clock

Doanh Nghiệp

08:17 22-08-2016

Vì sao Shiseido, Lancome... làm mưa làm gió ở Việt Nam trong khi tinh dầu hay nguyên liệu mỹ phẩm ở ta có thừa?

Việt Nam rất giàu về nguồn tinh dầu, nguyên liệu làm mỹ phẩm nhưng thực tế, các thương hiệu ngoại như Shiseido, Lancome, the Face Shop… lại đang chiếm lĩnh thị trường Việt.

Ông M Gandhi, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Công ty United Business Media, với phóng viên tại Triển lãm Vietbeauty tổ chức tại TP HCM rằng, Việt Nam là đất nước rất tiềm năng về ngành làm đẹp. Một trong những tiềm năng đó là nguồn nguyên liệu, tinh dầu cho mỹ phẩm rất phong phú.

Tại buổi hội thảo trong khuôn khổ VietBeauty, Tiến sĩ Thủy, đến từ Viện Hóa học các Hợp chất Tự nhiên, đã nêu tên nhiều loại rau thơm, gia vị rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam vừa có giá trị dược liệu, vừa có thể là thành phần trong các loại mỹ phẩm làm đẹp. Đó là húng quế, tía tô, rau răm, xương sông, lát lốt, thìa là, mùi tàu, hành, mùi… đều có thể vừa là rau gia vị, vừa là nguồn cung cấp tinh dầu cho làm đẹp.

Với đặc thù là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, Việt Nam rất phù hợp với sự phát triển của các loại cây thực vật nói chung và các loại cây tinh dầu nói riêng. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam, Việt Nam mới chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào để xuất khẩu nguyên liệu thô, tinh dầu mà thôi. Giá xuất thì thấp, trong khi nhập thành phẩm thì giá rất cao.

Tuy nhiên, hiện các thương hiệu lớn như Shiseido, Fendi, Lower, L’oreal, Lancome, The Face shop… đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Việt Nam đang nhập khẩu mỹ phẩm chính lần lượt từ các nước: Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan.... Các doanh nghiệp lớn trong ngành của Việt Nam như Sài Gòn, Lân, Biona, Thái Dương… dù đã tạo được những dấu ấn nhất định trong lòng người Việt nhưng thị phần vẫn còn khiêm tốn. Đa số mỹ phẩm Việt chỉ tập trung khai thác thị trường bình dân ở cả khu vực nông thôn và thành thị.

Theo chia sẻ của ông Kim Deokseong, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Làm đẹp Hàn Quốc (KOBIS), thị trường làm đẹp Việt Nam rất tiềm năng bởi dân số trẻ và thu nhập của người Việt ngày càng tăng nên nhu cầu làm đẹp cũng tăng theo. Tuy nhiên, mảnh đất màu mỡ ấy lại mang lại lợi nhuận chủ yếu cho các doanh nghiệp ngoại.

Vậy vì sao doanh nghiệp mỹ phẩm Việt lại để miếng bánh ngon rơi vào tay doanh nghiệp ngoại?

Ông Minh đã cắt nghĩa những lý do vì sao doanh nghiệp nội lại thua ngay trên sân nhà.

Thứ nhất, doanh nghiệp nội chỉ tập trung vào chất lượng mà thiếu sự quan tâm đến bao bì, mẫu mã, làm thương hiệu.

Thứ hai, một số nhãn hàng xác định thị trường trọng điểm là xuất khẩu chứ không phải trong nước nên họ đã không chi mạnh cho quảng bá tại Việt Nam. Chính vì thế, người tiêu dùng không biết đến tên của các sản phẩm chất lượng trong nước. Người Việt không dùng mỹ phẩm Việt vì không rành hãng nào, nhãn nào. Tên nhiều sản phẩm Việt vẫn còn xa lạ với người tiêu dùng vì chưa đầu tư vào quảng bá thương hiệu rộng rãi.

Đối với phụ nữ, mỹ phẩm còn thể hiện phong cách, đẳng cấp của người dùng. Trong khi đó, mỹ phẩm Việt lại chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Chất lượng mỹ phẩm Việt chưa được đồng đều giữa đồ trang điểm và mặt hàng chăm sóc da. Do đó, có một sự thật là nhiều người tiêu dùng dùng sản phẩm dưỡng da là hàng Việt nhưng khi trang điểm nhất thiết phải là hàng ngoại.

Bên cạnh đó, trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, hầu hết các hãng đều phải mua nguyên liệu từ một số nơi như nhập hóa chất từ Đức, tinh dầu thảo mộc từ Pháp, nguyên liệu cỏ từ Ấn Độ, Philippines… nên chi phí cao trong khi chưa tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước.

Ông Minh gợi ý rằng trước những cơ hội và thách thức trong ngành, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến bao bì, mẫu mã và quảng bá thương hiệu để người Việt biết nhiều đến các sản phẩm Việt hơn, từ đó chọn cho mình những sản phẩm trong nước có chất lượng.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ