clock

Trong Nước

08:26 21-11-2015

Vì sao Việt Nam nhập siêu từ nhiều nước châu Phi?

Với thị trường hơn 1 tỷ dân, nhu cầu về nông sản thực phẩm lớn, châu Phi là thị trường giàu tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào

Ngày 21/11, trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Nhuận, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thuộc Bộ Công thương cho biết, nhiều năm qua Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường châu Phi. Riêng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 3,1 tỷ USD, gấp gần 3 lần kim ngạch nhập khẩu (1,3 tỷ USD). Tính đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu sang châu Phi đã đạt hơn 2,8 tỷ USD.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang châu Phi gồm gạo, điện thoại di động, hàng dệt may, giàu dép, thủy hải sản... Ngược lại, những mặt hàng chính mà Việt Nam nhập khẩu từ thị trường châu Phi chủ yếu là bông, hạt điều, sắt thép, vải sợi...

Riêng đối với Liên minh kinh tế tiền tệ châu Phi với 8 nước (UEMOA) và Liên minh kinh tế tiền tệ Trung Phi với 6 nước (CEMAC), Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều và có một số năm nhập siêu từ các quốc gia này.

Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2007 đến 2014, trong cán cân thương mại của Việt Nam với 8 nước thuộc UEMOA, gồm Bờ Biển Ngà, Benin, Burkina Faso, Guinea Bissau, Mali, Niger, Senegal, và Togo thì có ba năm 2011, 2013 và 2014 Việt Nam nhập siêu.

Đặc biệt trong hai năm 2013 và 2014 Việt Nam nhập siêu với giá trị khá lớn: năm 2013 Việt Nam chỉ xuất khẩu được 382,8 triệu đô la Mỹ nhưng nhập tới 552,4 triệu đô la Mỹ, và năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam giảm còn 293,3 triệu đô la Mỹ trong khi nhập tiếp tục tăng lên 560,8 triệu đô la Mỹ.

Với 6 nước thuộc CEMAC, gồm Cameroon, CH Trung Phi, CH Congo, Gabon, Guinea Xích đạo và CH Tchad, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng giảm đáng kể, nhưng nhập khẩu lại tăng lên qua các năm.

Năm 2007 xuất khẩu của Việt Nam qua CEMAC đạt 37,6 triệu đô la Mỹ, trước khi đạt đỉnh vào năm 2013 với 153,65 triệu đô la Mỹ, nhưng năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam vào CEMAC giảm đáng kể, chỉ còn 64,72 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó nhập khẩu từ thị trường này thì tăng lên.

Như vậy, trong thương mại với hai thị trường Tây Phi và Trung Phi gồm 14 nước, xuất khẩu của Việt Nam giảm dần, trong khi đó nhập khẩu lại tăng lên.

Lý giải điều này, ông Hoàng Đức Nhuận cho hay: 14 nước thuộc Tây Phi và Trung Phi là nhóm nước nghèo nhất ở khu vực châu Phi. Tại hai khối này, chưa có đại sứ quán, thương vụ Việt Nam, đại diện thương mại nên kim ngạch thương mại còn thấp. Đây chỉ là những thị trường nhỏ ở châu Phi và Việt Nam chủ yếu nhập khẩu điều, bông... từ các quốc gia này để phục vụ ngành sản xuất chế biến trong nước và xuất khẩu đi châu Âu bởi nguồn cung trong nước không đủ.

"Việt Nam nhập thô các mặt hàng này để xuất khẩu các sản phẩm chế biến, mang lại giá trị cao. Nhóm nước ở Tây Phi, Trung Phi không thể đại diện cho toàn khu vực châu Phi bởi tính chung kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-châu Phi những năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu", ông Nhuận nhấn mạnh.

Khó khăn để tiếp cận thị trường

Dù châu Phi là thị trường nhiều tiềm năng nhưng việc đầu tư làm ăn tại thị trường này còn nhiều rủi ro. Ông Hoàng Đức Nhuận chỉ ra nhiều khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi làm ăn tại châu Phi cũng như những giải pháp mà Bộ Công thương đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ nhất, khoảng cách địa lý xa xôi, hàng hóa Việt Nam vận chuyển sang châu Phi phải mất 1,5 tháng mới đến nơi, giá cước rất cao, ít cạnh tranh được với hàng hóa của các nước gần châu Phi hơn Ấn Độ, Pakistan... Chính vì thế, Bộ Công thương khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại chỗ ở châu Phi, tận dụng nguồn nguyên liệu (bông, điều, gỗ...) để chế biến phục vụ thị trường trong nước, hoặc tái xuất, xuất khẩu sang các nước lân cận hay các nước đã ký Hiệp định FTA để hưởng ưu đãi về xuất xứ.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng tăng cường ký kết các thỏa thuận về hợp tác vận tải biển, vận tải hàng không, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa.

Thứ hai, giữa Việt Nam và nhiều nước châu Phi chưa có cơ quan đại diện ngoại giao nên rất khó cấp visa, hõ trợ về mặt thông tin đối tác cho doanh nghiệp hai bên. Hiện Việt Nam mới có 9 đại sứ quán và 5 cơ quan thương vụ (đại diện Bộ Công thương) ở châu Phi kiêm nhiệm. Thời gian tới Bộ Công thương sẽ mở rộng mạng lưới các cơ quan, văn phòng xúc tiến thương mại ở châu Phi để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ ba, do thiếu thông tin thị trường, doanh nghiệp Việt còn ngại, không dám giao dịch trực tiếp mà phải qua trung gian. Vì thế, các thương vụ Việt Nam tại châu Phi tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại châu Phi, tổ chức hội thảo giới thiệu tiềm năng thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ trực tiếp các đối tác uy tín.
Thứ tư, một số doanh nghiệp Việt tìm kiếm và giao dịch với khách hàng qua các trang mạng internet nên rất rủi ro, có trường hợp bị lừa đảo tiền, hàng hóa. Do đó, Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp xác minh, thẩm tra đối tác ở châu Phi, tư vấn trước khi giao dịch.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng xây dựng các chính sách, ký các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ và các bộ liên quan, Phòng thương mại với các phòng liên quan để tạo kênh pháp lý tạo cho doanh nghiệp hoạt động, thiết lập kênh thông tin chính thống để doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thông tin, cơ hội kinh doanh, đầu tư, tiếp cận danh sách các doanh nghiệp uy tín, các hội chợ triển lãm quốc tế.
Riêng đối với mặt hàng gạo, một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang châu Phi hiện nay đang bị cạnh tranh khốc liệt với các nước Ấn Độ, Thái Lan. Theo Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á: "Bộ Công thương đã có thỏa thuận phối hợp với Bộ NN&PTNT nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong đó có gạo, ở châu Phi. Bộ cũng đang xây dựng Đề án chiến lược phát triển thị trường gạo từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó thực hiện các biện pháp mà Vụ thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á đang triển khai. Cụ thể là ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước châu Phi nhập khẩu nhiều gạo để chỉ định các doanh nghiệp hai bên trực tiếp trao đổi gạo, cạnh tranh với các đối thủ ở nước ngoài.
Tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại có doanh nghiệp đi cùng để tổ chức các hội thảo, gặp gỡ trực tiếp đối tác. Các thương vụ Việt Nam, đại sứ quán ở nước ngoài tăng cường giới thiệu các đối tác nhập khẩu gạo uy tín ở nước sở tại cho các doanh nghiệp Việt. Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập công ty, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp. Bộ Công thương cũng phối hợp với VCCI, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức các cuộc gặp ngân hàng nhằm thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi, tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu".

 

Theo Báo Đất Việt