia theo thỏa thuận hợp tác.

Do đó, trước kiến nghị đánh thuế TNDN trên 100% doanh thu đối với Uber, Bộ Tài chính cho rằng không thỏa đáng. Bởi, trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh.

• Thứ ba, Uber hiện không có cơ sở thường trú nên sẽ được miễn phần thuế mục này đối với thu nhập của công ty. Chưa kể, Uber hiện chỉ bỏ ra một phần nhỏ chi phí để thuê địa điểm cho văn phòng đại diện và một nhóm khoảng 10-20 nhân viên để quản lý thị trường Việt Nam, mà lại thu về một mức doanh thu khủng trên tổng doanh số thị trường taxi.

Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp taxi truyền thống còn phải chịu nhiều chế tài quản lý như: Quy định về logo, màu sắc, phù hiệu xe… đồng thời bị hạn chế khu vực lưu thông, trong khi Uber lại khá dễ dàng trong những khâu trên.

Tựu trung lại, những bất cập trên vẫn chung quy về một lý do là Việt Nam chưa có quy định rõ ràng để quản lý chặt chẽ loại hình “taxi công nghệ” trên, dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý “lúng ta lúng túng”, doanh nghiệp trong nước thì kêu than.

Đỉnh điểm mâu thuẫn phải nhắc đến câu chuyện hàng loạt xe taxi Vinasun tại Hà Nội, Tp.HCM dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber đã nhận nhiều “gạch đá” từ chính người tiêu dùng trong nước.

Liệu rằng rồi đây, Uber Việt Nam có chính thức trở thành hãng taxi để hoàn thành “đầy đủ” nhiệm vụ như Vinasun, Mai Linh…?

 Uber Việt Nam có trở thành hãng taxi để cạnh tranh công bằng?  - Ảnh 2.

Hãng taxi truyền thống đang đứng trước nguy cơ đóng cửa. Hay Uber sắp thực hiện được “mưu đồ” chiếm lĩnh toàn thị trường taxi trong nước.

Nói về hoạt động của những đơn vị taxi truyền thống, từ khi có sự xuất hiện của hai đối thủ đáng “gờm” Uber và Grab đã liên tục gặp khó khăn. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, Vinashun cắt giảm đến 8,000 nhân sự, con số tại Mai Linh ghi nhận có đên 6,000 nhân viên nghỉ việc.

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh cũng giảm sút nghiêm trọng. Điển hình lợi nhuận thuần của Mai Linh Miền Bắc trong quý 3/2017 ghi nhận ở mức âm 7.4 tỷ đồng. Tương tự, lãi ròng hãng taxi Vinasun cũng giảm mạnh, chỉ đạt 47 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm thu về 146 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, mới đây Vinasun đã chuyển sang mô hình hoạt động mới (khoán cứng doanh thu cho tài xế và nhận một khoản cố định), đồng thời các nhân viên chính thức của hãng được chuyển sang dạng hợp đồng, kéo theo nhiều chi phí phúc lợi cũng bị cắt giảm. Như vậy, không riêng doanh nghiệp, mà phần rủi ro thực chất được Vinasun chuyển sang phía các tài xế vốn đã chịu nhiều áp lực cạnh tranh!

Và trước tình thế căng như dây đàn này, nhiều luồng ý kiến cho rằng taxi truyền thống đang đứng trước nguy cơ đóng cửa. Hay Uber sắp thực hiện được “mưu đồ” chiếm lĩnh toàn thị trường taxi trong nước, tương tự câu chuyện của thị trường nước giải khát hơn 10 năm về trước!

 

Không còn những trò đồi bại, người tiêu dùng sẽ được lợi hơn

Một đối tượng khác cũng chịu tác động ít nhiều một khi Uber trở thành hãng taxi chính là người tiêu dùng.

Thực tế thì với bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang rất có lợi khi lựa chọn Uber hay Grab với mức cước di chuyển rẻ hơn, quá trình gọi xe thuận lợi hơn với thời gian nhanh hơn. Song song với đó, do không còn dưới thời độc quyền, nhiều hãng taxi truyền thống, đặc biệt là Mai Linh và Vinasun sẽ phải đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn hơn nhằm níu chân khách hàng, cũng như thái độ phục vụ sẽ phải tốt hơn.

Như vậy, người tiêu dùng hiện đang hưởng lợi từ bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống với “taxi công nghệ” – Uber (hay Grab).

Và giả sử Uber chuyển đổi sang mô hình taxi, thì câu chuyện cạnh tranh sẽ mở sang một trang mới, liệu rằng người tiêu dùng sẽ được lợi hơn?

Đặt giả định, một khi ngang bằng rồi thì khi đó câu chuyện cạnh tranh sẽ không còn liên quan đến giá cả, mà là cạnh tranh bằng chất lượng. Mỗi bên phải tốt hơn để giành khách hàng, nghĩa là dịch vụ phải nâng cấp lên, theo đó người tiêu dùng trước mắt sẽ được gia tăng lợi ích từ chất lượng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hiếu cho biết hiện nay Uber dính rất nhiều vụ án tài xế dở trò đồi bại với khách hàng, đặc biệt khách hàng nữ. Như vậy, một khi trở thành hãng taxi, điều đầu tiên là đơn vị này phải có chính sách đào tạo nhân viên một cách bày bản, từ đó khả năng sẽ giảm thiểu được những trường hợp “đáng tiếc” vừa qua.

Đồng thời, Uber phải giám sát chặt chẽ tài xế hơn trong quá trình hoạt động, cũng như phải đồng chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố đối với khách hàng. Do đó, dịch vụ sẽ được gia tăng, và người tiêu dùng được hưởng lợi, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chưa kể, nếu Uber trở thành hãng taxi, tính hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn do cạnh tranh công bằng, như vậy mặt bằng giá cước chung sẽ điều chỉnh, đây là một lợi ích gia tăng khác mà người tiêu dùng nhận được.

Song, “trong ngắn hạn thì giá cước Uber sẽ phải tăng do chi phí tăng, nên trước mắt người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt”, ông Hiếu cho biết thêm.

 

theo Trí Thức Trẻ