clock

Bất Động Sản

09:09 16-11-2015

Vì sao khó bán cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang ở Sài Gòn?

Nhiều cao ốc có giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang xây dở nhưng bị bỏ hoang, rất khó bán cho nhà đầu tư khác. Dự án Kenton Residences 300 triệu USD là một ví dụ.

Dự án Kenton Residences với vốn đầu tư đến 300 triệu USD hiện là những khối nhà cũ kỹ, hoang hóa. Ảnh: Zen Nguyễn.

Điển hình nhất trong số các cao ốc đang hoang hóa ở khu vực quận 7 là dự án Kenton Residences gần ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ. Theo công bố năm 2009, dự án có vốn khoảng 300 triệu USD, xây dựng trên diện tích 9,1 ha.

Dự án gồm 3 phân khu với tổng cộng 9 tòa tháp 1.640 căn hộ, dự kiến hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên, đến năm 2012, khi mới xây xong phần thô của 3 tòa tháp và một phần tòa tháp thứ 4 thì chủ đầu tư ngưng hẳn các hạng mục tiếp theo.

Kenton Residences từng được kỳ vọng là điểm nhấn của khu Nam thành phố hiện chỉ là khối những tòa nhà thô đồ sộ, nằm trơ trọi và xuống cấp từng ngày. Bên trong công trình ngổn ngang những khối bê tông, sắt thép, vật liệu xây dựng nằm xen với cỏ dại. Nhiều khung sắt lộ thiên khỏi các khối bê tông bắt đầu gỉ sét.

Bà Hương, bán nước giải khát gần tòa nhà, cho biết, dù bảo vệ túc trực 24/24 nhưng 3 năm nay công trình không còn thi công. "Nghe nói chủ đầu tư dừng xây dựng vì hết tiền và bán không được nhà”, bà Hương nói.

Ở vị trí là cửa ngõ thành phố, quận Bình Thạnh cũng có những cao ốc xây dựng dở dang rồi án binh bất động. Dự án cao ốc văn phòng và căn hộ hạng sang DB Tower tại số 141 Điện Biên Phủ, được khởi công từ năm 2010. Đến giữa năm 2012, khi đã đổ xong phần sàn thô thì chủ đầu tư dừng thi công đến nay. Đây là dự án do Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Cận Viễn Đông làm chủ đầu tư, có quy mô xây dựng gồm 3 tầng hầm và 22 tầng cao.

Cũng tại Bình Thạnh, dự án tòa nhà văn phòng V-Ikon, nằm trên hai mặt tiền đường Điện Biên Phủ và Phan Chu Trinh nối dài, dù đã xây xong phần thô, lắp kính nhưng cũng dừng thi công 2 năm nay, vì chủ đầu tư không còn khả năng tài chính. Theo thiết kế, tòa nhà có hình chữ V, có chiều cao đến 125,8m gồm 4 tầng hầm và 26 tầng cao.

Tòa nhà V-Ikon cao 125,8 m tại vị trí cửa ngõ thành phố đang trong quá trình lắp kính cũng dừng đầu tư hoàn thiện hơn 2 năm nay. Ảnh: Lê Quân.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên mua các dự án xây dựng dở dang, cho biết, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các dự án khả thi, ở vị trí phù hợp. Qua khảo sát, ông nhận thấy dự án cao ốc bỏ hoang nằm rải rác ở nhiều quận, như quận 7, Tân Phú, Tân Bình… Có dự án đã xây xong phần thô nhưng không tiếp tục hoàn thiện, cũng có tòa nhà mới làm xong hầm, móng.

Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết, một số dự án cao ốc tại các quận đang trong quá trình triển khai dang dở. Trong số đó, có dự án đang ở giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng có dự án triển khai móng và các hạ tầng kỹ thuật, có dự án đã xây dựng xong phần thô rồi ngưng.

Theo ông Tuấn cho rằng, các dự án dở dang có nhiều nguyên nhân, ​nhưng cơ bản nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên, cũng có dự án do nhà đầu tư chủ động tạm dừng để đánh giá nhu cầu thị trường. Bởi khi thị trường đóng băng, nhà hoàn thiện tại thời điểm đó cũng không bán được. Đây là hệ quả của giai đoạn thị trường nóng sốt giai đoạn 2007-2008.

Bán khó, thu hồi không dễ

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho rằng, để giải quyết vấn đề này không phải bằng quy định cứng nhắc là thu hồi dự án, thay chủ đầu tư. Cơ quan quản lý nên hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện để chủ đầu tư tìm kiếm nguồn vốn, cũng như xin gia hạn trong thời gian nhất định để triển khai lại.

Cao ốc Saigon One Tower vốn đầu tư 5.000 tỳ đồng bị bỏ hoang trên đất vàng trung tâm quận 1. Ảnh: Lê Quân.

“Tất nhiên, với những dự án kéo dài, theo quy định sẽ phải thu hồi để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực. Nhưng việc dự án ngưng trệ là ngoài mong muốn của nhà đầu tư. Có những nhà đầu tư họ đã bỏ chi phí lớn bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư trên đất rồi, mình không thể thu hồi, chỉ trừ những dự án được giao đất do Nhà nước trực tiếp quản lý thì mới thực hiện việc thu hồi.

Nhà đầu tư nào tự thấy không còn đủ sức thì họ có thể sang nhượng lại dự án cho các đơn vị có năng lực để tiếp tục hoàn thiện công trình. Thời gian qua, đã có khá nhiều dự án hồi sinh nhờ chuyển nhượng”, ông Tuấn tiết lộ.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên săn các dự án đầu tư dang dở, nói với Zing.vn, không dễ sang nhượng lại các dự án này, dù có những vị trí rất đẹp, nhiều nhà đầu tư săn đón.

“Dự án không vướng pháp lý thì chủ đầu tư đưa ra mức giá quá cao​. Có dự án giá trị nợ ngân hàng còn cao hơn giá trị sản phẩm. Mình mua là mua cục nợ với ngân hàng, phải giải quyết hết nợ với ngân hàng thì mới mang dự án ra thị trường được. Nhưng giá trị mua cao hơn giá sản phẩm thì không thể đầu tư, dù dự án ở vị trí đẹp”, vị này phân tích.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết, doanh nghiệp đã mua khá nhiều dự án “đóng băng” để tiếp tục đầu tư. Lợi thế của các dự án này với chủ đầu tư mới là rút ngắn thời gian giao dịch. Nhà đầu tư không phải trải qua các công đoạn làm thủ tục pháp lý ban đầu, không vướng đền bùi giải tỏa mà có thể nhanh chóng triển khai xây dựng.

Song cũng theo ông Hiền, việc mua một dự án dang dở, nhất là những dự án có thời gian bỏ hoang kéo dài thì việc cải tạo rất tốn kém, phức tạp. Có những dự án chủ đầu tư mới buộc phải đập bỏ làm mới hoàn toàn, vì đã quá xuống cấp.

Vị này ​cho rằng, kênh mua tốt nhất là qua ngân hàng. Do hầu hết các dự án bỏ dở này đều bị cầm cố, các ngân hàng cũng muốn giải quyết nhanh chóng khoản nợ lớn nên hỗ trợ nhà đầu tư tốt. Ngoài ra, việc giao dịch qua giới thiệu của ngân hàng cũng nhanh chóng, thuận lợi hơn, bởi đây là điểm kết nối, thẩm định năng lực nhà đầu tư tốt nhất.

Theo Zing