clock

Doanh Nghiệp

06:42 11-04-2016

Vì sao “Samsung, Hyundai, Toyota” vẫn “tuyệt chủng” ở Việt Nam?

Làm thế nào để mơ giấc mơ trở thành một nước lớn khi cả nước, hiện chỉ có 2,4% doanh nghiệp lớn phần còn lại chẳng ai muốn lớn?

Đọc báo, đôi khi không dám tin vào mắt mình: Nhiều doanh nghiệp, chẳng ít doanh nhân không muốn doanh nghiệp mình… phát triển (!?).

Lý do, có lẽ chưa hề thấy trên trái đất này: Càng phát triển, càng lớn thì bị thanh tra càng nhiều, chi phí đen càng lắm.

Vậy thì, cứ túc tắc “phát triển” vừa vừa, cho có; đủ để “an tâm” và hào hứng với chính mình chứ cứ mạnh mẽ thăng tiến thì y như là bạc tóc, âu lo…

Tác giả Hà Văn Thịnh

Trên Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia - Cổng thông tin điện tử Chính phủ, bài viết được đăng tải lúc 12h57' ngày 31.3.2016, đã cho cả nước biết cái tin khó tin.

Bài báo cho hay rằng, 97,6% doanh nghiệp của nước ta là vừa nhỏ, lại vừa vừa vừa!

Rằng, “công việc” quan trọng nhất của mỗi doanh nghiệp chưa hẳn là đầu tư nghĩ suy để cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, mà “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”;

65% doanh nghiệp cho biết phải thường xuyên chi trả các khoản chi… không chính thức và, nếu chỉ là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi năm chỉ phải đón 1 (có khi 2) đoàn thanh tra, còn doanh nghiệp lớn là… 3 đoàn!...

Nghiêm trọng hơn, bài báo cho biết, các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường, và thanh toán qua kho bạc đều là những lĩnh vực mà tỷ lệ doanh nghiệp thấy phiền hà gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp…

Chỉ chừng đó thông tin, đủ để bất kỳ ai quan tâm cũng phải xót xa, choáng váng.

Làm thế nào để mơ giấc mơ trở thành một nước lớn khi cả nước, hiện chỉ có 2,4% doanh nghiệp lớn – phần còn lại chẳng ai muốn lớn?

Cách đây mấy năm, có không ít chuyên gia kinh tế nước nhà lý giải vì sao Việt Nam chưa có Samsung, Hyundai, Toyota…, tất thảy đều nói – chủ yếu là CHÊ cái tầm, các kém của doanh nhân.

Tuyệt không thấy một ai nói rằng cái gánh nặng thủ tục hành chính là mảnh đất cằn để cái “cây” thương hiệu không thể lớn (để đạt được thương hiệu thế giới, nhất định phải là doanh nghiệp lớn).

Bài báo chưa nói rõ, nói đủ nhưng ai cũng hiểu rằng, một khi thỏa thuận với cán bộ thuế là công việc quan trọng, cũng đồng nghĩa rằng cán bộ thuế, nếu muốn, có thể làm nhiều thứ rất nhiều thứ hành doanh nghiệp.

Ai có thể giải tỏa, cất bỏ gánh nặng ấy cho các danh nghiệp… nhẹ người?

Chẳng lẽ cứ nói hoài nói mãi về nhà nước pháp quyền trong khi nhiều nhân viên thuế vụ có quyền hành hạ doanh nghiệp – những cơ sở kinh tế đóng góp rất nhiều cho sự phồn vinh, giải quyết việc làm cho hàng triệu con người?

Sự thật nhãn tiền là càng lớn thì càng bị hành nhiều, các đoàn thanh tra đến càng nhiều.

Đó là chưa kể đến cháy nổ, môi trường, an toàn lao động, thanh toán…, đụng vào đâu cũng chi, đụng chỗ mô cũng ngao ngán lắc đầu…

Ngày xưa Tú Xương cảm thán, Thớt có tanh tao ruồi đổ đến/ Gang không mật mỡ kiến bò chi…; thiết nghĩ ngày nay vẫn còn tồn tại bởi theo cái luận suy giản dị nhất, đến để kiểm tra cả chục doanh nghiệp nhỏ chẳng bõ bằng một lần thăm doanh nghiệp to…

Đất nước có đủ tất cả mọi điều kiện cần và đủ cho sự chuyển mình: từ tài nguyên đến tài năng; từ thiên thời đến địa lợi; chỉ còn thiếu mỗi… nhân hòa!

Nhân hòa ở đây là cái cơ chế ách tắc ai cũng biết, cũng đã gỡ nhưng gỡ mãi không xong và không biết khi nào xong!

Đã đến lúc không thể từ từ rồi tính; hay nói như Trịnh Công Sơn thuở nào, thôi kệ.

Trách nhiệm đưa nước ta trở thành một quốc gia đủ để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ đã nói buộc phải có ngay, dứt khoát, kịp thời những giải pháp để tất cả mọi nhà, tất cả mọi người – ai cũng muốn lớn lên, trưởng thành, phát triển…

*Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả!

theo Trí Thức Trẻ