clock

Văn Hóa

08:23 01-12-2020

Vì sao nhiều nhà hàng hạng sang không nhận khách đặt bàn qua điện thoại?

Lý do tất nhiên không phải vì nhà hàng đã kín bàn từ trước.

Đặt bàn qua điện thoại là lựa chọn phổ biến hiện nay, giúp khách hàng tránh được tình trạng chờ đợi hoặc muốn thưởng thức một món ăn đặc biệt nhưng nhà hàng lại hết bàn. Tuy nhiên, có nhiều nhà hàng, dù còn bàn trống, họ sẽ chỉ nhận khách trực tiếp chứ không nhận khách đặt bàn qua điện thoại.

Trong một vlog của mình, nhà thiết kế (NTK) triệu đô Quánh Thái Công, người thường được biết đến với lối sống đẳng cấp, thượng lưu, đã lý giải rõ hơn về điều này. Ông cho biết, ở Paris, có nhiều nhà hàng, ví như L’Avenue không nhận đặt hàng qua điện thoại. 

Lý do đơn giản vì số khách du lịch đến Paris quá nhiều, và nhà hàng sẽ lựa chọn phục vụ những vị khách mà họ thấy phù hợp.

"Nhà hàng sang trọng là nơi sẽ nhận khách sang trọng, chứ không phải chỉ sang trọng trong cách trang trí. Nếu trang trí sang trọng nhưng khách không sang trọng thì làm hỏng không khí sang trọng trong nhà hàng, và người chủ muốn giữ không khí này nên người ta sẽ chọn khách", Quách Thái Công lý giải.

"Nếu đặt qua điện thoại, người ta không thấy được khách để lựa chọn. Giả sử nhận bàn qua điện thoại xong, lúc khách đến nhưng quần áo không phù hợp với không khí trong nhà hàng, muốn từ chối cũng khó".

NTK cho biết với nhiều nhà hàng hạng sang kiểu trên, họ cũng thường từ chối nếu số lượng khách quá đông. Ví dụ có những nơi không chấp nhận bàn nhiều hơn 6 người, nghĩa là nhóm 8 người, hay nhóm đông khoảng 20 người đang tìm chỗ tổ chức sinh nhật, họ sẽ từ chối luôn.

"Cứ tưởng tượng bạn đi ăn với vợ, bữa ăn cả ngàn USD mà ngồi cạnh nhóm đông, xong ai cũng ‘1,2,3 zô’ thì đâu có được. Vì vậy, nhà hàng chọn khách, chỉ phục vụ người biết ăn, có thái độ tốt, và tạo ra một bầu không khí đẹp xung quanh họ. Và nhà hàng sẽ không phục vụ nhiều hơn 6 người".

Vì sao nhiều nhà hàng hạng sang không nhận khách đặt bàn qua điện thoại? - Ảnh 1.

NTK Quách Thái Công.

Với những địa điểm có yêu cầu đặc biệt như vậy, NTK Quách Thái Công cho rằng khi đến dùng bữa, khách hàng cần lưu ý về trang phục. Nam giới nên mặc áo vest, không mặc sơ mi không, cũng không mặc sơ mi ngắn tay, quần đùi, dép kẹp… 

Không nhất thiết phải thắt cà vạt nhưng ít nhất phải có một cái áo vest phía ngoài, đó là căn bản. Khi đến nơi, có thể cởi áo vest để trên ghế, hoặc gửi nhân viên cất hộ nhưng nhất thiết phải đem theo áo vest.

Với những người đàn ông đi cùng vợ hoặc bạn gái, nên để ý đến những hành động ga-lăng như mở cửa xe hơi cho phụ nữ lúc lên xuống, kéo ghế ngồi khi vào nhà hàng, cởi áo măng tô gửi lại cho nhân viên…

Đặc biệt Quách Thái Công nhấn mạnh, những hành động, cử chỉ khi đi ăn ở nhà hàng sang trọng nên hình thành một cách tự nhiên. Nếu khách hàng suy nghĩ và cố gắng tỏ ra sang trọng thì nhiều khi lại thành kiểu kỳ cục và "quê".

"Thói quen nên hình thành từ từ, ví dụ ăn ở nhà nên học ăn dao, dĩa ra sao, vô trong đó sẽ thành thói quen bình thường. Nếu lâu lâu ăn nhà hàng sang trọng mà bạn phải nghĩ xem diện quần áo thế nào, phải ăn thế nào thì lúc đó sẽ không thấy thoải mái đâu. 

Tôi gợi ý nên ăn những nhà hàng bình thường trước, hình thành thói quen rồi mới đến nhà hàng sang trọng, không thôi bạn sẽ thấy rất bỡ ngỡ và không thoải mái. Mà có dẫn người đi cùng nhưng người ta không quen bữa ăn đó thì người ta cũng thấy khó chịu".

"Mình phải chọn nhà hàng đúng phong cách và đúng túi tiền của mình thì mọi thứ mới tự nhiên được, chứ không cố quá lại nhìn rất quê", NTK khẳng định.