clock

Tài Chính

05:42 04-05-2016

UPCoM trỗi dậy

Trái ngược với sự ảm đạm của 2 sàn HOSE và HNX, giao dịch trên sàn UPCoM bất ngờ dậy sóng. Thậm chí có thời điểm thanh khoản của UPCoM còn vượt mặt HNX trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.

Thanh khoản vượt HNX

Lần đầu tiên kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động (tháng 6-2009), thanh khoản của sàn UPCoM đã chính thức vượt HNX trong phiên giao dịch ngày 24-3. Cụ thể, trong phiên giao dịch này tổng giá trị giao dịch của sàn UPCoM đạt 688 tỉ đồng, so với chỉ 575 tỉ đồng của sàn HNX. Không chỉ gia tăng về mặt thanh khoản, UPCoM Index cũng không ngừng gia tăng và có thời điểm vượt mốc 60 điểm. Nhiều cổ phiếu giao dịch trên UPCoM cũng liên tục tăng giá, thậm chí có mã tăng 300% chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

Có thể nói, những tín hiệu tích cực từ thị trường UPCoM đến từ hàng loạt các chính sách hỗ trợ. Tiêu biểu là Thông tư 180 quy định tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên HOSE và HNX sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng một năm. Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/11/2016, thời hạn để đăng ký giao dịch là trong vòng 30 ngày kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ khi diễn ra đợt đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Thậm chí, cơ quan quản lý còn tính đến chuyện sẽ xem xét cấp margin cho một số mã cổ phiếu đang giao dịch trên sàn này. Nếu được chấp thuận, giao dịch trên UPCoM sẽ còn sôi động hơn nhờ biên độ 15%, cao hơn hẳn hai sàn chính (7% đối với HOSE và 10% đối với HNX).

Những chính sách này đã tạo nên sự đột biến cả về thanh khoản lẫn số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn UPCoM. Tính đến thời điểm hiện nay, có 277 mã cổ phiếu đang giao dịch trên sàn UPCoM, gần bằng 50% so với tổng số cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE và HNX cộng lại. Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), mục tiêu HNX đặt ra là sẽ có trên 300 doanh nghiệp niêm yết trên sàn UPCoM. Đặc biệt, để khích lệ các doanh nghiệp trên UPCoM hướng đến sự minh bạch, dự kiến từ năm 2017, HNX sẽ chấm điểm công bố thông tin và minh bạch với các doanh nghiệp trên sàn này.

 

Hàng tuyển lên sàn

Tất cả những yếu tố này đang dần tạo tạo nên sức hút của UPCoM, không chỉ với nhà đầu tư mà cả doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên UPCoM là những tổng công ty lớn, có sức hút mạnh với nhà đầu tư như: Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS), Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (MSR), Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX), Tổng Công ty Cổ phần Thép Việt Nam (TVN), Tổng Côngt ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam (VLC), Tổng Công ty Cổ phần Viglacera (CGC), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng (SDI), Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF), Công ty Cổ phần Đường sông Việt Nam (SWC) hay mới đây là Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến (VGG).

Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành hàng thời trang công sở tại Việt Nam, VGG sở hữu nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khá quen thuộc với người tiêu dùng trong nước như: áo sơ mi, quần tây, veston, áo thun, quần jeans, quần short… VGG cũng hướng tới ba phân khúc đối tượng khách hàng khác nhau với các nhóm nhãn hiệu hiệu sản phẩm khác nhau: Sanciaro, Manhattan, TT-up dành cho người có thu nhập cao; Việt Tiến, Viettien Smartcasual dành cho người có thu nhập từ trung bình đến khá; và Việt Long nhắm đến người tiêu dùng có thu nhập trung bình thấp đang chiếm số đông. VGG hiện đứng đầu hệ thống phân phối rộng rãi, phân bổ đều khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Bên cạnh việc xây dựng chuỗi cửa hàng, đại lý độc quyền bán sản phẩm may mặc của mình, VGG còn phối hợp với các cửa hàng dệt may khác cùng phân phối các sản phẩm hàng may mặc Việt Nam đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi. VGG hiện sở hữu 4 công ty con bao gồm: Công ty TNHH May Thuận Tiến (sở hữu 82,5% vốn điều lệ), Công ty TNHH May Tiến Thuận (sở hữu 85,9% vốn điều lệ), Công ty TNHH Nam Thiên (sở hữu 83,6% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Việt Tiến Meko (sở hữu 51% vố điều lệ). Trong hai năm 2013 và 2014, VGG cán mốc doanh thu lần lượt 4.789 tỉ đồng và 5.416 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 248 tỉ đồng và 312,7 tỉ đồng (tăng 26,1%). Chính nhờ vị thế này, VGG đang trở thành mục tiêu săn đón của nhà đầu tư và liên tục tăng. VGG chào sàn UPCoM trong phiên giao dịch ngày 10/3 với giá tham chiếu 40.000 đồng/cổ phiếu, đến thời điểm hiện tại đã vượt mốc 60.000 đồng/cổ phiếu (tương đương mức tăng hơn 50%).

Trước khi VGG góp mặt trên sàn UPCoM, giới đầu tư cũng đã lên cơn sốt đối với mã GEX. GEX chính thức niêm yết 155 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM trong phiên giao dịch ngày 26/10/2015 với giá tham chiếu 15.500 đồng/cổ phiếu. Với đặc thù là doanh nghiệp nắm vị thế độc quyền cộng với doanh thu mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng, GEX nhanh chóng trở thành mã cổ phiếu nóng, ngay trong ngày chào sàn. GEX hiện đang giao dịch quanh mức 24.000 đồng/cổ phiếu (tương đương mức tăng hơn 50%). Tuy nhiên, mức tăng này vẫn không ấn tượng bằng thanh khoản của GEX. Theo thống kê, phần lớn các phiên giao dịch của UPCoM luôn có trên một triệu cổ phiếu được giao dịch, cá biệt  phiên đạt hơn 6,5 triệu cổ phiếu hượng. Tuy nhiên, ấn tượng hơn hết là trường hợp của MSR. Thời điểm đầu tháng 3, mã cổ phiếu này còn đang giao dịch dưới tham chiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) nhưng đến cuối tháng 3, MSR đã tăng vượt mốc 36.000 đồng/cổ phiếu.

Theo lý giải của giới phân tích, việc MSE tăng phi mã trong trong thời gian gần đây xuất phát từ thông tin doanh nghiệp mày hưởng lợi từ giá Vonfram thế giới hồi phục. Được biết, MSR là công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) có vốn điều lệ trên 7.100 tỉ đồng.

Trong một dịp làm việc với lãnh đạo HNX, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo  tiếp tục triển khai công tác đấu giá cổ phần hóa hiệu quả nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, bán cổ phần DNNN; tiếp tục chủ động hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về cổ phần hóa, tái cơ cấu và phát triển thị trường chứng khoán... Những giải pháp trên nếu HNX thực hiện như chỉ đạo thì càng tạo ra nhiều cơ hội phát triển với UPCoM trong thời gian tới.

 

Hải Phong