clock

Tài Chính

08:36 26-10-2015

Vay tiền mua sắm: Thói quen 10 tỷ USD/năm

Nếu khai thác tốt, cho vay tiêu dùng có thể chiếm tới 10% GDP (khoảng trên 10 tỷ USD/năm) trong thời gian tới.

Người dân Việt Nam thích tiêu tiền mặt.

Tiêu tiền mặt và vay tín dụng đen

Nói về thói quen quản lý tài chính cá nhân của người Việt, nhiều chuyên gia quốc tế lấy làm lạ khi người dân thích tiêu tiền mặt và nghịch lý hơn là mọi người điều có dành dụm tiết kiệm phòng thân nhưng khi cần lại thường thích vay nóng tín dụng đen cho nhanh.

Điều này trái ngược với thế giới khi quản lý tài chính cá nhân với: tiền trong tài khoản, thanh toán thẻ, và tín dụng tiêu dùng phát triển với rất nhiều dịch vụ hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng.

Tín dụng tiêu dùng là một hình thức khá phổ biến hiện nay, nhất là ở những nước phát triển trên thế giới. Người dân sử dụng nó như một phương tiện không thể thiếu trong hoạt động chi tiêu tài chính. Song ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng vẫn còn chưa tương ứng với tiềm năng thị trường.

Tại các nước trong khu vực, tín dụng tiêu dùng trung bình chiếm khoảng 15 - 25% tổng dư nợ. Tại Mỹ và các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng có thể lên tới 35 - 40%, thì hiện ở Việt Nam, cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ.

Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn chưa được người dân chú trọng, đó là vấn đề tiếp cận dịch vụ của các tổ chức tín dụng.

So sánh ngay với quốc gia lân cận là Trung Quốc với thị trường tiêu dùng có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, tỷ lệ người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng lên tới 64%, thì ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ vào khoảng 25-27%.

Hơn nữa, hiện nay, số người sở hữu thẻ tín dụng gia tăng nhưng tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng thường xuyên ở Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Chứng tỏ, thói quen, văn hóa vay tiền trong tiêu dùng của người Việt chưa được chú trọng.

Một lý do khác khiến cho vay tiêu dùng ở Việt Nam chưa phát triển rầm rộ được như các nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới là do sản phẩm cho vay tiêu dùng chưa đa dạng, chưa có sản phẩm đặc thù cho khối nông thôn, mặc dù khối này chiếm đa số trong dân số, nhưng thu nhập và thói quen tiêu dùng có đặc điểm khác biệt so với dân số thành thị.

Minh bạch: Khởi đầu một thói quen hiện đại

Theo lãnh đạo một công ty tài chính, sở dĩ các sản phẩm tín dụng tiêu dùng hiện tại chủ yếu hướng đến những người sinh sống và làm việc tại khu vực thành thị và các thành phố lớn là bởi thị trường Việt Nam vẫn còn khá lạ lẫm với loại hình tín dụng này, dân số thành thị tuy nhỏ nhưng tổng thu nhập khối thành thị lại chiếm phần lớn thu nhập của cả nước.

Hoạt động cho vay tiêu dùng dù đã cải tiến rất nhiều so với thời điểm mới hình thành tại Việt Nam, nhưng vẫn đòi hỏi sự hiểu biết nhất định của đối tượng đi vay về quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong giao dịch.

Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Hơn nữa, chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân và phát triển nông thôn, do đó người nông dân ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thói quen vay tiền là phải được hỗ trợ. Mặc dù, đối tượng hỗ trợ của chính sách là công cụ sản xuất, là các chương trình quốc gia, còn đối tượng của vay tiêu dùng là để nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng để thay đổi lối suy nghĩ truyền thống của người dân thì cần có thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, cũng như có hướng tiếp cận và các sản phẩm đặc thù khác với khu vực thành thị.

Quan trọng hơn, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam hiện tại vẫn là dành dụm nhiều hơn chi tiêu. Trong khi đó, người dân chưa quen với việc phải trả các khoản phí trong giao dịch như: phí thẩm định, phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí bảo hiểm, phí trả nợ trước hạn...

Điều này cũng dễ hiểu, trước đây, người dân đã rất khó khăn mới có thể chấp nhận việc bị thu phí với các hoạt động giao dịch qua thẻ ATM và qua tài khoản, bởi một thời gian dài trước đó họ đã quen được phục vụ miễn phí.

Chính những lý do này đã dẫn đến 1 thực tế, dù lợi ích từ việc cho vay tiêu dùng rất lớn nhưng do nhận thức và thói quen nên một bộ phận người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen”, có khi bởi lời giới thiệu của người quen, cũng có khi bởi họ không lường hết được những rủi ro và nguy hiểm rình rập đằng sau những đường dây tài chính mờ ám này.

Theo các chuyên gia, tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất lớn bởi dân số của Việt Nam hiện trên 90 triệu người, trong đó, quan điểm của giới trẻ Việt Nam về tiêu dùng đang có sự thay đổi, họ sẵn sàng vay tiền để chi tiêu, đây là nguồn cầu khá mạnh tạo nên thị trường cho vay tiêu dùng đầy hấp dẫn với các tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng thế giới (WB) thì hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có 1/3 dân số có tài khoản ngân hàng và nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân có xu hướng gia tăng khi mức sống ngày càng được cải thiện. Nhiều chuyên gia ước tính, cho vay tiêu dùng có thể chiếm tới 10% GDP (trên 10 tỷ USD/năm) trong thời gian tới.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, thực tế, nhu cầu vốn tiêu dùng luôn có, nhất là với các thị trường mới, nhưng vấn đề về tính minh bạch, thủ tục khiến nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại.

Để thị trường tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam phát triển mạnh, các tổ chức tín dụng cũng cần khắc phục những nhược điểm, hạn chế để người vay tiếp cận được nguồn vốn. Đồng thời, người dân cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng, thay vì cứ đợi đến khi tích cóp đủ tiền mới mua sắm thì hãy coi tín dụng tiêu dùng thói quen của thời hiện đại, giúp việc quản lý tài chính cá nhân và gia đình được hiệu quả hơn.

 

Theo VietnamNet