clock

Doanh Nghiệp

01:25 21-09-2020

Ví điện tử ngừng liên kết, khán giả VieON gặp khó vì… muốn trả tiền

Ngoài việc đề xuất khách hàng chuyển sang các phương thức thanh toán khác, VieON cũng bắt đầu có những động thái pháp lý cứng rắn hơn sau khi nỗ lực đàm phán với đối tác không đi đến kết quả như mong đợi.

Vài năm trước đây, khán giả nước ta vẫn còn vô tư tiêu thụ các nội dung giải trí không bản quyền. Việt Nam được xem là thị trường thiên đường để các website "lậu" tha hồ kiếm chác từ quảng cáo. Nhưng cục diện đã nhanh chóng thay đổi, với sự xuất hiện của các nền tảng OTT có trả phí. 

Khi được trải nghiệm những nội dung giải trí chất lượng cao và đã được hạn chế tối đa quảng cáo, khán giả cũng ngày một nâng tầm thị hiếu, văn minh và sòng phẳng hơn, sẵn sàng bỏ ra một khoản chi hợp lý để thưởng thức những bộ phim, chương trình truyền hình đang "hot".

Ví điện tử ngừng liên kết, khán giả VieON gặp khó vì… muốn trả tiền - Ảnh 1.

Các nội dung giải trí có bản quyền dưới định dạng chất lượng cao trên ứng dụng VieON.

Xu hướng chuyển dịch này là động lực để các ứng dụng Việt đầu tư và phát triển mạnh mẽ về công nghệ, nỗ lực kết hợp với các đối tác để cải thiện trải nghiệm giải trí, đa dạng các phương thức thanh toán tiện lợi cho khách hàng. 

Vậy mà, trong bối cảnh thị trường vẫn còn đang sôi động, một bộ phận khán giả, cụ thể là người dùng VieON, lại bỗng nhiên bị "làm khó" khi muốn… trả tiền, bởi một trong các đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán trên ứng dụng OTT này đã tuyên bố ngừng cung cấp dịch vụ.

Ví điện tử ngừng liên kết, khán giả VieON gặp khó vì… muốn trả tiền - Ảnh 2.

Nhiều thuê bao bỗng gặp phải tình huống éo le "cầm tiền đi chợ lại không được mua hàng".

Vốn là một nhánh thuộc Tập đoàn Đất Việt VAC - đơn vị sở hữu một kho nội dung dung số "khủng" từ các chương trình giải trí, phim truyền hình độc quyền đến các nội dung được mua bản quyền và phát sóng trên các kênh HTV, ngay từ khi mới ra mắt, VieON đã trở thành một trong những đối thủ đáng gờm trong nền tảng OTT Việt. 

Điều này đã được chứng minh bởi tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của VieON. Chỉ trong 24 giờ ra mắt, ứng dụng VieON đã vươn lên top đầu trên bảng xếp hạng AppStore và Google Play. Từ đó, ứng dụng liên tục đạt mức tăng trưởng thần tốc, trung bình gần 500% mỗi tháng. Đáng tiếc, phong độ này đang bị ảnh hưởng trầm trọng, sau khi ví điện tử MoMo - vốn được hơn 45% số thuê bao đăng ký VieON lựa chọn để thanh toán, đã chính thức "đóng băng" dịch vụ.

Việc đơn phương chấm dứt dịch vụ với VieON có phần đi ngược lại với cam kết "liên tục cải tiến chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Khách hàng" từ phía ví điện tử MoMo, gây ra trở ngại không đáng có với đại đa số người dùng. 

Đông đảo các thuê bao đã bức xúc phản ứng với bộ phận CSKH của VieON khi bị ảnh hưởng đến trải nghiệm giải trí, bởi thay vì được tận hưởng những trải nghiệm giải trí trọn vẹn, họ lại phải tốn thời gian để tìm hiểu và chuyển sang phương thức thanh toán khác. Trong khi đó, hàng nghìn người dùng VieON khác vốn đã chọn MoMo làm cổng thanh toán có dấu hiệu sẽ rời bỏ ứng dụng này.

Liên tục tiếp nhận các thông tin phàn nàn từ người dùng khiến ứng dụng mới có tuổi đời hơn 4 tháng tỏ ra bối rối. Ông Huỳnh Long Thủy, Giám đốc điều hành VieOn chia sẻ: "Dù đã thông báo trên ứng dụng và đề nghị khách hàng thay đổi phương thức thanh toán, tổng đài của chúng tôi vẫn liên tục nghẽn mạng vì khách hàng gọi đến than phiền. 

Hiện tại, các giải pháp đang được đưa ra vẫn khá thụ động, VieON còn phải khắc phục nhiều hậu quả của sự thay đổi này. Hợp đồng được ký kết với đối tác MoMo từ cuối năm 2019, sau khi VieON đã cân nhắc rất nhiều từ kết quả nghiên cứu thị trường và các quy định của chính phủ, cũng như đặt vấn đề thanh toán qua ví điện tử là một trong những trọng tâm của chiến lược phát triển lâu dài trong cuộc đua cạnh tranh với các đối thủ OTT hiện có trên thị trường."

Hiện tại, bên cạnh việc áp dụng những chương trình khuyến mãi cho các kênh thanh toán khác bao gồm ví điện tử ZaloPay, Moca, SMS MobiFone, thẻ quốc tế Visa/ Master, thẻ ATM nội địa... Đại diện VieON cho biết ứng dụng này sẽ có những hành động pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân doanh nghiệp nói riêng và thị trường OTT nói chung, nhằm hướng đến một môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh ở Việt Nam.