clock

Thế Giới

13:50 15-12-2015

Vì sao nước Ý là quốc gia pho mát nhưng vẫn đi nhập khẩu pho mát?

Pháp, Đức, Ý đều là những nước xuất khẩu lớn về pho mát nhưng vẫn đi nhập khẩu pho mát, hay như Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng vẫn phải nhập khẩu gạo.. Tại sao vậy?

Trung Quốc hiện đang là thị trường béo bở cho ngành đồng hồ đeo tay. Năm 2014, họ đã xuất khẩu 2,6 tỷ USD và cũng nhập khẩu 2 tỷ USD sản phẩm này. Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là tại sao Trung Quốc lại nhập khẩu nhiều đồng hồ đến vậy trong khi họ có thể tự sản xuất loại mặt hàng này?

Trong vài thập niên gần đây, việc nhập khẩu cùng loại hàng hóa có thể sản xuất trong nước đang ngày một tăng. Theo tờ Quartz, hiện tượng này đang chiếm khoảng 1/4 giao dịch thương mại trên toàn cầu.

Câu trả lời cho xu thế nhập khẩu những sản phẩm giống với mặt hàng xuất khẩu đến từ 3 khía cạnh: sự đa dạng trong nhu cầu, quá trình toàn cầu hóa và đà tăng trưởng của các thị trường mới nổi.

Trước đây, các quốc gia thường chỉ giao dịch những sản phẩm mà họ không thể sản xuất hay thiếu cung, như Anh nhập khẩu xe hơi, Costa Rica nhập khẩu ngô, Hàn Quốc nhập khẩu kim loại, Trung Quốc nhập khẩu đậu nành.

Tuy vậy, từ thập niên 70, hai chuyên gia kinh tế là Herbert Grubel và Peter Lloyd đã nhận ra rất nhiều giao dịch kinh tế không tuân theo quy luật cơ bản cung cầu của thị trường. Ví dụ như Australia, một nước ít khi có tuyết lại nhập khẩu và xuất khẩu giày trượt tuyết.

Hiện tượng này được hai chuyên gia kinh tế trên gọi là quan hệ thương mại nội ngành (Intra Industry Trade). Kể từ khi khái niệm này ra đời, hiện tượng thương mại nội ngành đã tăng trưởng nhanh hơn gấp 3 lần so với kiểu giao dịch thương mại truyền thống trước đây.

Tại sao lại nhập khẩu sản phẩm mà quốc gia có thể sản xuất?

Những lý thuyết truyền thống về kinh tế đã gặp nhiều khó khăn cho việc giải thích hiện tượng thương mại nội ngành. Để dễ hiểu hơn, hãy lấy ví dụ sản phẩm pho mát tại Châu Âu.

Các nước Bỉ, Pháp, Đức, Ý, và Hà Lan đều là những quốc gia xuất khẩu lớn về pho mát. Những nước này có nguồn lực tài nguyên và lao động tương đương trong ngành công nghiệp pho mát.

Tuy vậy, mỗi 3 USD giá trị xuất khẩu pho mát của mỗi nước lại kéo theo 2 USD giá trị nhập khẩu của cùng sản phẩm.

Tại những nước phát triển như trên, người tiêu dùng có thể tự do mua những gì mình thích do nguồn thu nhập cao. Nhu cầu của các khách hàng giàu có đã khiến hàng loạt các sản phẩm được nhập khẩu vào những nước giàu, từ điện thoại di động cho đến xe hơi.

Trong trường hợp này, việc phân biệt hàng nội địa hay nhập khẩu đã không còn quan trọng. Những nhà nhập khẩu chỉ đơn giản là muốn đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Nói theo cách khác, người tiêu dùng Đức có thể thích pho mát Pháp và nhập khẩu chúng dù nước này cũng sản xuất được sản phẩm tương tự.

Mặc dù vậy, nhu cầu đa dạng của khách hàng không phải là nguyên nhân duy nhất cho thương mại nội ngành.

Xu thế toàn cầu hóa đã đem lại nhiều lựa chọn hơn cho các nhà sản xuất, họ có thể thuê ngoài hoặc đặt nhà máy tại nhiều nơi trên thế giới. Tình trạng một nước nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm không phải là hiếm hiện nay.

Rõ ràng, các giao dịch thương mại ngày càng bị ảnh hưởng bởi chất lượng cũng như giá cả sản phẩm, qua đó thúc đẩy mô hình chuỗi sản xuất toàn cầu.

Những chiếc đồng hồ Trung Quốc xuất khẩu thường có giá rẻ với nguyên liệu thủy tinh và thạch anh, trong khi những sản phẩm nhập khẩu cùng loại thuộc phân khúc hàng xa xỉ, thường là từ Thụy Sĩ, nhằm thỏa mãn nhu cầu của tầng lớp giàu có trong nước hoặc khách du lịch.

Hiện nay, việc ước tính tỷ trọng thương mại nội ngành phụ thuộc khá nhiều vào cách các chuyên gia đánh giá hệ thống kinh tế mỗi nước.

Số liệu của chuyên gia kinh tế Cameron Thies và Timothy Peterson cho thấy thương mại nội ngành năm 2010 tại mỗi 2 nước chiếm bình quân khoảng 2,7% tổng giao dịch, nhưng việc xác định tỷ lệ chính xác còn tùy thuộc vào từng tình hình.

Các nước phát triển có xu hướng thực hiện thương mại nội ngành nhiều hơn, khoảng 50% giao dịch thương mại tại các nước Châu Âu là thương mại nội ngành. Tại Châu Á, chỉ có 3 cặp đối tác thương mại có tỷ lệ thương mại nội ngành vượt 30%, tại Châu Phi chỉ có 2 cặp vượt 10%. Trên toàn cầu, tỷ lệ thương mại nội ngành chiếm 27% tổng giá trị giao dịch.

Những nước có thu nhập cao thường sản xuất nhiều mặt hàng tương đồng về chất lượng với các quốc gia phát triển khác và để cạnh tranh, họ chuyên nghiệp hóa ngành công nghiệp này.

Hơn nữa, các nước giàu cũng là thị trường có đủ tiềm lực tài chính để mua những loại sản phẩm được chuyên nghiệp hóa sản xuất này.

Ví dụ trong ngành xe hơi, các nhà máy sản xuất của Mỹ, Đức hay Nhật Bản trong 30 năm qua đã tạo ra những sản phẩm có nhiều tương đồng về chất lượng cũng như giá cả.

Để tạo ra sự khác biệt và phân biệt thương hiệu, những công ty này chuyên nghiệp hóa sản xuất vào một dòng xe nhất định, như loại ô tô xa xỉ, loại thân thiện với môi trường, loại bền vững, loại cho gia đình, loại thể thao.

Các nước đang phát triển

Những nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục tăng trưởng và đương nhiên các thị trường này sẽ sản xuất cũng như tiêu thụ nhiều loại sản phẩm được chuyên nghiệp hóa như những nước giàu. Vấn đề đặt ra là những nền kinh tế này sẽ như thế nào nếu họ tiếp tục gia tăng thương mại nội ngành?

Một minh chứng điển hình cho câu trả lời là nền kinh tế Đông Âu. Khi 10 quốc gia Đông Âu gia nhập Liên minh Châu Âu vào năm 2004-2007, họ được quyền tiếp cận các thị trường Tây Âu. Một nghiên cứu của viện kinh tế IDE cho thấy thương mại nội ngành của những quốc gia này với các đối tác Châu Âu đã tăng trưởng ngay lập tức.

Mới đầu, sản phẩm xuất khẩu của các nước Đông Âu vào Tây Âu có chất lượng cũng như giá cả thấp hơn so với hàng nội địa. Sau đó, chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu này dần được nâng lên ngang bằng với các sản phẩm trong nước.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng là một dẫn chứng cho tương lai thương mại nội ngành tại các nước mới nổi. Nhiều nhà sản xuất đồng hồ Trung Quốc hiện đang cố gắng cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu từ Thụy Sĩ, trong khi một số tập đoàn nội địa đang cố mở rộng kinh doanh trong ngành thời trang cao cấp.

Hiện vẫn chưa rõ liệu những sản phẩm này có được xuất khẩu ra nước ngoài để cạnh tranh hay không, nhưng rõ ràng thương mại nội ngành đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc chuyên nghiệp hóa sản xuất và tạo ra các mặt hàng xa xỉ.

Với chặng đường 50 năm phát triển, khả năng thương mại nội ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giao dịch toàn cầu là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy vậy, chặng đường đó vẫn còn rất dài khi chuyên gia kinh tế Charles Sawyer ước tính GDP bình quân đầu người tại mỗi nước phải đạt 7.000-10.000 USD thì thói quen mua sắm của người tiêu dùng toàn thế giới mới thực sự thay đổi và ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa rằng ít nhất một nửa các quốc gia trên thế giới hiện nay, hay khoảng 70% tổng dân số toàn cầu vẫn chưa thể dùng sở thích mua sắm của mình để thay đổi giao dịch thương mại truyền thống.

Hoàng Nam/ Trí Thức Trẻ