Thị Trường
08:39 18-09-2024Úc cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực được coi là “xương sống” của ngành kinh tế, đóng góp 12% GDP
Đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành hàng giúp nuôi sống khoảng một nửa nhân loại.
Lĩnh vực này là nông nghiệp, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trên thực tế, với đóng góp khoảng 12% vào GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động, nông nghiệp từ lâu là lĩnh vực "xương sống" của nền kinh tế Việt Nam.
Trong năm qua (2023), ngành nông nghiệp của Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, đạt 3,83%. Theo đó, sản lượng lúa tăng 1,7%, sản lượng thịt tăng 3,5%, thủy sản tăng 2,9%. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 53 tỷ USD, thặng dư thương mại là hơn 12 tỷ USD, chiếm tới 42,5% tổng thặng dư thương mại của nước ta.
Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam chẳng hạn như gạo, cà phê, hạt điều và rau quả, chiếm tới hơn 16 tỷ USD xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, với gạo, mặt hàng giúp nuôi sống khoảng một nửa dân số thế giới, Việt Nam hiện đang là một trong ba quốc gia xuất khẩu hàng đầu.
Chỉ trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo của nước ta đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đạt tới gần 6,2 triệu tấn, tăng gần 6%. Giá xuất khẩu gạo bình quân 8 tháng qua đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8%.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ USD và nhập khẩu đạt 28,28 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu là 55 tỷ USD vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Thứ nhất là biến đổi khí hậu. Tại hội thảo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường" diễn ra vào ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho biết dự báo khu vực ĐBSCL (vựa lúa lớn nhất cả nước) sẽ mất từ 500.000 đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, dẫn tới hàng năm lên tới 3% GDP.
"Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và ít phát thải hơn", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đổi mới sáng tạo xanh là yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam ứng phó với những thách thức nêu trên. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp của nước ta đã áp dụng các công nghệ xanh trong nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng về năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Những mô hình này đã giúp giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước tới 50%, và tăng năng suất cây trồng từ 20% đến 30%. Việt Nam hiện đang hướng tới mục tiêu giảm 9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở, đồng thời cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được điều này, đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp chính là đóng vai trò then chốt.
Thách thức lớn thứ hai với ngành Nông nghiệp Việt Nam là nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh còn gặp khó khăn trong việc kết nối với những chuyên gia, tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất…
Để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, chúng ta cần xây dựng một cơ chế thị trường linh hoạt, nơi các sản phẩm nông nghiệp xanh được khuyến khích và hỗ trợ phát triển.
Úc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong Nông nghiệp
Minh Hằng